7 tháng 12, 2012

Bão số 9 tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc và diễn biến khó lường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 6-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,9 độ vĩ bắc; 116,1 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ ngày 7-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 115,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng di chuyển về phía đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Ðến 22 giờ ngày 8-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 116,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía đông bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với đới gió đông bắc mạnh nên khu vực bắc Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Do diễn biến phức tạp của bão số 9, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 53/CÐ-T.Ư ngày 4-12 và số 55/CÐ-T.Ư ngày 5-12. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp các địa phương quản lý, thông tin về tình hình tàu, thuyền, hướng dẫn các tàu, thuyền tránh trú bão. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, tổ chức ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ ngư dân trú tránh, khi có yêu cầu. Ðồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến của bão để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, để chủ động đối phó với bão, lực lượng vũ trang đã huy động 22.991 cán bộ, chiến sĩ quân đội và dân quân tự vệ, 816 phương tiện các loại tham gia ứng trực phòng, chống bão số 9. Trong đó, Quân chủng Phòng không - Không quân huy động sáu máy bay. Ngoài ra, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam bố trí năm kíp tàu trực tại Ðà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh.
Tính đến hết ngày 6-12, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Ðà Nẵng đến Cà Mau đã phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.696 phương tiện (253.814 người) biết diễn biến của bão số 9 để chủ động phòng, tránh. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa 38 phương tiện (396 người), giảm 18 tàu (197 người) so ngày 5-12. Khu vực quần đảo Trường Sa 462 phương tiện (5.024 người); các khu vực khác và neo đậu tại bến 46.176 phương tiện (248.394 người).
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức trực canh, nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi đánh bắt hải sản. Tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 141 tàu cá với hơn 1.700 lao động đang hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa; vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa còn 21 phương tiện, với hơn 230 người. Sau khi nhận được thông tin về diễn biến cơn bão, các tàu cá này đã chủ động tìm nơi tránh trú.
Tại tỉnh Bình Ðịnh, các đài canh ở sáu đồn biên phòng tuyến biển, Ðài thông tin duyên hải và trạm bờ đặt tại Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn thường xuyên thông báo và kêu gọi tàu, thuyền đang đánh bắt trên biển tìm nơi tránh trú. Hiện hơn 200 tàu cá của tỉnh hoạt động trên các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều đã nhận được thông tin về diễn biến bão số 9 và khẩn trương tìm nơi tránh trú.
Ðêm về sáng 6-12, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai đạt ngưỡng cực đại, khiến nhiệt độ giảm xuống mức thấp trong đợt lạnh này. Vùng núi nhiều nơi rét đậm, vùng núi cao rét hại, có nơi rét hại nặng. Tại TP Lào Cai là 15 độ C; thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) 15,3 độ C; vùng núi Bắc Hà rét hại 10,7 độ C; vùng núi cao Sa Pa 7,5 độ C. Ðây là mức giảm nhiệt thấp nhất tính từ đầu đông đến nay ở Lào Cai. UBND huyện Sa Pa đã hướng dẫn nông dân chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh trên đàn gia súc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thống nhất lịch lấy nước đổ ải vụ xuân 2013 với các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ, với ba đợt, gồm: Ðợt 1 từ 1 giờ ngày 25-1 đến hết 23 giờ ngày 29-1-2013; đợt 2 từ 1 giờ ngày 4-2 đến 23 giờ ngày 9-2-2013 và đợt 3 từ 1 giờ ngày 19-2 đến 23 giờ ngày 24-2-2013. Dự kiến tổng dung tích nước bổ sung về hạ du là hơn ba tỷ m3. Trường hợp trong lần lấy nước đợt 3, nếu các địa phương đã đủ nước gieo cấy thì sẽ ngắt nước sớm để tránh lãng phí và tiết kiệm nguồn nước.
Năm nay mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc sớm, các tỉnh Trung Bộ ít có các đợt mưa lớn, tổng lượng mưa trong các tháng đều thiếu hụt so trung bình hàng năm. Vì vậy, hiện nay các sông đều cạn, các hồ chứa thủy lợi trên hầu hết các tỉnh Trung Bộ đều thiếu hụt 20-50%, Tây Nguyên thiếu hụt 10-15% so dung tích thiết kế... Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, xảy ra cục bộ tại một số vùng thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ. Ðộ mặn có khả năng xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Bộ. Tại đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm và xâm nhập sâu vào đất liền từ 40 đến 60 km.


Theo Nhân dân