20 tháng 5, 2010

Các vùng biển và quy định trang bị thiết bị thông tin trên tàu

Các thiết bị thông tin vô tuyến điện trong hệ thống GMDSS, ngoài những tính ưu việt của chúng còn có một số những hạn chế. Nếu xét về cự ly hoạt động, vùng địa lý và các dịch vụ thông tin cung cấp bởi các thiết bị đó. Chính vì những lý do đó mà yêu cầu về trang thiết bị thông tin trên tàu trong hệ thống GMDSS sẽ được quyết định bởi vùng hoạt động của tàu chứ không phải theo kích cỡ của tàu.

Căn cứ vào đặc điểm của các trang thiết bị trong hệ thống GMDSS và để phát huy tính hiệu quả của hệ thống, tổ chức Hàng Hải quốc tế IMO đã chia các vùng biển và đại dương thành 4 vùng như sau:
Vùng biển A1 là vùng nằm trong tầm hoạt động của ít nhất một trạm đài bờ VHF có dịch vụ gọi chọn số DSC. Thông thường mỗi trạm VHF có vùng phủ sóng với bán kính khoảng 25 - 30 hải lý.
Vùng biển A2 là vùng biển nằm ngoài vùng A1, nhưng nằm trong tầm hoạt động của ít nhất một trạm đài bờ MF có dịch vụ gọi chọn số DSC. Thông thường mỗi trạm MF có vùng phủ sóng với bán kính khoảng 150 - 200 hải lý.
Vùng biển A3 l vùng biển trừ vùng A1, A2 nằm trong vùng bao phủ của các vệ tinh địa tĩnh INMARSAT của tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế từ 70 vĩ độ Bắc đến 70 vĩ độ Nam.
Vùng biển A4 là vùng còn lại trừ vùng A1, A2, A3 ,về cơ bản đó là các phần địa cực. 

Các quy định về trang thiết bị thông tin trên tàu trong hệ thống GMDSS
Để thực hiện được các chức năng thông tin và vấn đề an toàn trên biển trong hệ thống GMDSS tàu phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin. Quy định về trang thiết bị thông tin lắp đặt trên tàu không dựa trên cỡ tàu mà dựa trên cơ sở vùng biển mà tàu hoạt động.
Quy định trang bị tối thiểu về thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu là đối tượng của hệ thống GMDSS đã được quy định rõ trong chương IV của SOLAS sửa đổi 1988 do IMO xuất bản năm 1997 có nội dung như sau: 

Quy định chung cho tất cả các tàu hoạt động trên biển (không phụ thuộc vào vùng biển mà tàu hoạt động).
Mỗi tàu hoạt động trên biển bắt buộc phải được trang bị các thiết bị sau đây trong hệ thống GMDSS mà không phụ thuộc vào vùng biển mà tàu hoạt động.
- Máy thu phát VHF :
+ Có khả năng thu phát và trực canh liên tục bằng DSC trên kênh 70.
+ Có các tần số của kênh thoại 156.8 MHz (kênh 16), 156.650 MHz (kênh 13) và 156.3 MHz (kênh 6). Thiết bị thu phát DSC trên kênh 70 có thể là độc lập hoặc kết hợp với thiết bị thu phát VHF thoại.
- Thiết bị phản xạ radar - RADAR TRANSPONDER hoạt động trên tần số 9GHz phục vụ cho tìm kiếm và cứu nạn - SART.
- Thiết bị thu nhận thông tin an toàn hàng hải MSI máy thu NAVTEX nếu tàu hoạt động trong vùng biển có các dịch vụ NAVTEX quốc tế. Nếu tàu hoạt động ở các vùng biển không có các dịch vụ NAVTEX quốc tế thì phải được trang bị một máy thu gọi nhóm tăng cường EGC - Enhand Group call.
- Phao định vị vô tuyến qua vệ tinh : Satellite EPIRB có khả năng phát báo động cấp cứu qua vệ tinh quỹ đạo cực hoạt động trên tần số 406 MHz. Hoặc nếu tàu chỉ hoạt động ở vùng bao phủ của vệ tinh Inmarsat thì EPIRB vệ tinh phải có khả năng phát báo động cấp cứu qua vệ tinh địa tĩnh Inmarsat hoạt động ở băng L. Phao định vị vô tuyến này phải được đặt ở vị trí thuận tiện, có khả năng hoạt động bằng tay, tự nổi khi tàu chìm đắm và tự động hoạt động khi nổi.
- Cho đến ngày 01/2/1999, tất cả các tàu vẫn phải có một máy thu trực canh vô tuyến điện thoại cấp cứu trên tần số 2182 KHz. Trừ các tàu hoạt động ở vùng biển A1 các tàu phải có máy tạo tín hiệu báo động điện thoại trên tần số 2182 KHz. .
- Các tàu khách phải được trang bị các thiết bị cho thông tin hiện trường. VHF – two way phục vụ cho mục đích tìm kiếm và cứu nạn trên tần số 121.5 MHz và 123.1 MHz.

Trang thiết bị vô tuyến điện cho tàu chạy vùng biển A1Tất cả các tàu khi hoạt động trong vùng biển A1, ngoài các trang thiết bị, quy định chung được nêu ở trên, còn phải bắt buộc trang bị một trong các thiết bị vô tuyến điện sau đây, có khả năng báo động cấp cứu chiều từ tàu đến bờ :
- VHF DSC, EPIRB hoặc
- EPIRB vệ tinh hoạt động trên tần số 406 MHz hoặc
- thiết bị thu phát MF gọi chọn số DSC hoặc
- Thiết bị thu phát HF gọi chọn số DSC, hoặc
- Một trạm Inmarsat, hoặc
- EPIRB INMARSAT hoạt động trên băng L
Với các thiết bị VHF cũng phải có khả năng phát và thu bằng thoại những thông tin thông thường.

Trang thiết bị vô tuyến điện cho tàu hoạt động ở vùng biển A1 và A2
Tất cả các tàu khi hoạt động ngoài vùng biển A1 nhưng trong vùng biển A2 ngoài các trang bị quy định chung ở trên sẽ phải trang bị thêm ;
- Thiết bị MF, có thể thu phát tín hiệu cấp cứu bằng DSC trên tần số 2187.5 KHz và trên tần số 2182 KHz bằng thông tin vô tuyến điện thoại.
- Máy thu trực canh DSC có khả năng duy trì liên tục việc trực canh trên tần số 2187.5 KHz.
- Một thiết bị phát tín hiệu cấp cứu chiều từ tàu đến bờ (ngoài thiết bị MF) có thể là EPIRB - 406 MHz, hoặc thiết bị HF/DSC hoặc một trạm INMARSAT hoặc EPIRB vệ tinh INM băng L.
- Thiết bị thu phát cho mục đích thông tin thông thường bằng vô tuyến điện thoại, hoặc truyền chữ trực tiếp băng hẹp NBDP hoạt động ở dải tần số từ 1605 KHz - 4000 KHz, hoặc ở dải tần số 4000 KHz - 27500 KHz hoặc một trạm INMARSAT.

Trang thiết bị cho tàu chạy vùng biển A1, A2 và A3
Tất cả các tàu hoạt động ở ngoài vùng A1 và A2 nhưng trong vùng biển A3, ngoài các trang thiết bị chung đã quy định ở trên, sẽ phải trang bị theo một trong hai cách lựa chọn sau:
* Lựa chọn 1:
- Trạm INM có khả năng :
+ Phát và thu những thông tin cấp cứu và an toàn bằng truyền chữ trực tiếp băng hẹp.
+ Nhận những cuộc gọi ưu tiên cấp cứu
+ Duy trì việc trực canh đối với những báo động cấp cứu chiều từ bờ tới tàu.
+ Phát và thu những thông tin thông thường bằng vô tuyến điện thoại, hoặc truyền chữ trực tiếp băng hẹp NBDP.
- Một thiết bị MF có khả năng thu phát cấp cứu và an toàn trên tần số 2187.5 KHz bằng DSC và tần số 2182 bằng vô tuyến điện thoại.
- Một máy thu trực canh có khả năng duy trì việc trực canh liên tục bằng DSC trên tần số 2187.5 KHz.
- Một thiết bị phát tín hiệu cấp cứu chiều từ tàu  bờ. Ngoài các thiết bị trên, có thể là EPIRB trên tần số 406MHz hoặc thiết bị HF/DSC hoặc một trạm INMARSAT dự phòng hoặc một EPIRB vệ tinh INMARSAT.

* Lựa chọn 2:
 - Một thiết bị thu phát MF/HF cho mục đích thông tin cấp cứu và an toàn trên tất cả các tần số cấp cứu và an toàn trong dải tần từ 1605 KHz - 4000 KHz và 4000 KHz - 27500 KH¬z bằng các phương thức thông tin DSC, thoại và truyền chữ trực tiếp băng hẹp NBDP.
- Một thiết bị có khả năng duy trì việc trực canh bằng DSC trên tần số 2187.5 KHz và 8414.5 KHz và ít nhất một trong những tần số cấp cứu và an toàn bằng DSC sau: 4207.5 KHz, 6312 KHz, 6312 KHz, 12577 KHz hoặc 16804.5 KHz.
- Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu chiều từ tàu đến bờ. Ngoài thiết bị thu phát MF/HF, có thể là EPIRB trên tần số 406 MHz hoặc qua một trạm INM, hoặc IPIRB vệ tinh INM.
- Thiết bị thu phát MF/HF có dải tần 1605 -4000 KHz và 4000 - 27500 KHz , phục vụ cho các dịch vụ thông tin thông thường bằng phương thức thông tin thoại hoặc truyền chữ trực tiếp băng hẹp NBDP.

Trang thiết bị vô tuyến điện cho tàu hoạt động ở vùng biển A1, A2, A3 và A4
Tất cả các tàu hoạt động trên tất cả các vùng biển ngoài các trang thiết bị quy định chung sẽ phải trang bị thêm các thiết bị sau :
- Thiết bị thu phát MF/HF sử dụng cho mục đích an toàn và cứu nạn, có các phương thức thông tin gọi chọn số DSC, thoại và truyền chữ trực tiếp băng hẹp NBDP
làm việc trong dải tần 1605KHz - 4000 KH và 4000 KH - 27500KHz
- Máy thu trực canh DSC trên tần số 2187.5 KHz 8414.5 KHz và ít nhất một trong các tần số sau : 4207.5 KHz, 6312 KHz, 12577 KHz và 16804.5 KHz.
- Thiết bị EPIRB - 406 MHz thu phát tín hiệu cấp cứu chiều tàu đến bờ.