Khác với những ngư dân câu mực, câu cá ngừ đại dương, những người đánh lưới vây rút trên biển bao giờ cũng làm một thủ tục hết sức cần thiết trước khi bủa lưới, đó là: cắm cờ Tổ quốc trên biển. Khi lá quốc kỳ no gió tung bay căng tràn giữa biển Đông cũng là lúc mọi người hồi hộp chuẩn bị và ước mong thu được mẻ cá lớn vào bình minh của ngày hôm sau.
Ngư dân dõi mắt tìm “cá cây” trên biển - Ảnh: Đức Tuyên |
Đi tìm “cá cây”
Nhiều lần đón tàu ra đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, nhìn hàng loạt tàu cá ở bến cảng Sa Kỳ, cầu cảng Lý Sơn mang rất nhiều cờ Tổ quốc, chúng tôi không khỏi thắc mắc về điều đó. Một lá cờ chính được treo ngay giữa cột buồm nơi đỉnh cao nhất của con tàu và mỗi tàu có thêm ít nhất bốn lá cờ đỏ sao vàng khác bay xung quanh boong tàu. Dưới mỗi cột cờ thường có những ống phao và đèn hiệu cảm ứng tự bật sáng, nhấp nháy khi bóng tối tràn về.
Sau hành trình hơn ba ngày hai đêm từ cảng Ba Ngòi ở vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tàu chúng tôi đến vùng biển sâu để đánh bắt. Biển vẫn một màu xanh ngắt. Con tàu cá của ngư dân như chiếc vỏ trấu mong manh giữa bao la sóng nước, biển trời.
Sau buổi điểm tâm sáng bằng mì gói, thuyền trưởng Vương quyết định cho tàu chạy rất chậm. Tất cả 19 thuyền viên chúng tôi, mỗi người chọn cho mình một vị trí, người ngồi trên cabin, người ở trên đỉnh cột tàu - nơi cao nhất và có tầm nhìn bao quát để quan sát mặt nước. Mọi ánh mắt chăm chăm dõi tìm bất cứ vật dụng gì trôi nổi trên sóng. Đó có thể là những khúc gỗ mục, là thân cây trốc gốc, là những ụ rác hoặc xác một con tàu gỗ bị đắm... tất cả đang lang thang trôi dạt theo các dòng hải lưu. Cá sẽ tụ dưới những vật trôi trên biển ấy ngày càng nhiều. Ngư dân gọi đó là cá cây.
Ngồi trước mũi con tàu đang trồi lên ngụp xuống trong sóng gió, lão ngư Nguyễn Văn Tống, người lớn tuổi nhất cũng là một trong những ngư dân kỳ cựu của con tàu, giải thích: “Cá lang thang khắp đại dương nhưng sẽ quần tụ thành bầy khi bắt gặp các vật dụng trôi nổi trên mặt nước. Ở đó có nhiều thức ăn và cũng là nơi trú ngụ như nhà của chúng về đêm mà ngư dân chúng tôi gọi là nơi “cá ngủ”.
Thuyền chúng tôi chầm chậm gần nửa ngày trời nhưng chưa ai phát hiện được vật nào trôi trên mặt biển. Nhiều người tỏ ra sốt ruột nhưng nghề đánh cá theo kiểu vây rút đều phụ thuộc vào nguồn cá cây trôi dạt nên phải kiên trì. Thuyền trưởng Vương tỏ ra là người vững vàng vì hơn ai hết, ông hiểu rất rõ về vùng biển mà mình đã một đời lăn lộn. “Quyết định có bủa lưới hay không còn phụ thuộc vào số lượng bầy cá quần tụ bên dưới các vật thể trôi. Có khi một khúc cây nhỏ nhưng bầy cá quần tụ lên đến hàng chục tấn, nhưng cũng có khi chỉ vài trăm con... Biển giả là vậy, chẳng ai biết được!” - ông Vương cười nói.
Nhiều lần đón tàu ra đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, nhìn hàng loạt tàu cá ở bến cảng Sa Kỳ, cầu cảng Lý Sơn mang rất nhiều cờ Tổ quốc, chúng tôi không khỏi thắc mắc về điều đó. Một lá cờ chính được treo ngay giữa cột buồm nơi đỉnh cao nhất của con tàu và mỗi tàu có thêm ít nhất bốn lá cờ đỏ sao vàng khác bay xung quanh boong tàu. Dưới mỗi cột cờ thường có những ống phao và đèn hiệu cảm ứng tự bật sáng, nhấp nháy khi bóng tối tràn về.
Sau hành trình hơn ba ngày hai đêm từ cảng Ba Ngòi ở vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tàu chúng tôi đến vùng biển sâu để đánh bắt. Biển vẫn một màu xanh ngắt. Con tàu cá của ngư dân như chiếc vỏ trấu mong manh giữa bao la sóng nước, biển trời.
Sau buổi điểm tâm sáng bằng mì gói, thuyền trưởng Vương quyết định cho tàu chạy rất chậm. Tất cả 19 thuyền viên chúng tôi, mỗi người chọn cho mình một vị trí, người ngồi trên cabin, người ở trên đỉnh cột tàu - nơi cao nhất và có tầm nhìn bao quát để quan sát mặt nước. Mọi ánh mắt chăm chăm dõi tìm bất cứ vật dụng gì trôi nổi trên sóng. Đó có thể là những khúc gỗ mục, là thân cây trốc gốc, là những ụ rác hoặc xác một con tàu gỗ bị đắm... tất cả đang lang thang trôi dạt theo các dòng hải lưu. Cá sẽ tụ dưới những vật trôi trên biển ấy ngày càng nhiều. Ngư dân gọi đó là cá cây.
Ngồi trước mũi con tàu đang trồi lên ngụp xuống trong sóng gió, lão ngư Nguyễn Văn Tống, người lớn tuổi nhất cũng là một trong những ngư dân kỳ cựu của con tàu, giải thích: “Cá lang thang khắp đại dương nhưng sẽ quần tụ thành bầy khi bắt gặp các vật dụng trôi nổi trên mặt nước. Ở đó có nhiều thức ăn và cũng là nơi trú ngụ như nhà của chúng về đêm mà ngư dân chúng tôi gọi là nơi “cá ngủ”.
Thuyền chúng tôi chầm chậm gần nửa ngày trời nhưng chưa ai phát hiện được vật nào trôi trên mặt biển. Nhiều người tỏ ra sốt ruột nhưng nghề đánh cá theo kiểu vây rút đều phụ thuộc vào nguồn cá cây trôi dạt nên phải kiên trì. Thuyền trưởng Vương tỏ ra là người vững vàng vì hơn ai hết, ông hiểu rất rõ về vùng biển mà mình đã một đời lăn lộn. “Quyết định có bủa lưới hay không còn phụ thuộc vào số lượng bầy cá quần tụ bên dưới các vật thể trôi. Có khi một khúc cây nhỏ nhưng bầy cá quần tụ lên đến hàng chục tấn, nhưng cũng có khi chỉ vài trăm con... Biển giả là vậy, chẳng ai biết được!” - ông Vương cười nói.
Cắm cờ trên biển - Ảnh: Tấn Vũ |
Quốc kỳ no gió
Đúng 10g ngày thứ năm của hành trình trên biển, sóng gió vẫn quất tả tơi vào mạn thuyền vì ảnh hưởng của gió mùa tây - nam hoạt động mạnh và cơn bão biển đang hình thành từ phương bắc. Ngồi trên nóc cabin tàu, một ngư dân hét to: “Có cây!” - tiếng hét át cả tiếng sóng đang ầm ào bên dưới. Trong buồng lái, ông Vương bật ngồi thẳng người, hai tay thoăn thoắt xoay tròn vôlăng con tàu, gạt tay ga và cần số mạnh về trước, con tàu gầm rú ga rồi lao lên tung bọt trắng xóa trực chỉ hướng về phía khúc cây đang dật dờ trôi. Ở phía sau đuôi tàu, hai ngư dân dày dạn kinh nghiệm nhất bắt đầu buông cước thả câu. Những ống cước câu cá xoay như chong chóng và xả hết dây để bắt kịp tốc độ của con tàu đang lao nhanh về phía trước. Hàng loạt lưỡi câu bung ra với những con mồi giả bằng dây kim tuyến xanh đỏ sặc sỡ sắc màu nhảy múa trên mặt nước. Tích tắc chưa đầy một phút, ba con cá dũa và hai chú cá ngừ phóng theo đớp mồi, dính câu. Khi con tàu hạ ga giảm dần tốc độ để tiếp cận khúc cây trôi dạt cũng là lúc những ngư dân thu dây cước vớt các chú cá vừa dính câu. Hai con cá dũa màu xanh, dẹp nặng khoảng 7kg được các thuyền viên dùng móc sắt khấu đưa lên tàu.
Con tàu chầm chậm tiếp cận mục tiêu. Như mũi tên lao nhanh xuống mặt nước sâu xanh thẳm, ngư dân Tô Quốc Đạt lặn đến nơi khúc gỗ mục đang dập dềnh theo con sóng. Ở cái tuổi 27, nhưng có hơn 10 năm đi biển, Đạt là một trong số ít các ngư dân có thể nhìn cá và ước lượng một cách chính xác số cá trong đàn đang bơi dưới nước từ vài trăm đến vài ngàn con, thậm chí ước tính được cả số cá từ một tấn đến vài ba chục tấn.
“Có mồi không?”, nhoài người ra khỏi buồng lái, thuyền trưởng Vương hỏi Đạt đang lặn hụp trên mặt biển. “Khoảng 5 xị (tức 500 con - PV)”, Đạt trả lời. “Cắm cờ, bung neo dù bây ơi!”, thuyền trưởng Vương hạ lệnh. Lập tức sáu ngư dân khiêng chiếc dù vải rộng hơn 50m2 được thả chìm xuống mặt nước. Khi dòng nước trôi kéo chiếc dù căng tròn là lúc con tàu cũng chịu đứng yên trước sóng gió. Vương giải thích: “Ở đây biển sâu cả ngàn mét, không dây neo nào có thể thả sát đáy. Ngư dân chúng tôi nghĩ ra cách thả dù xuống nước tạo thành túi nước làm neo giữ tàu ngược lại với hướng gió thổi để tàu chỉ trôi với vận tốc khoảng 0,4 hải lý/giờ. Nếu gặp gió lớn tàu sẽ thả từ 2-3 dù...”.
Cẩn trọng tháo dây, khiêng hai cây cột bằng tre có treo lá cờ Tổ quốc vào đầu cây, ngư dân Nguyễn Văn Tống từ từ thả cây cờ cùng hai ống phao xuống mặt nước. Một chiếc thúng chai và hai ngư dân làm nhiệm vụ kéo cờ đến mục tiêu. Hai lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trước gió, cờ đỏ sao vàng nổi bật trên nền biển xanh. Đạt cố gắng dùng dây thừng buộc chặt hai cột cờ vào hai đầu khúc gỗ. Trước đó, đèn hiệu báo sáng đã được thay pin và gắn ngay dưới lá cờ. Hơn nửa giờ hì hục dưới mặt nước, giờ đây Đạt đã cột được hai cây cột cờ vào khúc cây, cờ đỏ sao vàng năm cánh phất phới tung bay giữa biển trời mênh mông.
Thuyền trưởng Vương giải thích: “Bất cứ ngư dân nào khi gặp cây cũng đều phải cắm cờ. Đó là việc khẳng định khúc cây trôi dạt đó đã có chủ để ngư dân trong nước bắt gặp, biết mà tránh xa để cá tụ về. Còn với tàu nước ngoài thì việc cắm cờ Tổ quốc mình để khẳng định cho họ biết rằng ngư dân Việt Nam đang ở đây và đây là vùng biển của Việt Nam”. Vương kể rằng có hôm gặp dòng hải lưu cây cối ngổn ngang, một mình tàu của Vương kéo cá không hết phải gọi thêm các tàu của đồng đội đến cùng đánh bắt. Cứ thế hàng chục tàu cá kéo đến vây kín cả mặt biển ở xa khơi. Cờ Tổ quốc bay phấp phới rợp cả một góc trời trong niềm vui khôn tả.
Sau khi hoàn tất việc cắm cờ và treo đèn hiệu nhấp nháy, con tàu nhổ neo dù, chạy cách xa mục tiêu hơn hai hải lý và lại thả neo dù để tàu trôi song song với cá cây. Xa xa, lá cờ ẩn hiện trong sóng gió và khi màn đêm buông xuống trên biển, ánh đèn chớp sáng le lói nơi chân trời xa tiếp tục dụ đàn cá bơi về. Chúng tôi ngồi chuyện trò, câu mực, hồi hộp chờ đến khoảng 4g sáng để buông lưới...
Đúng 10g ngày thứ năm của hành trình trên biển, sóng gió vẫn quất tả tơi vào mạn thuyền vì ảnh hưởng của gió mùa tây - nam hoạt động mạnh và cơn bão biển đang hình thành từ phương bắc. Ngồi trên nóc cabin tàu, một ngư dân hét to: “Có cây!” - tiếng hét át cả tiếng sóng đang ầm ào bên dưới. Trong buồng lái, ông Vương bật ngồi thẳng người, hai tay thoăn thoắt xoay tròn vôlăng con tàu, gạt tay ga và cần số mạnh về trước, con tàu gầm rú ga rồi lao lên tung bọt trắng xóa trực chỉ hướng về phía khúc cây đang dật dờ trôi. Ở phía sau đuôi tàu, hai ngư dân dày dạn kinh nghiệm nhất bắt đầu buông cước thả câu. Những ống cước câu cá xoay như chong chóng và xả hết dây để bắt kịp tốc độ của con tàu đang lao nhanh về phía trước. Hàng loạt lưỡi câu bung ra với những con mồi giả bằng dây kim tuyến xanh đỏ sặc sỡ sắc màu nhảy múa trên mặt nước. Tích tắc chưa đầy một phút, ba con cá dũa và hai chú cá ngừ phóng theo đớp mồi, dính câu. Khi con tàu hạ ga giảm dần tốc độ để tiếp cận khúc cây trôi dạt cũng là lúc những ngư dân thu dây cước vớt các chú cá vừa dính câu. Hai con cá dũa màu xanh, dẹp nặng khoảng 7kg được các thuyền viên dùng móc sắt khấu đưa lên tàu.
Con tàu chầm chậm tiếp cận mục tiêu. Như mũi tên lao nhanh xuống mặt nước sâu xanh thẳm, ngư dân Tô Quốc Đạt lặn đến nơi khúc gỗ mục đang dập dềnh theo con sóng. Ở cái tuổi 27, nhưng có hơn 10 năm đi biển, Đạt là một trong số ít các ngư dân có thể nhìn cá và ước lượng một cách chính xác số cá trong đàn đang bơi dưới nước từ vài trăm đến vài ngàn con, thậm chí ước tính được cả số cá từ một tấn đến vài ba chục tấn.
“Có mồi không?”, nhoài người ra khỏi buồng lái, thuyền trưởng Vương hỏi Đạt đang lặn hụp trên mặt biển. “Khoảng 5 xị (tức 500 con - PV)”, Đạt trả lời. “Cắm cờ, bung neo dù bây ơi!”, thuyền trưởng Vương hạ lệnh. Lập tức sáu ngư dân khiêng chiếc dù vải rộng hơn 50m2 được thả chìm xuống mặt nước. Khi dòng nước trôi kéo chiếc dù căng tròn là lúc con tàu cũng chịu đứng yên trước sóng gió. Vương giải thích: “Ở đây biển sâu cả ngàn mét, không dây neo nào có thể thả sát đáy. Ngư dân chúng tôi nghĩ ra cách thả dù xuống nước tạo thành túi nước làm neo giữ tàu ngược lại với hướng gió thổi để tàu chỉ trôi với vận tốc khoảng 0,4 hải lý/giờ. Nếu gặp gió lớn tàu sẽ thả từ 2-3 dù...”.
Cẩn trọng tháo dây, khiêng hai cây cột bằng tre có treo lá cờ Tổ quốc vào đầu cây, ngư dân Nguyễn Văn Tống từ từ thả cây cờ cùng hai ống phao xuống mặt nước. Một chiếc thúng chai và hai ngư dân làm nhiệm vụ kéo cờ đến mục tiêu. Hai lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trước gió, cờ đỏ sao vàng nổi bật trên nền biển xanh. Đạt cố gắng dùng dây thừng buộc chặt hai cột cờ vào hai đầu khúc gỗ. Trước đó, đèn hiệu báo sáng đã được thay pin và gắn ngay dưới lá cờ. Hơn nửa giờ hì hục dưới mặt nước, giờ đây Đạt đã cột được hai cây cột cờ vào khúc cây, cờ đỏ sao vàng năm cánh phất phới tung bay giữa biển trời mênh mông.
Thuyền trưởng Vương giải thích: “Bất cứ ngư dân nào khi gặp cây cũng đều phải cắm cờ. Đó là việc khẳng định khúc cây trôi dạt đó đã có chủ để ngư dân trong nước bắt gặp, biết mà tránh xa để cá tụ về. Còn với tàu nước ngoài thì việc cắm cờ Tổ quốc mình để khẳng định cho họ biết rằng ngư dân Việt Nam đang ở đây và đây là vùng biển của Việt Nam”. Vương kể rằng có hôm gặp dòng hải lưu cây cối ngổn ngang, một mình tàu của Vương kéo cá không hết phải gọi thêm các tàu của đồng đội đến cùng đánh bắt. Cứ thế hàng chục tàu cá kéo đến vây kín cả mặt biển ở xa khơi. Cờ Tổ quốc bay phấp phới rợp cả một góc trời trong niềm vui khôn tả.
Sau khi hoàn tất việc cắm cờ và treo đèn hiệu nhấp nháy, con tàu nhổ neo dù, chạy cách xa mục tiêu hơn hai hải lý và lại thả neo dù để tàu trôi song song với cá cây. Xa xa, lá cờ ẩn hiện trong sóng gió và khi màn đêm buông xuống trên biển, ánh đèn chớp sáng le lói nơi chân trời xa tiếp tục dụ đàn cá bơi về. Chúng tôi ngồi chuyện trò, câu mực, hồi hộp chờ đến khoảng 4g sáng để buông lưới...
Theo Tuổi trẻ