30 tháng 9, 2011

Nhiều thiết bị mới giúp ngư dân bám biển

Hiện đã có nhiều giải pháp thông tin vệ tinh nhằm giúp ngư dân trên biển có thể liên lạc với tất cả các loại điện thoại khác trên bờ, hoặc truy cập Internet; phát, nhận thông tin cảnh báo và định vị chính xác vị trí của tàu trên biển.

Hàng năm, khi mùa mưa bão đến, ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển luôn phải đối mặt với nguy cơ mất liên lạc với đất liền.


Ngư dân Việt Nam "đói" thông tin liên lạc

Ngày 26.9, cơn bão số 4 chỉ "thổi nhẹ" qua các tỉnh miền Trung nhưng nó cũng đã kịp làm 1 người chết là anh Nguyễn Vũ Viên (sinh năm 1980, thuyền viên tàu PY6678 bị rơi xuống biển); 1 tàu chìm tại Đà Nẵng, hư hỏng 2 tàu Tại Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế.


Tại hội thảo, đại diện Cty Thuraya trình diễn  các giải pháp viễn thông dựa trên vệ tinh (Ảnh: Đ. Nguyên)

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵngcho biết, Đà Nẵng có khoảng gần 3.000 tàu thuyền thương xuyên tham gia đánh bắt hải sản. Hàng năm, lụt bão đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người với thiệt hại về vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng. "Trong lúc bão diễn ra, các cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng và người thân trong đất liền cũng mất liên lạc hoàn toàn với hàng trăm ngư dân".

Theo ông Sơn, thông tin liên lạc biển là cầu nối giữa ngư dân với đất liền, không chỉ phục vụ đánh bắt hải sản, mà còn liên quan đến an toàn sinh mạng con người và phương tiện hoạt động trên biển.

"Tuy nhiên, hiện hệ thống thông tin phục vụ đánh bắt hải sản cho ngư dân hiện nay chỉ dừng lại ở phạm vi liên lạc tàu - tàu, tàu - đài bờ dựa trên máy VHF, HF; chưa thiết lập thông tin liên lạc liên mạng, đa dịch vụ và quản lý trực tuyến tàu theo định vị vệ tinh. Đây là hạn chế và cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các cơ quan chức năng lúng túng, ngư dân thường bị cô lập khi xảy ra sự cố hay lụt bão", ông Sơn nhấn mạnh. 


Nhiều giải pháp kết nối biển xa với đất liền

Trước tình hình trên, một số nhà cung cấp giải pháp mạng đã giới thiệu tại Đà Nẵng nhiều thiết bị hiện đại giúp ngư dân kết nối với đất liền trong mọi trường hợp.


Toàn cảnh "Hội thảo Thông tin vệ tinh phục vụ đánh bắt hải sản" diễn ra ngày 29.9 tại TP.Đà Nẵng (Ảnh: Đ. Nguyên)

Ông Lee Nicolas Williams, đại diện Cty Thuraya cho biết, đến nay, đã có 3 thế hệ sản phẩm do công ty cung cấp ra thị trường. Trong đó, thế hệ thứ nhất ra đời năm 2005 với các thiết bị cầm tay di động: Ascom, Hughes 7100, Hughes 7101; thế hệ thứ 2 ra đời năm 2006 với hai loại thiết bị: SG 2510 và SO 2510. Thế hệ thứ 3 là loại thiết bị mới nhất với nhiều ưu thế được Cty nghiên cứu và sản xuất thành công năm 2009.

Theo ông Lee Nicolas Williams, các thiết bị này đều có ưu thế như một chiếc điện thoại di động cầm tay. Tuy nhiên, nó được thiết kế theo nguyên lý: thu phát 2 chế độ có kết nối vệ tinh và GSM (mạng di động). "Sở dĩ nó là lựa chọn cho ngư dân vì hệ thống các thiết bị này đều có khả năng chống va chạm, chống thấm nước, không lo bụi bẩn tấn công và đặc biệt là nó có chức năng định vị GPS để điều hướng điểm dừng chân. Sau nhiều năm thử nghiệm, các thiết bị này đã cho thấy có thể gửi tin nhắn SMS, email và fax nhanh, bất chấp mọi thời tiết", ông Nicolas Williams khẳng định.

Không chịu thua kém, công ty Addvalue cũng giới thiệu Thiết bị thông tin liên lạc phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. Thiết bị Seagull 5000i, một loại thiết bị giao tiếp bằng giọng nói, được hỗ trợ thêm các tính năng định vị và theo dõi bằng định vị GPS….

Sản phẩm này có 3 bộ phần gồm: bộ phận thiết bị để trên boong tàu, bộ phận để bên dưới và bên trong. Trong đó, bộ phận ADU để trên boong tàu là một thiết bị thu phát sóng vô tuyến vệ tinh. Ông Tan Khai Pang, Tổng giám đốc điều hành và kỹ thuật, công ty Addvalue cho biết, Seagull 5000i có thể thực hiện và nhận các cuộc gọi chuyển mạch với sự trợ giúp của các thiết bị cầm tay.

Người dùng có thể soạn, gửi và nhận các tin SMS bằng cách sử dụng thiết bị cầm tay của mình. Với thiết bị này, ở trong đất liền, các cơ quan chức năng có thể biết chính xác vị trí tàu thuyền hoạt động để theo dõi. Ngoài ra, Seagull 5000i có phần mềm hỗ trợ Fax G3 với sự hỗ trợ của thiết bị Fax Connect. Theo đó, từ ngoài biển đảo xa xôi, ngư dân cũng có thể gửi và nhận được các loại Fax G3. Thiết bị Seagull 5000i rất gọn, nhẹ, dễ dùng và đặc biệt là nó hoạt động ngay cả khi nhiệt độ xuống đến mức -25 độ C".


(Theo báo Đất Việt)