18 tháng 9, 2012

Ra khơi cùng ngư dân - Kỳ 4: Những “cột mốc” biên cương

Từ cảng Ba Ngòi, TP Cam Ranh, Khánh Hòa, chúng tôi xuống tàu làm ngư dân để cùng anh em đi bạn (làm thuyền viên) ra khơi trong sóng gió. Gần một tháng giong tàu trên biển đi tìm nguồn cá, mỗi ngư dân chúng tôi giờ đây cũng là những cột mốc biên cương bằng xương bằng thịt, góp phần khẳng định chủ quyền trên vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc.
>> Ra khơi cùng ngư dân - Kỳ 2: Cắm cờ giữ biển
>> Ra khơi cùng ngư dân - Kỳ 3: Ân tình của biển

Các thuyền viên trong những giờ phút thư giãn hiếm hoi trên biển - Ảnh: T.Vũ
Người thuyền trưởng tài năng
Thuyền trưởng Nguyễn Minh Vương, 35 tuổi, nhưng đã có thâm niên gần 23 năm ngược xuôi trên biển. Ngay từ khi 12 tuổi, Vương đã theo cha ra khơi đánh bắt cá. Vương thuộc lòng biển, luồng cá như đường đi nơi anh sinh ra tại thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Người mập, đậm màu da của người đi biển với các cơ bắp cuồn cuộn mỗi khi thuyền trưởng Vương gồng tay bẻ lái đưa con tàu vượt qua những cột sóng.
12 tuổi, Vương đã cùng cha ra khơi nhưng những vùng biển gần bờ ở quê nhà, con tàu nhỏ không làm cậu trai trẻ thỏa chí vẫy vùng. Cộng với việc gia đình đông, sáu anh em trai và hai chị gái, chiếc ghe giờ đây đã quá chật chội, Vương quyết định xách giỏ “đi bụi”, lang thang vào Bà Rịa - Vũng Tàu đi bạn cho những con tàu to tại xã Phước Tỉnh với mong muốn được thỏa chí vẫy vùng trên những vùng biển xa.
Năm 1997, cơn bão số 5 (Linda) đổ vào biển Đông với gió giật cấp 10, 11... Vị thuyền trưởng của con tàu Vương đi bạn phải oằn mình đưa tàu vượt qua những cột sóng to. Tàu nghiêng ngả tưởng như chìm, thuyền trưởng thất thần la lớn rồi khuỵu xuống. Vương lao đến chụp vôlăng, lái tàu thay thuyền trưởng. Quần nhau với bão tố hơn một ngày trời, Vương đưa được con tàu về cảng, cứu sống thuyền trưởng và 11 anh em thuyền viên.
Sau trận bão tố thoát chết, lên bờ Vương xách giỏ về thẳng quê nhà với lời thề “tới chết không bao giờ đi biển nữa”, nhưng rồi tình yêu biển một lần nữa kéo anh ra khơi để giờ đây anh là một tài công tài ba điều khiển con tàu 900CV luôn chiến thắng biển với những chuyến cập bến, cá về đầy khoang.
Trực tính, quyết đoán, gan dạ, ầm ào như biển mùa dông bão, nhưng sau đó lại lặng im như mặt biển vào tháng 3 (tháng 3 bà già đi biển), đó chính là tính cách của Vương. “Thương anh em đi bạn đi cùng hết lòng nhưng mình phải quyết đoán, đôi lúc khó tính, to tiếng mới “cầm lái” được mọi người, công việc mới xuôi chèo mát mái” - tay cầm vôlăng tàu, mắt nhìn chăm chăm xuyên vào bóng đêm đen đặc quánh của biển trước mặt, thuyền trưởng Vương giãi bày.
Trong những ngày qua cùng thức, giong tàu đi hàng trăm hải lý, xuyên qua bóng đêm tìm nguồn cá, chúng tôi cảm nhận được cái tình và trách nhiệm mà thuyền trưởng Vương dành cho những người đi bạn. Những ngày đầu ra khơi, những mẻ lưới chỉ lưa thưa cá, niềm lo âu, bồn chồn đã xuất hiện trong ánh mắt anh. Cả ngày ôm vôlăng rồi Vương lại thức trắng đêm lái tàu vượt hàng trăm hải lý để đi tìm nguồn cá lớn. Vương tâm sự: “Cuộc sống của người đi bạn, vợ con của cả 18 anh em có đủ ăn, dư dả hay không đều tùy thuộc vào mình”. Dừng một lúc, oằn mình bẻ lái cho con tàu chồm lên cột sóng đang ầm về, Vương lại chia sẻ: “Có đánh được những mẻ cá lớn thì anh em đi bạn mới được chia nhiều tiền. Cuộc sống vợ con của anh em trên bờ trông chờ cả vào những chuyến ra khơi của họ. Trách nhiệm của người thuyền trưởng nặng lắm, anh à”.

Thuyền viên Huỳnh Văn Suy (trái) ước mong mai này làm chủ tàu lớn để ra khơi xa đánh bắt cá - Ảnh: Đ.Tuyên
Hai thế hệ trên một con tàu
Tàu mang số hiệu BD94439TS do Nguyễn Minh Vương làm thuyền trưởng là con tàu lớn nhất trong bốn tàu đánh cá của gia đình anh. Đây cũng là một trong những con tàu đánh bắt hải sản lớn nhất khu vực các tỉnh miền Trung với chiều dài 26m, ngang 7m, cao 5,5m, đạt trọng tải 260 tấn. Tàu có công suất máy đạt 900CV - mã lực và có thể chuyên chở đến hơn 100 tấn cá cùng đá lạnh, vật tư đi biển. Đây cũng là một trong những con tàu đánh bắt đạt sản lượng hải sản lớn trong thời gian gần đây.
Ngày 15-1-2010, con tàu này chính thức được hạ thủy. Ngay chuyến ra khơi đầu tiên tàu đã đánh bắt được gần 30 tấn cá các loại. Và qua bao mùa chinh chiến, con tàu “chiến” này vẫn ngày đêm sừng sững vượt qua cả những cơn dông bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Trong chuyến đi này dù có lúc biển động cấp 6, cấp 7, tàu vẫn vững vàng trước những cột sóng cao để làm điểm tựa cho chúng tôi vững chân bủa lưới vây rút đàn cá.
Để có được con tàu vươn ra biển lớn, đánh bắt những mẻ cá đầy như hôm nay, gia đình Vương đã trải qua bao năm “vượt biển” ngoạn mục. Từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu đã có tình yêu biển mãnh liệt biết dường nào. Và cũng thật đặc biệt, ngay trên con tàu chúng tôi đi cũng có đến ba cặp cha con cùng làm thuyền viên. Thuyền viên lớn nhất tàu là ông Nguyễn Văn Tống (anh em thường ghẹo là bố già) cùng con Nguyễn Văn Hải (30 tuổi), ngụ thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, đã gắn bó với con tàu này từ ngày nó được hạ thủy.
Ông Tống đã có thâm niên 35 năm đi bạn. Mỗi khi tàu buông neo, cần mẫn cả đêm, ông quăng mồi câu mực xà mong kiếm thêm tiền phụ với gia đình. Ngồi bên mạn tàu, bóng gầy gò già nua đổ xuống mặt biển, ông Tống mang nhiều tâm sự, kể: “Cả đời tôi đi biển nhưng đến nay gia đình cũng không khá lên được. Tôi và thằng Hải đi bạn, kiếm tiền gửi cho đứa em nó (Nguyễn Thị Mỹ Vân) học đại học mấy năm qua nên cũng không có dư, chú ơi”. Và nay Vân đã tốt nghiệp đại học, chưa tìm được việc làm. Hải cũng mới lấy vợ và bắt đầu lo cuộc sống riêng. Giờ đây gánh nặng cuộc sống gia đình tiếp tục đè lên vai lão ngư Nguyễn Văn Tống đang ngày đêm lo lắng tới giây phút mình phải “về hưu”. Bởi về hưu có nghĩa không còn nguồn thu nào nữa đối với ngư dân!
Cuộc sống của những người bạn ngư dân trên tàu chúng tôi được cho là “khá giả” vì được làm trên tàu to, như được đi làm thuê cho nhà giàu, có thu nhập khá cao so với những tàu đánh bắt nhỏ khác. Thế nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Anh Huỳnh Khánh Châu (36 tuổi) và con là Huỳnh Văn Suy (15 tuổi) cùng làm thuyền viên trên tàu nhưng cuộc sống vẫn còn lắm chật vật.
Suy còn nhỏ tuổi nên đảm trách việc nấu cơm cho cả tàu và phụ thu lưới, xếp phao. Nhìn dáng vẻ gầy gò của Suy liêu xiêu sau lái giữ từng cái nồi trên bếp lửa bập bùng trong sóng gió, tôi chỉ sợ em té. Thế nhưng, Suy luôn trụ vững và lo được những bữa cơm ngon cho anh em bạn thuyền viên đủ sức buông lưới. Đi tàu em có sợ sóng, sợ nguy hiểm không? - chúng tôi hỏi. Suy khẳng khái, dám ước mơ: “Sợ thì con đã không đi biển. Con đi đánh cá và con thích lái tàu. Con mơ sau này sắm được tàu to nữa để ra biển xa đánh được thật nhiều cá...”

(Còn nữa...)
Theo Tuổi trẻ