Với khoảng 8.600 tàu thuyền, Bình Thuận là một trong những tỉnh có hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản lớn của cả nước.
Hiện nay việc thông tin liên lạc giữa tàu với bờ và ngược lại còn khá lạc hậu, gặp nhiều trở ngại nhất là khi thời tiết xấu. Vì vậy, việc triển khai dự án MOVIMAR sẽ giúp cho ngư dân trong tỉnh an toàn và hiệu quả hơn trong những chuyến vươn khơi.
MOVIMAR là gì?
MOVIMAR là tên của dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh. Đây là dự án vay ODA ưu đãi của Cộng hòa Pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện.
Dự án MOVIMAR sẽ do nhà thầu phụ là Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL), hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hàng hải tại Việt Nam triển khai lắp đặt và bảo dưỡng. Mục tiêu của dự án này là nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản. Giúp quản lý các hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, góp phần đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo. Khi triển khai tàu cá sẽ được lắp đặt một thiết bị kết nối với vệ tinh, thiết bị này có chức năng truyền tự động liên tục tọa độ và thời gian từ tàu về trung tâm giám sát. Dữ liệu truyền về giúp trung tâm nắm bắt được thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu cá thông qua vệ tinh.
Thiết bị lắp đặt trên tàu.
Ứng cứu kịp thời khi nguy hiểm
Trong trường hợp nếu tàu đang hành trình ở gần khu vực nguy hiểm, tàu sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo để chủ động đề phòng và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Khi gặp nạn, ngư dân chỉ cần một động tác đơn giản là nhấn nút trên thiết bị gắn trên tàu, vệ tinh sẽ nhận được yêu cầu trợ giúp và gửi về Trung tâm quan sát tàu cá đặt tại Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Hà Nội. Các cơ quan chức năng sau khi nhận được yêu cầu từ phía tàu sẽ liên lạc với các đơn vị cứu hộ liên quan, nhanh chóng tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Vì vậy, sẽ giảm được rất nhiều thời gian và các bước so với quy trình thông thường hiện nay, từ đó giảm thiểu rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, hệ thống còn định hướng cho ngư dân đến khai thác tại những ngư trường có nguồn lợi hải sản phong phú điều này giúp hoạt động đánh bắt đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hữu hiệu.
Bà Phạm Thị Ngà - Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết (Chi nhánh Công ty VISHIPEL - đơn vị sẽ triển khai dự án tại Bình Thuận) cho biết: Đối tượng ưu tiên lắp đặt là những tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên. Tàu khai thác hải sản phải được tổ chức thành tổ, đội. Mỗi tổ, đội tàu có một tàu được trang bị thiết bị kết nối vệ tinh. Tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản thuộc các nghề: câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác; hoạt động trên vùng khơi, vùng đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ. Ưu tiên lắp đặt trước đối với tàu cá làm nhiệm vụ tổ trưởng, đội trưởng của tổ đội khai thác, dịch vụ trên biển... Dự án này không chỉ đồng hành cùng sự an toàn của ngư dân, bảo tồn tài nguyên biển mà còn góp phần giúp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo.
Theo Báo Bình Thuận