15 tháng 8, 2012

Các hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Trong hàng hải có rất nhiều hệ thống, có thể kể đến: Hệ thống dẫn đường vệ tinh hàng hải cầu (GNSS - Global Navigation Satellite System); Hệ thống tìm kiếm cứu nạn toàn cầu (Global SAR Service); hệ thống thông tin an toàn và cấp cứu toàn cầu (GMDSS - Global Maritime Distress and Safety System). Trong đó hệ thống có ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác tìm kiếm cứu nạn là hệ thống GMDSS.

Đối tượng phục vụ chính là tàu biển - phương tiện di động nên phương thức thông tin chính là thông tin vô tuyến. Do sự gắn bó mật thiết giữa thông tin vô tuyến và công tác tìm kiếm cứu nạn thì IMO đã ghép chung thông tin vô tuyến và tìm kiếm cứu nạn vào một tiểu ban đó là COMSAR (Sub-Committee on Radiocommunication and Search and Rescue).
Mục tiêu chính của hệ thống GMDSS là chuyển tải thông tin cấp cứu đến các cơ quan tìm kiếm cứu nạn ở trên bờ cũng như các tàu lân cận để có thể trợ giúp triển khai công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn một cách nhanh nhất. Mục tiêu cơ bản của GMDSS là các tàu đảm bảo tuân thủ theo đúng qui định của hệ thống (SOLAS chương IV) sẽ có khả năng liên lạc với các đài bờ từ bất kỳ đâu và vào bất cứ thời điểm nào trong trường hợp bị nạn hoặc trao đổi các thông tin an toàn. Hệ thống thực hiện bảy chức năng: báo nạn; thông tin phối hợp tìm kiếm cứu nạn; hông tin hiện trường; định vị; truyền bá thông tin an toàn hàng hải; trao đổi thông tin vố tuyến thông dụng; trao đổi thông tin giữa tàu và tàu (bridge to bridge).
Trong đó năm chức năng phục vụ cho công tác tìm kiếm và cứu nạn. Thông tin trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn là thông tin hai chiều, khác với với thông tin cảnh báo chỉ phát đi thông điệp theo một chiều. Kỹ thuật thông tin trong hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn có thể là vô tuyến điện thoại (Radiotelephony) hoặc là telex vô tuyến (Radiotelegraphy). Phương thức thông tin thì có thể là thông tin vố tuyến mặt đất (Terresterial) hoặc thông tin vệ tinh (Satellite) tùy thuộc vào thiết bị và vùng hoạt động của tàu.
Hệ thống tin vệ tinh INMARSAT sử dụng các vệ tinh địa tĩnh và hoạt động trên dải tần 1,5 - 1,6 GHz (L-Band). Hệ thống có khả năng cung cấp cho tàu có lắp các thiết bị tương ứng khả năng báo nạn và trao đổi thông tin hai chiều thông qua telex in trực tiếp, truyền dữ liệu và thoại. Ngoài ra hệ thông còn cung cấp các thông tin an toàn hàng hải (MSI - Maritime Safety Information) cho những vùng không phủ được bằng NAVTEX (hệ thống truyền phát thông tin an toàn hàng hải mặt đất sử dụng tần số 518KHz).
Hệ thống COSPAS-SARSAT sử dụng các vệ tinh trên quĩ đạo cực hoạt động trên tần số 406MHz là hệ thống chủ yếu để nhận dạng tàu và vị trí tàu bi nạn trong hệ thống GMDSS.
Hệ thống thông tin mặt đất, thông tin an toàn và cứu nạn bằng DSC (Digital Selective Calling - Gọi chọn số) là chủ yếu, phương thức thông tin bằng thoại hoặc bằng telex in trực tiếp. Hệ thông tầm xa sử dụng tần số HF trên các dải 4, 6, 8, 12 và 16 MHz để thông tin theo hai chiều tàu - bờ và bờ - tàu. Tầm trung sử dụng tần số 2187.5KHz cho thông tin an toàn và báo nạn bằng DSC và 2182KHz cho thoại và 2174.5 cho telex. Tầm ngắn sử dụng VHF CH70 DSC và VHF CH16 cho thông  tin hiện trường./.

Xây dựng hệ thống tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp : Nhấn mạnh yếu tố con người
Để hoàn thành tốt nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo UNCLOS 82 và quốc gia thành viên của SAR79, cũng như triển khai thực hiện các thỏa thuận song phương, đa phương về tìm kiếm cứu nạn, Việt Nam cần phát triển hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển có tính chuyên nghiệp cao, trong đó cần nhấn mạnh nhân tố con người.
Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cho rằng, việc đào tạo và đào tại lại đội ngũ cán bộ thuyền viên hiện có là hết sức cấp thiết nhằm đảm bảo cho các cán bộ thuyền viên giỏi về chuyên môn, tinh thông về ngoại ngữ nhất là tiếng Anh. Tìm kiếm cứu nạn là công việc mang tính quốc tế cao, đối tượng bị nạn có thể là các tàu nước ngoài hoặc phải phối hợp với các RCC nước ngoài, đòi hỏi các nhân viên cứu nạn phải có vốn tiếng Anh chuyên ngành (ngôn ngữ hàng hải, tìm kiếm cứu nạn) đảm bảo khả năng giao tiếp và soạn các bức điện cần thiết.

Các thông tin trao đổi trong tìm kiếm cứu nạn phải ngắn gọn, nhưng phải chuyển tải đầy đủ các thông điệp cần thiết, do đó cần có những mẫu chuẩn hoặc những câu đối thoại chuẩn để đáp ứng các nhu cầu này. Về phía tàu, Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đã soạn thảo sẵn cuốn Tiếng Anh chuẩn trong thông tin hàng hải (Standard Marine Communication Phrases - SMCP), còn với các RCC thì có thể sử dụng các thông tin nằm trong phần phụ lục của Sổ tay tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải (IAMSAR Manual) tuy nhiên, các mẫu trong đó cũng chưa thể bao hàm hết các nội dung công việc cần trao đổi của RCC mà chỉ là những biểu mẫu chuẩn cần bổ sung thêm cho đầy đủ. Để làm tốt công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn và phối hợp thông tin tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia lân cận, cần thống nhất quy trình trao đổi thông tin giữa các quốc gia trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải thế giới mà điển hình là cuốn sổ tay IAMSAR Manual do IMO biên soạn.
Đồng thời cần nâng cấp kết cấu hạ tầng tìm kiếm cứu nạn, triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công nghệ mới vào công tác tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể là triển khai có hiệu quả và nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, trong đó cần triển khai hệ thống báo cáo tàu biển và hệ thống nhận dạng tàu biển LRIT - Long Range Identification and Tracking ships để đáp ứng nhu cầu về an toàn, an ninh và cung cấp thông tin cho hệ thống tìm kiếm cứu nạn cho phép việc tìm kiếm cứu nạn tàu biển có hiệu quả hơn.
Để xử lý thông tin một cách có hiệu quả đề nghị Nhà nước cho triển khai phần mềm lập kế hoạch tìm kiếm cứu nạn tối ưu (SAROPS - Search and Rescue Optimization Plan System) do cơ quan phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ chuyển giao thử nghiệm. Đồng thời, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho phép các trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải truy cập vào hệ thống dữ liệu khí tượng và thủy văn quốc gia để đảm bảo các thông số đầu vào đạt độ chính xác cao và cập nhật.

Theo Báo Giao thông Vận tải