Trong điều kiện thời tiết xấu, chống chìm tàu và cứu nạn là công việc rất nguy hiểm, đòi hỏi thuyền viên phải chấp nhận rủi ro để cứu người.
"Alô! Alô! Chúng tôi gọi Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1. Tàu của chúng tôi bị bão đánh gãy cột buồm, chết máy, tàu đang chìm trên biển cần cứu vớt khẩn cấp. Hiện tàu đang ở tại tọa độ K, đề nghị trung tâm giúp đỡ…". Sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã gọi khẩn cấp một tàu đang di chuyển gần khu vực tàu bị nạn, nhanh chóng hỗ trợ đoàn thủy thủ...
Đây là một trong nhiều tình huống mà Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 thường xuyên tiếp nhận và xử lý các tình huống thông tin tai nạn trên biển, đặc biệt là vào mùa biển động, mưa bão...
Tìm kiếm cứu nạn – nghề nguy hiểm
Chúng tôi đến Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng vào một ngày trời yên, biển lặng nhưng không khí làm việc ở đây luôn khẩn trương, nghiêm túc. Các cán bộ, nhân viên luôn trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh “chiến đấu với giông tố, bão biển… để cứu vớt các tàu gặp nạn, nạn nhân trôi dạt trên biển”. Công việc của họ là phải đến nơi nguy hiểm nhất trong những cơn bão đang diễn ra giữa trùng khơi.
Trung tâm là một tổ chức chuyên trách về Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, dưới sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Đây cũng là nơi phối hợp các lực lượng, đơn vị thuộc ngành Hàng hải Việt Nam trong việc Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, đồng thời tham gia, phối hợp với các lực lượng liên quan trong và ngoài ngành để tiến hành tìm kiếm và cứu nạn trên biển...
Trung tâm được trang bị 2 tàu chuyên dụng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là SAR 411 và SAR 273. Đây là 2 trong số 6 tàu cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng hiện nay ở nước ta và được coi là hiện đại vì được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ tiên tiến theo tiêu chuẩn của Hà Lan. Trên tàu có đầy đủ thiết bị mới, thiết bị vớt người trên biển hiện đại, có phòng bệnh nhân, phòng mổ và các trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ đảm bảo sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân. Tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 có kích thước 42,8m x 7,11m x 2,52m, công suất 6.310 HP, tốc độ tối đa 26 hải lý/giờ. Còn tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 273 có kích thước 28,75m x 6,2m x 1,85m, công suất 2.400 HP, tốc độ tối đa 19 hải lý/giờ.
Ông Trần Văn Độ - Giám đốc Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 cho biết: "Để ứng cứu kịp thời các nạn nhân bị đắm tàu hay người đi biển bị bệnh hiểm nghèo, Các cán bộ, nhân viên của Trung tâm trực sẵn sàng 24/24 giờ. Ngay sau lệnh báo động các nhân viên cứu nạn phải có mặt trên tàu để xuất bến làm nhiệm vụ. Quy trình xử lý thông tin cứu nạn diễn ra nhanh chóng, chính xác để tàu cứu nạn có thể đến đúng địa điểm cần thiết hoặc hướng dẫn cho tàu có thuyền viên cần cấp cứu nhanh chóng tiếp cận tàu cứu nạn”.
Trước giờ xuất phát. |
Công tác cứu hộ, cứu nạn ở Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 trong những năm qua được chuẩn bị kỹ càng, có các phương án tác chiến cụ thể. Trung tâm đã đi khảo sát tình hình tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh và quyết định điều tàu cứu nạn ra những "điểm nóng" thường xuyên xảy ra tai nạn trên biển để nhanh chóng ứng cứu kịp thời trong mùa mưa bão...
Những cán bộ nhân viên của Trung tâm luôn làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm, đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao. Tập thể cán bộ, thủy thủ tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 273 là những người như thế. Anh Nguyễn Duy Thành - Thuyền trưởng tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 273 cho biết, công việc luôn diễn ra đột xuất, bất kể ngày hay đêm, khi nhận được tín hiệu xin cứu hộ, cứu nạn là các anh lại ra khơi. Hơn 70 con người của trung tâm (trên bờ cũng như dưới tàu) luôn sẵn sàng “tác chiến” trong mọi tình huống.
“Khi ra ngoài biển khơi mới thấy con tàu của mình quá nhỏ bé, nhưng giữa muôn ngàn sóng gió, tình người trong giông bão mới là cái lớn nhất. Nói thật là chúng tôi phải chấp nhận rủi ro để cứu người bị nạn” - anh Thành tâm sự. Từ những suy nghĩ trên, các anh luôn ra sức cứu giúp những tàu, người không may gặp nạn.
“Có những lúc phải làm nhiệm vụ trong sóng to gió lớn cấp 8, cấp 9, những cơn sóng biển đánh chùm lên thân tàu, làm tàu cứu nạn lắc lư, quật qua quật lại. Có những lúc tàu nghiêng tới hơn 40 độ như muốn lật úp xuống biển, nhưng anh em trên tàu vẫn phải căng mắt trong bão tố để tìm kiếm những con tàu, những nạn nhân dập dềnh trên mặt nước… Nghề của chúng tôi là như vậy. Nếu không có sự thông cảm và ủng hộ của gia đình, người thân thì thật khó dành toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ” – người thuyền trưởng tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 273 có giọng nói nhẹ nhàng như phụ nữ tâm sự.
Nghe anh kể là vậy, nhưng nhìn khuôn mặt kiên nghị của anh cũng như của gần 20 thủy thủ đoàn khác, chúng tôi hiểu rằng công việc của các anh còn nguy hiểm và vất vả hơn rất nhiều.
Anh Nguyễn Duy Thành - Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 273 (trái) cùng cán bộ trên tàu đang tính toán toạ độ. |
“Nước xa khó cứu được lửa gần”
Mong muốn của các cán bộ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực 1 là các tàu thuyền hoạt động trên biển phải luôn hiểu biết về pháp luật, tuân thủ nghiêm các luật định, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp nhau trên biển, nhất là khi có tàu, thuyền gặp nạn. Đối với các tàu hoạt động nghề cá, cần xây dựng các tổ, đội để lúc xảy ra sự cố trên biển có thể tương trợ, giúp đỡ nhau. Trên thực tế, nhiều trường hợp khi báo về trung tâm là đã quá muộn. Khi tàu cứu hộ của Trung tâm ra đến nơi thì “mọi việc đã rồi”…
“Một chuyến ra khơi của tàu cứu nạn tốn cả trăm triệu đồng. Chúng tôi đã yêu cầu ngư dân hết sức cẩn trọng khi báo nạn chứ không thể báo tràn lan, bởi nhiều khi chỉ bị trầy xước nhẹ chân, tay cũng báo về trung tâm xin cứu nạn. Ngoài ra, điều lo lắng thường trực đối với những người cứu hộ, cứu nạn là phần lớn tàu đánh cá khi ra khơi hiếm khi mang theo phao cứu sinh, lại thiếu kiến thức về sơ cấp cứu người bị nạn nên đã để xảy ra những trường hợp đáng tiếc" - ông Trần Văn Độ trăn trở.
Ông Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực 1 cũng mong muốn: Người đi biển phải tự trang bị cho mình các nhu yếu phẩm, y tế và những hiểu biết nhất định về sơ, cấp cứu. Đi biển là nghề nguy hiểm, đánh bạc với thiên nhiên, sóng gió nên điều quan trọng là người đi biển phải tự cứu lấy mình trước khi được cứu hộ, cứu nạn. “Nước xa khó cứu được lửa gần” là như vậy.
Mặc dù được trang bị tàu và những thiết bị hiện đại song do điều kiện khách quan như địa bàn rộng, bão quá lớn… đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Vụ tai nạn tàu Phú Tân xảy ra ngày 16/12/2010 là điển hình. Tàu Phú Tân (của Công ty Vận tải biển Container Vinalines) là tàu hàng chuyên chở container có trọng tải 14.000 tấn do Đức sản xuất năm 1988. Trong chuyến đi biển cuối cùng, tàu gặp nạn khiến số phận của thủy thủ đoàn và khách đi tàu rơi vào thảm cảnh... Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 1 nhận được tin báo tàu biển Phú Tân đang chở container hàng bị hỏng máy tại vùng biển Nam vịnh Bắc bộ, cách bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình khoảng 120 km. Do sóng lớn, biển động đến cấp 9, giật cấp 10 nên toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 25 thuyền viên và 2 hành khách buộc phải rời tàu khẩn cấp. Do sóng quá lớn, tàu Phú Tân bị nghiêng 37 độ và hầu hết container hàng trên tàu bị hất văng xuống biển. Không lâu sau, tàu từ từ chìm. Các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 1 không thể tiếp cận được tàu Phú Tân do biển động mạnh và lại đang ở cách khu vực tàu bị nạn khoảng 400km (số tàu Tìm kiếm cứu nạn này đậu ở vùng biển Hải Phòng) nên việc cứu hộ không thể kịp thời.
Trong cuộc vật lộn với tử thần để cứu sống những người đang gặp nạn của tàu Phú Tân bị đắm, tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 của trung tâm đã vớt được một người tại vùng biển cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) gần 40 km. Anh Nguyễn Ân Quang (quê ở Thừa Thiên - Huế), thuyền viên tàu Phú Tân, được đưa lên tàu trong tình trạng suy kiệt nặng, sốc... do trôi dạt trên biển hơn 48 giờ. Thuyền viên tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 đã tìm mọi cách để cứu anh Quang. Rất may, anh Quang đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Nói về niềm vui của nghề cứu nạn trên biển, Thuyền trưởng tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 273 Nguyễn Duy Thành trầm ngâm hồi lâu rồi nói: "Ra khơi, cứu sống được người là chúng tôi vui rồi. Đó là phần thưởng lớn nhất của anh em chúng tôi". Nói xong, anh nhìn ra phía biển lấp lóa.
Theo hướng anh nhìn, chợt nhớ đang là mùa mưa bão.
Theo VOV