15 tháng 8, 2012

Liên kết quốc gia: Nối dài cánh tay cứu nạn

Ở hầu hết các khu vực trên thế giới, cách nhanh nhất, thực tế và hiệu quả nhất để tìm kiếm cứu nạn là phát triển một hệ thống của từng quốc gia có khả năng liên kết với các khu vực, đại dương và lục địa.

Công việc tìm kiếm và cứu nạn mang tính phối hợp cao nên cần có sự hợp tác để tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng và thiết bị sẵn có của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Trong đó bao gồm hạ tầng về thông tin liên lạc, tàu và máy bay. Tìm kiếm cứu nạn trên biển là nghĩa vụ của các quốc gia thành viên của Công ước SAR79 và có tính toàn cầu cao, cho nên sự hợp tác giữa các quốc gia, giữa các vùng tìm kiếm cứu nạn là tất yếu.

Phát triển một hệ thống tìm kiếm cứu nạn của từng quốc gia có khả năng liên kết với các khu vực, đại dương và lục địa, đòi hỏi các quốc gia có biển phải góp phần tích cực trong việc hợp tác và phối hợp với nhau để cùng phát triển và có thể bao quát toàn bộ khu vực trách nhiệm của mình.
Việc nhận thức tầm quan trọng của hệ thống tìm kiếm cứu nạn quốc gia như là một phần không thể thiếu được của hệ thống tìm kiếm cứu nạn toàn cầu tạo ra phương pháp tiếp cận chung trong việc thiết lập, trang bị và hoàn thiện hệ thống tìm kiếm cứu nạn của mỗi quốc gia.
Tính nhân đạo, thực tế và cơ bản nhất ở khía cạnh toàn cầu của hoạt động tìm kiếm cứu nạn là nó loại bỏ được việc mỗi quốc gia phải cung cấp các dịch vụ liên quan đến tìm kiếm cứu nạn cho các công dân nước mình tại bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Thay vào đó là một hệ thống toàn cầu, mà mỗi mắt xích của nó là hệ thống tìm kiếm cứu nạn của từng quốc gia, sẽ hỗ trợ bất cứ ai gặp nạn, không phân biệt quốc tịch và hoàn cảnh. Công ước về Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển (SAR 79) của Tổ chức hàng hải quốc tế là những cơ sở luật pháp quốc tế quan trọng để thiết lập hệ thống tìm kiếm cứu nạn toàn cầu và hướng dẫn cách thức để các quốc gia xây dựng và phát triển hệ thống của mình nhằm cung cấp một cách hiệu quả nhất các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn (SAR services).
Thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam về hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước ASEAN (gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singarpore, Thái Lan) và Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm cứu nạn người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển ngày 27/10/2010, đồng thời để tăng cường năng lực thực hiện trách nhiệm của Việt Nam trong vùng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, cứu nạn quốc tế và chủ quyền quốc gia, Việt Nam cần thiết phải xây dựng qui trình phối hợp song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.
Công ước SAR79 quy định rõ tại Điều 3.1.1 “Các quốc gia thành viên cần phối hợp trong tổ chức tìm kiếm và cứu nạn, bất cứ khi nào cần phối hợp các hoạt động tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia láng giềng”. Cụ thể SAR79 còn chỉ rõ tại Điều 3.1.7 là “Mỗi quốc gia cần đảm bảo là các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, khi có yêu cầu, trợ giúp các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của quốc gia khác tàu, máy bay, trang thiết bị hoặc nhân lực”. Việt Nam và Philipines đã ký kết thỏa thuận song phương về tìm kiếm cứu nạn giữa hai quốc gia ngày 26/10/2010. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 21/10/2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Philippines về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành từng bước triển khai thực hiện thỏa thuận. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam được giao trách nhiệm chủ trì về phối hợp thông tin về tìm kiếm cứu nạn trên biển của Việt Nam, đây là nhiệm vụ quan trọng và có thể nói là quyết định thành bại của hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Theo báo Giao thông Vận tải