15 tháng 8, 2012

Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hiệu quả: Cần sự hợp tác của người bị nạn

Để phối hợp và kiểm soát hoạt động cứu nạn thì các RCC (Rescue Coordination Centre - Trung tâm Phối hợp cứu nạn) cần có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau và với tàu bị nạn, tàu tham gia cứu nạn.

Cần đường truyền riêng, chuyên dụng
Phương pháp và kiểu thông tin (thông tin mặt đất, điện thoại, telex) được sử dụng phụ thuộc vào khả năng thiết bị sẵn có trên tàu bị nạn và phương tiện trợ giúp. Một đường truyền tin cậy liên kết các RCC đóng vai trò rất quan trọng, do một bản tin cấp cứu có thể do một RCC cách nơi cần trợ giúp hàng nghìn hải lý nhận mà không phải là RCC phù hợp nhất, thì việc chuyển tiếp bức điện là cần thiết thông qua đường truyền trên bờ, mạng thông tin vô tuyến hoặc thông tin vệ tinh. Để đảm bảo độ tin cậy của đường truyền liên kết giữa các RCC,  phải trang bị thiết bị đầu cuối của Inmarsat.

Hiện thời các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã được trang bị hệ thống Inmarsat-Fleet77, hệ thống MF/HF DSC và hệ thống VHF DSC và các đường thông tin bờ như điện thoại, fax, internet. Tuy nhiên, các đường truyền này không phải là đường chuyền riêng, chuyên dụng nên đôi khi còn bị trục trặc. Inmarsat-F là một lựa chọn để dự phòng tốt vì nó cho phép thoại, telex và truyền dữ liệu tốc độ cao, tuy nhiên giá cước sử dụng tương đối cao. Khả năng thiết bị như vậy cho phép liên lạc với các tàu biển được trang bị theo đúng quy định của SOLAS IV. Phối hợp với các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải còn có hệ thống đài duyên hải của Công ty MTV Điện tử hàng hải, bao gồm các đài duyên hải và đài vệ tinh mặt đất Inmarsat (LES - Land Earth Station) và đài LUT (Local User Terminal) của hệ thống COSPAS- SARSAT với hệ thống trang thiết bị hiện đại và tin cậy hơn.
Các tàu tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của SOLAS IV. Đối với loại tàu 41m được trang bị thông tin liên lạc cho vùng A3 (có khả năng hoạt động trong vùng được phủ bởi các vệ tinh Inmarsat từ 820S đến 820N) và tàu 27m được trang bị thiết bị cho vùng A2 (trong vùng phủ của MF). Như vậy khả năng thông tin của đội tàu cứu nạn hoàn toàn phù hợp với khả năng hoạt động của tàu.
Hầu hết các nhân viên tìm kiếm cứu nạn, xuất phát điểm là các sĩ quan tàu biển đều được trang bị các kiến thức đầy đủ về thông tin và được cấp giấy chứng nhận GOC (GMDSS General Operator Certificate - Giấy chứng nhận vận hành tổng quát GMDSS). Đồng thời, các nhân viên này còn được huấn luyện tại chỗ do các chuyên gia của đài thông tin duyên hải đảm nhiệm đảm bảo khai thác thuần thục thiết bị.

Người bị nạn cũng phải biết cách phối hợp
Xuất phát từ đòi hỏi của công việc, thông tin phục vụ cho công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn là thông tin hai chiều. Như vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn có thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào một phía (bên phối hợp tìm kiếm và cứu nạn) mà còn phụ thuộc vào cả người bị nạn. Qua thực tiễn, trong tình trạng khẩn cấp, việc sử dụng các thiết bị báo nạn rất hạn chế. Nhiều trường hợp, đơn giản là chỉ sử dụng các thiết bị báo nạn sẵn có trên tàu như DSC hoặc EPIRB thì họ lại đi tìm cách cố liên lạc với đài bờ qua MH/HF thoại - là phương tiện chịu ảnh hưởng rất nhiều nhiễu do thời tiết và đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm khai thác.
Thông tin cứu nạn thường được trao đổi trong điều kiện rất khẩn cấp và trong thời gian rất ngắn đòi hỏi người thu nhận thông tin phải khẩn trương nắm được các thông tin cần thiết phục vụ công tác cứu nạn. Vì thế cần tại các trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn cần có sẵn các biểu mẫu thu thập thông tin theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo không bỏ sót thông tin. Đôi khi, thông tin chỉ đến 1 lần nên khi bắt được liên lạc đòi hỏi phải thu thập nhanh và chính xác các thông tin cần thiết từ người bị nạn, còn các thông tin khác có thể thu thập từ nguồn khác.

Theo Báo Giao thông Vận tải