25 tháng 5, 2010

Cứu hộ cứu nạn trên biển - Những điều ngư dân cần biết

Có vùng biển rộng, bờ biển dài nên nghề cá nước ta ngày càng phát triển. Nhưng do chất lượng tàu thuyền khai thác thủy sản cùng với ý thức chấp hành các quy định về an toàn hàng hải của một bộ phận ngư dân còn kém, thời tiết khí hậu diễn biến hết sức phức tạp nên các vụ tai nạn liên quan đến người và phương tiện hoạt động nghề cá trên biển ngày càng tăng...

Những con số “báo động”
Từ đầu năm 2009 đến nay, theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên các vùng biển nước ta đã xảy ra 828vụ/6.282 người/1.511 phương tiện của ngư dân gặp nạn trên biển, làm chết 201 người, mất tích 197 người, chìm 831 phương tiện, hư hỏng 204 phương tiện... Nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu tập trung vào những nguyên nhân chính sau: Việc đảm bảo an toàn lao động cho ngư dân khi đi biển sản xuất còn bị xem nhẹ, nhiều phương tiện không được trang bị các trang thiết bị đảm bảo an toàn lao động (giày, ủng, găng tay, mũ phao...). Theo thống kê, có tới 188 vụ/828 vụ (chết 80 người, mất tích 79 người) là do buổi tối, phương tiện không thắp đèn tín hiệu cảnh báo khu vực tàu neo đậu, không cắt cử người canh gác, quan sát dẫn tới nhiều vụ đâm va với các phương tiện khác. Bên cạnh đó, tai nạn xảy ra còn do tàu nhỏ, trang thiết bị thô sơ không được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên vì vậy khi sản xuất trên biển nhiều phương tiện bị hỏng, trôi dạt dẫn đến những tai nạn không đáng có, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm thiệt hại không nhỏ về tài sản cho ngư dân (119 vụ/ 828 vụ). Ngoài ra, còn do tình trạng các ngư dân chưa chủ động thông báo ngư trường đánh bắt, trang thiết bị thông tin liên lạc hạn chế nên khi có tình huống xảy ra rất khó xác định vị trí của tàu thuyền gặp nạn hoặc khi xác định được vị trí thì lại quá tầm hoạt động của các phương tiện cứu nạn hiện có nên việc cứu nạn kết quả còn hạn chế. Thậm chí, khi gặp nạn, các chủ phương tiện thường thông tin báo gia đình mà không báo cho cơ quan chức năng nên gây khó khăn trong việc tìm kiếm, cứu nạn.

Những điều ngư dân cần biết
Dù Nhà nước ta đã có các quy định về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (TKCHCN) trên biển, tuy vậy không phải ngư dân nào cũng biết và tìm hiểu. Để giúp ngư dân hiểu về những quy định này, Báo Biên phòng đăng tải một số chính sách  mới liên quan đến công tác này:
- Khi tham gia lao động sản xuất trên biển, thuyền trưởng, chủ phương tiện cần lưu ý đến trách nhiệm của mình. Khi có vụ việc phải chủ động liên lạc với Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh nơi tàu thuyền đăng ký để xin hỗ trợ. Đồng thời cung cấp thông tin cứu nạn tới các đài duyên hải Việt Nam để truyền phát thông tin an toàn hàng hải, thông báo cho tàu thuyền hoạt động gần khu vực tàu bị nạn biết, tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin đã báo. Thường xuyên tổ chức nghe các bản tin thời tiết do Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài Thông tin duyên hải Việt Nam để chủ động có biện pháp phòng, tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng trên biển.
- Khi xảy ra tai nạn hoặc cần trợ giúp, gọi ngay đài Thông tin duyên hải bằng cách bật máy vô tuyến điện, chọn tần số thu và tần số phát 7903 kHz để được giúp đỡ (tàu gặp sự cố được phục vụ miễn phí 24/24giờ mà không cần đăng ký trước). 
- Người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn được nhận tiền ăn thêm 50 nghìn đồng/ ngày, nhận tiền bồi dưỡng bằng 2 lần mức chi cho 1 ngày lao động trung bình. Đối với phương tiện tham gia cứu hộ, được nhận tiền sửa chữa phương tiện bị hư hỏng, tiền đền bù phương tiện nếu làm mất hoặc hư hỏng không thể sửa chữa được trong quá trình tham gia tìm kiếm cứu nạn. Các tổ chức, cá nhân hoặc chủ phương tiện tham gia hoạt động cứu hộ nhưng bị rủi ro do thiên tai được nhận kinh phí do Nhà nước trả cho các chi phí về tiền công, nhiên liệu tiêu hao, chi phí sửa chữa (nếu tàu bị hư hỏng) và các khoản chi phí hợp lý khác.
- Trường hợp các tổ chức cá nhân chủ phương tiện bị nạn hoặc gặp sự cố phát tín hiệu cứu nạn và yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức cứu nạn, nhưng khi các phương tiện đến cứu nạn theo lệnh điều động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp cận lại không yêu cầu cứu nạn nữa mà chỉ yêu cầu cứu hộ thì các tổ chức, cá nhân hoặc chủ phương tiện yêu cầu cứu nạn phải chi trả toàn bộ kinh phí trực tiếp, kinh phí phát sinh hợp lý cho chủ phương tiện tham gia cứu hộ. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân hoặc chủ phương tiện tham gia hoạt động cứu hộ nhưng bị rủi ro do thiên tai được nhận kinh phí do Nhà nước trả cho các chi phí về tiền công, nhiên liệu tiêu hao, chi phí sửa chữa (nếu tàu bị hư hỏng) và các khoản chi phí phát sinh hợp lệ khác.
*Đại tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn BĐBP cho biết: Từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2 năm 2010, lực lượng cứu hộ cứu nạn của BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức lực lượng thường trực, cơ động với 848 cán bộ, chiến sĩ, 47 phương tiện các loại phối hợp cùng chính quyền địa phương tham gia ứng cứu. 163 người/ 50 phương tiện gặp nạn trên biển.


Theo Báo Biên phòng