20 tháng 5, 2011

Một số kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Quân chủng Hải quân

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, mặc dù chưa xây dựng lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên trách, nhưng Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương, các lực lượng và nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Để thực hiện hiệu quả công tác này, Quân chủng luôn coi trọng xây dựng, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, phòng chống cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn các cấp; thường xuyên kiểm tra, kịp thời bổ sung các kế hoạch, phương án và tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, Quân chủng đã ban hành nhiều chỉ thị chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, tập trung vào việc tổ chức, duy trì lực lượng trực tại các căn cứ trên bờ, các đảo xa; các tàu trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển trọng điểm và tổ chức huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, kể cả phối hợp huấn luyện với Hải quân một số nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Quân chủng còn giao nhiệm vụ cho các lực lượng hoạt động trên biển làm nhiệm vụ tuần tiễu, trinh sát, vận tải... sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống. Từ năm 2008 đến nay, Quân chủng đã tổ chức 192 đợt hoạt động, huy động 109 lượt tàu với gần 3 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển; kịp thời cấp cứu, cứu nạn cho 10 cán bộ, chiến sĩ, 1.658 ngư dân và 21 người nước ngoài; cứu, kéo 163 tàu (156 tàu cá, 5 tàu vận tải, 2 tàu nước ngoài) bị nạn trên biển; tìm kiếm và vớt hàng chục thi thể nạn nhân bàn giao cho các đơn vị và gia đình chu đáo... Lực lượng tìm kiếm cứu nạn còn tổ chức ứng phó thành công vụ tàu Shun An Xing (Trung Quốc) bị chìm ở phía Đông đảo Hòn Dấu (tháng 5-2010) không để dầu tràn ra biển; hỗ trợ 25 tàu cá, cấp gần 20 ngàn lít dầu đi-ê-zen, 500 lít dầu nhờn, hơn 4 tấn nước ngọt, 900 két nước khoáng và nhiều loại nhu yếu phẩm cho ngư dân bị nạn. Các đơn vị còn đưa hàng trăm lượt ngư dân bị nạn lên các đảo, các tàu chăm sóc sức khỏe và bàn giao cho địa phương an toàn, chu đáo, giúp ngư dân yên tâm lao động, sản xuất và các phương tiện khác hoạt động, nhất là ở các vùng biển xa bờ.
Qua thực tế tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, Quân chủng rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho bộ đội và nhân dân về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Khu vực Biển Đông nước ta là một trong những vùng trọng điểm về bão và hiểm họa thiên tai. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây làm cho thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Do vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển luôn phải tiến hành trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng bộ đội. Điều đó đòi hỏi phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm cho bộ đội, nhất là các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển; xem đó là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, các đơn vị trong Quân chủng luôn coi trọng giáo dục, quán triệt cho bộ đội về mệnh lệnh, chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, nghị quyết của cấp ủy các cấp về nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển; về truyền thống đoàn kết quân dân, truyền thống vẻ vang của quân đội và Bộ đội Hải quân; tăng cường giáo dục, làm cho mọi người nhận thức rõ tìm kiếm cứu nạn cũng là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Hải quân, không chỉ góp phần ngăn chặn, ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân, mà còn trực tiếp nâng cao khả năng SSCĐ và sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trong Quân chủng.
Cùng với đó, Quân chủng còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác tìm kiếm cứu nạn. Hiện nay, số lượng tàu, thuyền hoạt động trên biển rất lớn (chủ yếu là đánh bắt thủy sản, vận tải)1. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn hàng hải; nhiều tàu, thuyền đã sử dụng lâu năm, kinh phí duy tu, bảo dưỡng ít... Bên cạnh đó, ý thức của ngư dân đối với công tác đảm bảo an toàn hàng hải chưa được đề cao. Để làm chuyển biến nhận thức và hành động cho ngư dân, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện tốt phương châm “Tự cứu mình là chính”; đồng thời, hướng dẫn ngư dân sử dụng các phương tiện thông tin, tín hiệu báo khẩn cấp khi gặp sự cố...
Hai là, đẩy mạnhcông tác huấn luyện, diễn tập. Có thể nói, công tác tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Hải quân trong thời bình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhất thiết phải coi trọng công tác huấn luyện, diễn tập cho bộ đội. Do chưa xây dựng được lực lượng chuyên trách, nên nội dung huấn luyện tìm kiếm cứu nạn được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch huấn luyện chiến đấu hằng năm của các đơn vị. Căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Hải quân và tình hình khí tượng, thủy văn của vùng biển nước ta, Quân chủng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng nội dung huấn luyện tìm kiếm cứu nạn phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm xây dựng cho bộ đội lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, các đơn vị luôn coi trọng huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy, sử dụng thành thạo các loại khí tài, phương tiện kỹ thuật, xử lý các tình huống trên biển cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, với đội ngũ thuyền trưởng, các đơn vị tập trung xây dựng cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ chuyên sâu về tìm kiếm cứu nạn; nắm chắc quy luật thời tiết: gió, bão, dòng chảy... trong từng khu vực, tính toán nhanh, chính xác độ trôi dạt của tàu, thuyền bị nạn để có phương án tìm kiếm cứu nạn nhanh, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị còn xây dựng các phương án, kế hoạch và tổ chức luyện tập, diễn tập tìm kiếm cứu nạn; qua đó, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của cán bộ và khả năng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các phân đội, các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ba là, thực hiện tốt công tác bảo đảm. Thực tế cho thấy, chi phí cho hoạt động đề phòng thiên tai, tai nạn rủi ro luôn thấp hơn chi phí khắc phục hậu quả trên biển; nếu chuẩn bị chu đáo mọi mặt, khi sự cố xảy ra, các đơn vị tìm kiếm cứu nạn sẽ chủ động ứng phó nhanh chóng, kịp thời và giảm tối đa thiệt hại. Vì vậy, Quân chủng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo: “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”, và vận dụng phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp (con người, phương tiện, vật chất), phối hợp với các lực lượng khác ứng cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân. Đặc biệt, để thực hiện tìm kiếm cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chủ động đề xuất việc sử dụng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn với Bộ Quốc phòng hoặc giao cho các đơn vị được sử dụng lực lượng, phương tiện thuộc quyền (trường hợp   đặc biệt có thể sử dụng cả phương tiện SSCĐ)  đi ứng cứu trước và báo cáo sau. Điều đó vừa phát huy được vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của chỉ huy cấp dưới, vừa có thời gian để các đơn vị tập trung hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Thực hiện phương châm này, các đơn vị đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp tổ chức, động viên cán bộ, chiến sĩ luôn đảm bảo đầy đủ cơ số, lượng dự trữ theo các phương án, đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn; trong đó, chú trọng thực hiện tốt các chế độ bảo quản, sửa chữa, giữ gìn trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất, tài sản; chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm; kiểm tra và tổ chức quản lý chặt chẽ để duy trì khả năng tìm kiếm cứu nạn dài ngày trên biển. Các tàu làm nhiệm vụ trên các khu vực biển, đảo, nhà dàn DK phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất theo quy định; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, khí hậu, thông tin chính xác, kịp thời tình hình bão, có phương án phòng, tránh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, cơ sở vật chất của mình; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực SSCĐ, trực thông tin và tuần tra, canh gác 24/24 giờ.
Bốn là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động trên biển. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “Tiến ra biển và làm giàu từ biển”, nhiều ngành kinh tế: giao thông, thăm dò, khai thác dầu khí, du lịch sinh thái biển, đánh bắt hải sản... với các công trình, phương tiện hoạt động trên biển cũng tăng nhanh. Những yếu tố trên vừa có mặt thuận lợi là có nhiều lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn, rủi ro và hiểm họa tới môi trường biển. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động trên biển mới đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao. Là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong công tác tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Hải quân luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ, cứu nạn... và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải...) và cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng các kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển. Để thực hiện các phương án, kế hoạch này, các đơn vị đã tích cực nắm thông tin liên quan đến thực trạng khả năng đi biển của các tàu, thuyền, về ngư trường và tần số thông tin liên lạc của các tàu... để chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Quân chủng còn chủ động bám sát cơ quan chỉ đạo cấp trên, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan để xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn phù hợp, đảm bảo nhanh chóng tìm kiếm khi tàu bị nạn và tổ chức lai kéo về bờ hoặc đảo gần an toàn, tiết kiệm nhất.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong những năm qua, Quân chủng Hải quân thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; đồng thời, xây dựng môi trường biển Việt Nam an toàn hơn, thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.

Theo tạp chí Quốc phòng toàn dân (tapchiqptd.vn)