ICTnews - Hiện Viettel đã phủ sóng di động ở cách bờ biển
và các đảo của Việt Nam tới hơn 100km giúp ngư dân bám biển khai thác
nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Từ chuyện sóng di động “cứu” tàu gặp nạn.
Cuối tháng 3/2009, đoàn công tác của Bộ
TT&TT do Thứ trưởng Trần Đức Lai dẫn đầu lần đầu ra thăm Trường Sa.
Chuyến thăm này ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế,
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn có một số cơ quan thông tấn báo
chí. Một chuyện rất tình cờ khi đoàn thăm Trường Sa đến đảo Đá Tây – một
đảo chìm nằm trong quần đảo Trường Sa đã gặp 8 ngư dân của tàu đánh cá
BD 763 ở Bình Định mới gặp nạn được các chiến sĩ trên đảo này cứu 2 ngày
trước đó.
Chủ tàu đánh cá BD 763, ông Nguyễn Văn Tố cho
biết, vào lúc 3h sáng ngày 31/3/2009, tàu BD 763 bị sóng đánh va vào
rặng san hô gần khu vực Đảo Đá Tây. Tầu đã bị thủng đáy và chìm dần.
"Khi tầu gặp nạn chúng tôi đã liên lạc với các tầu cá khác bằng thiết bị
icom để cầu cứu họ giúp đỡ, một số tầu cá cũng đã nhận được tín hiệu
của chúng tôi nhưng họ nói đang ở xa toạ độ nơi tầu của chúng tôi gặp
nạn nên không thể đến cứu giúp được”, ông Nguyễn Văn Tố nhớ lại.
Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra, trong lúc thu
dọn đồ đạc để chuẩn bị tinh thần rời tầu trước khi chìm hẳn, thì một
thành viên trên tầu phát hiện chiếc điện thoại sử dụng mạng Viettel có
hiển thị vạch sóng. Lúc đó không ai tin rằng ở giữa mịt mù khơi này có
thể có sóng di động. Nhưng dù sao đó cũng là tia hy vọng cuối cùng để có
thể cứu sống những người đang có mặt trên tàu- đều là trụ cột trong gia
đình. Như “chết đuối vớ được cọc”, cả 8 người xúm lại tìm cách liên lạc
về gia đình và tìm quần áo đốt làm hiệu.
Nhân viên Viettel tiếp thị dịch vụ tới ngư dân.
Kỳ diệu thay, sóng di động đã giúp những người
trên tàu liên lạc được với người thân thông báo toạ độ tầu gặp nạn. Từ
cuộc điện thoại này, người nhà lập tức gọi tới trung tâm cứu hộ và 5h
sáng ngày 1/4/2009, cả 8 ngư dân đã được các chiến sĩ đảo Đá Tây đưa lên
bờ an toàn
Đến chuyện bảo vệ chủ quyền bằng mobile
Ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, Viettel đã phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam và phủ xa ngoài khơi tới 100 km. Thậm chí trên lý thuyết với cách thức triển khai kỹ thuật của Viettel, có thể phủ sóng xa tới 121 km. Thực tế đã có những thuê bao di động của ngư dân sử dụng gọi vào bờ, hệ thống ghi nhận được cuộc gọi ở xa 119 km. Sau khi Viettel tiến hành phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam thì lưu lượng cuộc gọi cũng tăng rất nhanh. Đến nay, Viettel đã sở hữu mạng lưới phục vụ biển đảo lớn nhất Việt Nam với hơn 1.400 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi, có khả năng phục vụ 760.000 thuê bao.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel
Telecom cho biết, hiện có khoảng 2 triệu người đang hàng ngày khai thác,
đánh bắt và làm các dịch vụ trên biển của Việt Nam (trong số đó là
khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ). Những ngư dân đánh cá xa bờ có
nhu cầu liên lạc với đất liền và giữa các tầu trong nhóm với nhau để
phối hợp đánh bắt cá, nhưng phải đảm bảo yếu tố bí mật trong nhóm. Ngoài
ra, họ cần cả những thông tin về dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn...
và di động hoàn toàn đáp ứng được điều đó. Vì vậy, mới đây Viettel chính
thức ra mắt gói cước trả trước Sea+ dành riêng cho người dân vùng biển
và ven biển với thông điệp “Cùng ra khơi”.
Theo đó, khách hàng được cung cấp miễn phí bản
tin về thời tiết biển theo yêu cầu (gồm bản tin hàng ngày, cảnh báo lốc
xoáy, báo bão khẩn cấp) tại 1 vùng đăng ký và thông tin về các số điện
thoại khẩn cấp để liên hệ trong các trường hợp gặp nguy hiểm cần hỗ trợ.
Viettel cũng xây dựng tổng đài 1111 để giải đáp trực tiếp thắc mắc về
thời tiết biển của khách hàng sử dụng gói Sea+ với giá cước 1.000đ/phút.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản cho biết, trong trường hợp gặp "tầu lạ" vi phạm hải phận của Việt
Nam thì ngư dân có thể thông báo cho các đơn vị chức năng biển qua đầu
số 1111 của Viettel. Đây là biện pháp thiết thực để bảo vệ chủ quyền
biển đảo của Việt Nam.
Điểm nhấn của gói cước là tính năng thông báo
khẩn cấp qua tin nhắn. Sử dụng tính năng này, thuê bao được đăng ký tối
đa 10 số điện thoại nhận thông báo tình trạng khẩn cấp. Khi gặp sự cố,
ngư dân chỉ cần nhắn tin đến đầu số 1111, tin nhắn sẽ tự động chuyển tới
danh sách số điện thoại trong nhóm đã đăng ký. Cước phí cho 1 lần nhắn
tin lên đầu số thành công là 1.000 đồng. Viettel cũng đang nghiên cứu để
cung cấp tính năng thoại khẩn cấp qua đầu số 1111. Bên cạnh đó, Viettel
cung cấp tính năng gọi nhóm tiết kiệm với mức phí 10.000 đồng/tháng,
khách hàng được đăng ký 10 số di động Viettel để được giảm 50% cước gọi
tới các số này. Viettel cho biết, ngay trong tháng đầu tiên chính thức
cung cấp trên thị trường, thuê bao Sea+ đã đạt con số 100.000. Lưu lượng
các cuộc gọi trên biển vì thế cũng tăng gấp đôi so với trước. Hiện
Viettel đã có gần 200.000 thuê bao Sea+.
Nỗ lực phủ sóng biển đảo của Viettel và động
thái cung cấp gói cước Sea+ của nhà mạng này đã góp phần làm thay đổi
phương thức liên lạc trên biển, giúp người ngư dân yên tâm khai thác
nguồn lợi hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
(Theo ICTnews)