9 tháng 11, 2012

Hiệu quả lớn trong khắc phục hậu quả lụt bão

Việt Nam là thành viên  Công ước này, việc phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trong nước và thành viên trong Công ước tìm kiếm cứu nạn SAR 79 nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả  tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

Ai cũng nhận được sự hỗ trợ trên biển khi gặp nạn
Chương 2 của Công ước có quy định về các thỏa thuận về thực hiện và phối hợp hoạt động tìm kiếm và cứu nạn có quy định: các thành viên của công ước, trong trường hợp các thành viên khác của Công ước và nếu có thể, phối hợp với tổ chức sẽ tham gia vào quá trình phát triển các hoạt động kìm kiếm cứu nạn để đảm bảo rằng bất kỳ người nào gặp nạn trên biển cũng nhận được sự hỗ trợ. Khi nhận được thông tin về bất kỳ người nào gặp nạn hoặc có thể gặp nạn trên biển, các cơ quan có thẩm quyền Thành viên của Công ước sẽ áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm rằng các hỗ trợ cần thiết được cung cấp.
Người đang gặp nguy hiểm được hiểu bao gồm những người được tìm thấy đang trôi dạt trên một vùng biển ở một điểm cách xa trong một khu vực đại dương mà không có một phương tiện cứu trợ nào thì các thành viên của công ước có thể tiếp cận được, cần thiết có sự hỗ trợ. Để đảm bảo cho việc cung cấp một cách đầy đủ các trang thiết bị thông tin trên bờ, tuyến thông tin khẩn cấp và phối hợp hoạt động phục vụ hữu hiệu cho việc tìm kiếm và cứu nạn, các thành viên công ước hoặc phối hợp đơn lẻ hoặc phối hợp với các thành viên khác của Công ước, sẽ đảm bảo rằng các vùng tìm kiếm và cứu nạn được thiết lập trên các vùng biển theo các quy định giữa các nước có liên quan. Các vùng này phải tiếp giáp nhau và trong phạm vi có thể, chúng không chồng lấn nhau.
Ở nước ta, các trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải được chia thành 3 khu vực: Bắc, Trung và Nam đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng năm, các trung tâm này đã tham gia ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trên biển mang lại hiệu quả. Khi thì cứu nạn ngư dân trên biển hoặc tàu biển trong nước, nước ngoài đang hoạt động trên vùng lãnh hải của Việt Nam, được các nước thành viên của Công ước tìm kiếm cứu nạn SAR 79 đánh giá rất cao. Hàng năm, ở cấp quốc gia, khu vực hay quốc tế, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải luôn có sự phối hợp chặt chẽ để tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển để mọi người gặp nguy hiểm trên biển đều nhận được sự hỗ trợ.

Phối hợp đồng bộ, tìm kiếm cứu nạn trong bão Sơn Tinh
Bão Sơn Tinh (cơn bão số 8) đổ bộ vào nước ta vào tuần cuối cùng của tháng 10, gây thiệt hại lớn về người, hạ tầng, hoa màu, các vùng nuôi trồng thủy hải sản của nhân dân. Trước khi bão số 8 đổ bộ vào vùng biển Việt Nam, các cơ quan chức năng, Đài Thông tin duyên hải đã thông báo cho các tàu, thuyền hoạt động trên biển nhanh chóng trở về đất liền hoặc tìm kiếm nơi tránh bão an toàn. Với diễn biến phức tạp, bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Tuy nhiên trong bão số 8 lực lượng cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm trên biển của Việt Nam đã cứu hộ thành công 35 người, trong đó có nhiều người nước ngoài làm việc trên 1 dàn khoan sau gần một ngày trôi dạt trên biển tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) được trực thăng đưa thẳng vào bờ an toàn trong điều kiện bão lớn.
Vụ việc diễn biến như sau: 17h35 ngày 28/10, trong lúc bão Sơn Tinh gây sóng gió cấp 9 tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, giàn khoan GSF Key Hawaii có 35 người (21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) hoạt động gần đó bị đứt dây kéo với tàu lai. Sóng to, gió lớn khiến tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan. Đại diện giàn khoan đề nghị sử dụng trực thăng cứu nạn. Nhiều phương án bay cứu hộ cứu nạn đã được vạch ra. Cuối cùng, phương án cơ động máy bay xuống sân bay Cát Bi và từ đó bay ra giàn khoan đưa người về đất liền, đã được lựa chọn. Với phương án này, việc đưa người rời khỏi giàn khoan sẽ bảo đảm nhanh nhất nhờ tiết kiệm thời gian. Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị máy bay, chờ khi thời tiết đủ điều kiện an toàn sẽ ra cứu nạn.
Đêm 28/10, 3 tàu lai đã áp sát bảo vệ giàn khoan. 4h30 ngày 29/10, giàn khoan trôi nổi cách đảo Hạ Mai 4 hải lý. Một giờ sau, Bộ Quốc phòng điều trực thăng cất cánh từ Gia Lâm xuống Hải Phòng cứu nạn. Sau đó, một trực thăng khác chở 4 chuyên gia Singapore từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) ra giàn khoan hỗ trợ khắc phục tình trạng khẩn cấp của giàn khoan. Lúc đầu, 9 người (trong đó có 4 chuyên gia Singapore) định ở lại giàn khoan để kiểm tra, đánh giá, xử lý kỹ thuật, chuẩn bị kế hoạch kết nối tàu kéo với giàn khoan. Tuy nhiên, do giàn có hiện tượng mắc cạn, gần như dừng trôi dạt nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí máy bay sơ tán 9 người còn lại trên giàn khoan.
Để làm được điều này, công tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam luôn được tổ chức phối hợp đồng bộ, đã góp phần không nhỏ trong việc cứu nạn trên biển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi không chỉ người Việt Nam và tất cả tàu thuyền của các nước thành viên hoặc không thành viên đang hoạt động trong vùng lãnh hải và gần vùng lãnh hải của Việt Nam khi được yêu cầu công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển theo Công ước tìm kiếm cứu nạn SAR 79.

Theo báo giaothongvantai