Trước mỗi chuyến ra khơi, với những ngư dân là biết bao lo lắng phải đối mặt. Vốn, bạn thuyền, nguồn cá… nhưng phập phồng sợ nhất là những hiểm nguy rình rập phía trước mà không ai có thể đoán định được. Giữa biển khơi mênh mông vô tận, cách đất liền đến cả nghìn hải lý, những người ngư dân trở nên nhỏ nhoi...
Thiếu thiết bị thông tin
Đi dọc dải đất miền Trung, chúng tôi đã nhiều lần theo những con tàu 400-500 mã lực của ngư dân chạy dọc bờ biển suốt từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa. Phải thấy rằng, khoảng 5 năm trở lại đây, sau hàng loạt cơn bão lớn như Chanchu (năm 2005), Xangsane (năm 2006), những con tàu của ngư dân ngày càng được hiện đại hóa bằng các trang thiết bị hiện đại như máy Icom, máy định vị vệ tinh, máy dò cá dọc, máy dò cá ngang... Đó là những thiết bị rất cần thiết cho mỗi con tàu trong việc phòng tránh những rủi ro trên biển.
Ông Lê Văn Mến, ở tổ 16, phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) - một trong những ngư dân được thành phố hỗ trợ đóng mới tàu, là người tiên phong của Đà Nẵng trang bị máy dò ngang định vị đàn cá. Ông nói: "Ít nơi làm được như Đà Nẵng lắm. Lúc tôi chưa đóng con tàu mới này đã được thành phố hỗ trợ 50% số tiền mua máy dò ngang. Giờ tôi đóng mới tàu 1.100 mã lực, cũng được hỗ trợ 800 triệu đồng". Theo lời ông Mến, để con tàu có thể ra khơi, đương đầu với sóng dữ, tránh được bão, khai thác hiệu quả cho mỗi chuyến đi biển thì cần phải trang bị tới 4 máy Icom (máy thông tin liên lạc tầm xa) và 2 máy định vị. Nhẩm tính, ông Mến cho biết: "Cái máy Icom chỉ khoảng 30-40 triệu đồng, nhưng máy định vị thì khoảng 280 đến 350 triệu đồng/một chiếc. Cộng với lưới, ngư cụ trên tàu thì ngoài vỏ tàu và máy tàu cũng phải tốn thêm cỡ 1,5 tỷ đồng. Tiền lớn quá thành ra nhiều tàu không đủ tiền đầu tư". Và cũng chính vì thế, nhiều ngư dân ra khơi trong tâm thế khá đơn độc vì thiếu thông tin, thiếu thiết bị đánh bắt tầm xa.
Để hỗ trợ thông tin liên lạc, giúp ngư dân bám biển, từ năm 1997, Chính phủ đã có Quyết định 597 phê duyệt xây dựng hệ thống đài thông tin duyên hải trải dọc theo bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên. Hệ thống đài duyên hải này được xây dựng với 32 đài, tầm phủ lên đến 500 hải lý với phương thức thông tin từ vô tuyến điện với thông tin vệ tinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngư dân, hệ thống đài duyên hải chỉ có tác dụng trong trường hợp thời tiết tốt, không thuộc trường hợp khẩn cấp. Bởi khi gặp những trường hợp khẩn cấp, thông tin được truyền về đất liền, qua khâu xử lý rồi mới được chuyển đến các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tiếp đến, lực lượng cứu nạn lại phải vượt qua hàng trăm hải lý mới tiếp cận được khu vực tàu gặp nạn thì mọi việc quá muộn.
Điển hình như việc tàu Đna 90422 TS của bà Kê Thị Huệ ở tổ 17, phường Thanh Khê Đông gặp nạn hôm 17-9-2012 vừa qua. Trở về trong nỗi sợ hãi, ông Nguyễn Văn Hiệp, Thuyền trưởng của chuyến tàu hôm đó chưa hết bàng hoàng kể: "Tui đi biển từ nhỏ mà chưa khi nào thấy sợ đến thế. Máy hỏng, hết nhớt. Khắc phục thế nào cũng không được! Đành phải thả trôi. Bão thì đang sầm sập đổ về". Trong lúc quẫn bách, ông Hiệp dùng máy Icom gọi về Đồn Biên phòng Phú Lộc. Được sự động viên, hướng dẫn tận tình của các chiến sỹ biên phòng, mọi người bình tĩnh trở lại, tiếp tục sửa máy. Chưa đầy 5 giờ đồng hồ, hai chiếc tàu đánh bắt gần đó cũng được bộ đội biên phòng điều động đến ứng cứu, tiếp thêm nhiên liệu, nhớt máy. Thế là tàu lại tiếp tục hoạt động. Nói về thiết bị định vị, ông Hiệp cho biết, hiện nay chỉ một vài tỉnh có trạm bờ, có thể định vị tàu cá đang khai thác ở khu vực nào. Chính vì thế, ngay sau khi ông liên lạc với đồn biên phòng, lực lượng biên phòng đã biết tàu của ông ở tọa độ nào, tàu nào đang ở gần đó, có thể ứng cứu một cách nhanh nhất.
Đem câu chuyện của những ngư dân Đà Nẵng kể lại, ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi thừa nhận, ít địa phương đầu tư được cho ngư dân như ở Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Ngãi có gần 5.800 tàu đánh cá, trong đó có trên 2.000 chiếc đánh bắt xa bờ khắp các vùng biển từ Vịnh Bắc bộ đến Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nam bộ và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực. Hầu hết các tàu thuyền đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đều sử dụng Icom nhưng các máy chủ yếu có công suất nhỏ, khoảng 100W. Thời gian gần đây, do ngư trường cạn kiệt, các ngư dân phải đi xa hơn nên nhiều tàu đã bắt đầu phải trang bị những máy Icom có công suất trên 1.000W. Chính vì vậy, nếu với chương trình hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số ngư dân được hỗ trợ mua máy Icom lên đến hơn 217 chiếc. Trong đó cũng chỉ có trên 150 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất trên 90CV) được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị. Còn tại Bình Định, theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì toàn tỉnh có tới 8.000 tàu cá với khoảng gần 2.000 tàu có công suất 90 mã lực trở lên. Tuy nhiên, việc trang bị thiết bị thông tin liên lạc như máy Icom có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh là điều còn khó khăn đối với hầu hết các chủ tàu.
Thiết bị định vị vệ tinh: Bao giờ?
Chúng tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Phú Lộc, thành phố Đà Nẵng khi cơn bão số 7 đang sầm sập đổ về. Nhìn qua màn hình máy vi tính tại trạm bờ được các chiến sỹ biên phòng Đà Nẵng định vị, những chiếc tàu cá Việt Nam như chiếc lá. Thiếu tá Hà Thị Phượng vừa thuyết minh, vừa như giải thích: "Những chiếc tàu này đang di chuyển vào nơi trú, tránh bão. Nhìn nhỏ bé vậy thôi nhưng cũng 200-300 mã lực đấy". Trung tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết, trạm bờ của đồn Phú Lộc được thành phố Đà Nẵng và quận Thanh Khê đầu tư với số tiền gần 1 tỷ đồng. "Nếu đem so sánh, 1 tỷ đồng đầu tư trên bờ so với những thiệt hại của ngư dân trên biển thì gần như không có ý nghĩa gì" - Trung tá Nguyễn Văn Thương nhìn nhận. Xét về cơ chế hoạt động, trạm bờ thông qua thiết bị định vị vệ tinh gắn trên các tàu cá có thể xác định một cách chính xác các tàu cá đang ở tọa độ nào. Trong trường hợp có bão, bộ đội biên phòng có thể thông báo đích danh từng tàu một và yêu cầu vào nơi trú tránh. Trường hợp khác, nếu tàu gặp nạn, bộ đội biên phòng có thể xác định được các tàu gần đó để điều động đến ứng cứu kịp thời. Bởi đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ, trường hợp các tàu gặp nạn, để tàu cứu hộ ra được ngoài 500 hải lý phải mất thời gian hơn một ngày. Trong khi đó, các tàu trong khu vực ngư trường chỉ mất chừng 2-4 giờ đồng hồ đã có thể tới nơi ứng cứu.
Từ khi có trạm bờ ở Đồn Biên phòng Phú Lộc, Thiếu tá Phượng là phụ nữ duy nhất và chị trở thành cầu nối giữa ngư dân trên biển với đất liền. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phượng bộc bạch: "Vui lắm, có những hôm ngồi trực cứ gọi hết tàu nọ, tàu kia hỏi thăm xem họ làm ăn thế nào? Có vướng mắc gì không. Rồi có những hôm ở các tàu lại gọi về đòi nói chuyện với Phượng, đòi Phượng hát cho nghe vì buồn quá, không tìm được luồng cá sau nhiều ngày lênh đênh trên biển". Cứ thế, những câu chuyện của những người chưa biết mặt nhau, chưa rõ tuổi nhau bỗng dưng trở nên ấm áp, thân thiết. Và Phượng đã trở thành điểm tựa tinh thần của những ngư dân giữa biển khơi mênh mông. Thế nên có chuyện, ngư dân sau khi lên bờ đã tìm đến tận đồn Phú Lộc xin được gặp Phượng để tỏ mặt và cảm thấy vững tin hơn trong những chuyến bám biển dài ngày.
Trò chuyện với Thiếu tá Hà Thị Phượng, nói chuyện với những ngư dân đang ngày đêm bám biển khai thác nguồn lợi từ biển, bảo vệ biên giới hải đảo, chúng tôi chợt nhận ra rằng, ngư dân đang thiếu một sự động viên, chia sẻ, thiếu một cầu nối gần gũi giữa trùng khơi với đất liền. Giá như mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có một trạm bờ như Đà Nẵng. Và trên mỗi con tàu đều được gắn thiết bị định vị vệ tinh cùng hệ thống thông tin liên lạc thì sẽ bớt đi biết bao rủi ro mà ngư dân đang ngày đêm phải đối mặt.
(Còn tiếp)
Theo Hà nội mới