4 tháng 5, 2011

Những chiếc “cầu nối” trên biển

Mỗi ngày, trên các vùng biển nước ta có hàng trăm ngàn tàu cá của ngư dân các tỉnh, thành ven biển ra khơi đánh bắt hải sản. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, việc bảo đảm an toàn cho những ngư dân này cũng như xử lý kịp thời khi có sự cố trên biển là điều hết sức cần thiết. Chính vì vậy, sự ra đời của hệ thống thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển của lực lượng BĐBP là rất thiết thực.

Từ những yêu cầu thực tế
Hơn chục năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết ở nước ta trở nên rất khắc nghiệt. Mỗi năm có hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện và thường không theo một quy luật nhất định nào. Chính vì vậy, công tác dự báo, tìm kiếm cứu nạn-giảm nhẹ thiên tai trên biển hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong những bất cập ấy, vấn đề khó giải quyết nhất là hệ thống thông tin liên lạc giữa các lực lượng chức năng trên bờ với hệ thống thông tin của ngư dân rất khó kết nối được với nhau.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay cả nước có hơn 350.000 tàu, thuyền có công xuất từ 40CV trở lên, trong đó có hơn 150.000 tàu thường xuyên hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước. Hầu hết các tàu hoạt động ở tuyến lộng và tuyến khơi đều có trang bị máy thông tin liên lạc, nhưng chủ yếu là máy bộ đàm tầm ngắn để liên lạc giữa các tàu với nhau. Chỉ có khoảng 8.000-10.000 tàu đánh cá xa bờ là có trang bị máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn (chủ yếu là ICOM 718).
Trước đây, phương thức liên lạc giữa các tàu cá trên biển với bờ là thông qua các đài trực canh cộng đồng. Việc liên lạc này do thuyền trưởng “nắm quyền” hoàn toàn và chỉ thực hiện được đối với tàu cá có trang bị máy bộ đàm tầm xa. Các máy này cũng chưa được kết nối theo quy định chung, cơ bản chỉ liên lạc với gia đình và một số tàu cá với nhau. Nhiều ngư dân chưa biết được tần số liên lạc của các trung tâm cứu hộ, cứu nạn hoặc các đài thông tin duyên hải cũng như cách thức thực hiện một cuộc gọi cấp cứu để yêu cầu được trợ giúp khi có sự cố trên biển. Bên cạnh đó, do một số thuyền trưởng còn giữ “bí mật” ngư trường nên đã không đăng ký tần số liên lạc.
Còn đối với các ngành chức năng, khi tàu cá ra biển, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản không thể kiểm soát được. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão, các cơ quan phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn không thể liên lạc trực tiếp với thuyền trưởng và không kiểm đếm được số tàu còn ở trên biển. Chính vì thế hàng năm có hàng trăm vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên biển do thuyền trưởng không nhận được thông tin cảnh báo về thời tiết và hậu quả thường rất lớn do cơ quan tìm kiếm cứu nạn không nhận được thông tin cứu nạn kịp thời hoặc không xác định chính xác vị trí, tình trạng tàu bị nạn.
Từ những yêu cầu thực tế, thực hiện Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về “Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển”, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh BĐBP làm chủ đầu tư dự án “Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện của BĐBP tại các tỉnh, thành phố ven biển”  nhằm đảm bảo trực canh 24/24 giờ, sẵn sàng nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai, tai nạn, tiếp chuyển liên lạc phục vụ giải quyết các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên biển, thiên tai, tai nạn và thông báo kêu gọi tàu thuyền khi có thời tiết bất thường.

Đến những chiếc “cầu nối” trên biển
Thực hiện Đề án “Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện của BĐBP tại các tỉnh, thành phố ven biển”, từ đầu năm 2008 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai 85 đài canh và 92 điểm bắn pháo hiệu trên dọc tuyến biển cho các đồn Biên phòng, Hải đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP 28 tỉnh, thành có biên giới biển, đảo và 4 Hải đoàn; tổ chức triển khai các mạng thông tin, quy định tần số (sóng) liên lạc giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với các đơn vị để phối hợp, hướng dẫn các đơn vị nắm bắt kịp thời các kênh thông tin của các lực lượng để phối hợp, hiệp đồng trong việc chỉ đạo, xử lý các vụ việc thiên tai, tai nạn trên biển. Đồng thời, tổ chức đăng ký tần số liên lạc các tàu cá của ngư dân trong địa bàn quản lý, thông báo tần số liên lạc của hệ thống đài canh của BĐBP để ngư dân biết thông tin hai chiều về tình hình thiên tai, tai nạn trên biển và hiệp đồng huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
Hệ thống thông tin liên lạc tìm kiếm cứu nạn và quản lý tàu cá trên biển của BĐBP là hệ thống hiện đại, tự động hóa và sử dụng rất đơn giản. Thiết bị đầu tư cho dự án này được phân cấp thành 3 cấp. Mạng cấp 1 gồm 3 trung tâm thông tin chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn được đặt tại Bộ Tư lệnh BĐBP tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; mạng cấp 2 là các trung tâm thông tin tại Bộ Chỉ huy BĐBP 28 tỉnh, thành phố ven biển và 4 Hải đoàn Biên phòng; mạng cấp 3 được đặt tại 31 đồn BP đứng chân trên các cửa sông, cửa lạch lớn, trên các đảo và 20 Hải đội Biên phòng trọng điểm.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của Đề án 137, Đại tá Nguyễn Đình Khẩn, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết: Hệ thống thông tin liên lạc Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và quản lý tàu cá trên biển của lực lượng BĐBP sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính: Quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ khi triển khai lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị biên phòng đến nay đã phục vụ đắc lực cho việc PCLB và giảm nhẹ thiên tai trên biển bên cạnh đó đã giúp ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Với thâm niên hàng chục năm bám biển, lão ngư Phùng Tấn Tráng, Tổ trưởng Tổ đoàn kết lưới cản, trú tại thôn An Bàng, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Trước đây, mỗi khi đi làm ăn trên biển, anh em ngư dân chúng tôi chủ yếu dự đoán thời tiết bằng kinh nghiệm nhưng diễn biến thời tiết hiện nay rất thất thường, không thể dự đoán bằng kinh nghiệm như trước, việc trang bị các phương tiện kỹ thuật để phòng và tránh tai nạn là điều rất cần thiết”. Ông Tráng cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền vận động ngư dân tuân thủ các quy định về sử dụng tần số và các thiết bị phát sóng vô tuyến điện đúng mục đích, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã chỉ đạo các đồn, trạm tích cực kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và không cho xuất bến đối với những phương tiện nghề cá không đủ các trang thiết bị an toàn. Cứ đến mùa mưa bão, cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm và Tổng trạm thông tin Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Nam luôn mở máy trực canh vô tuyến điện suốt 24/24 giờ để thông tin báo bão và kịp thời nắm tình hình từ biển. Ngoài ra, lực lượng BĐBP còn dán bản hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển trong cabin các tàu đánh cá xa bờ, trong đó ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp, sóng ngày, sóng đêm và hướng dẫn cách gọi đơn giản, dễ nhớ để ngư dân kịp thời gọi báo tình hình xảy ra trên biển cho BĐBP. Có thể nói, các đài trực canh  tìm kiếm cứu nạn của lực lượng BĐBP như những chiếc “cầu nối” giữa ngư dân với đất liền.

Theo bienphong.com.vn