27 tháng 7, 2011

Người bạn thủy chung của ngư dân

Như tin đã đưa, Bộ NN&PTNT đang khởi động dự án trang bị 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh (MOVIMAR) cho tàu cá của 28 tỉnh, thành. Tuy nhiên, trước khi có công nghệ “cao” này thì đã có công nghệ “thấp” hơn, gắn bó thân thiết bao thế hệ người đi biển: Đài Thông tin Duyên hải VN. Và ngay cả khi công nghệ “cao” được triển khai thì cũng không có nghĩa công nghệ “thấp” bị bỏ rơi mà ngược lại, cả hai cùng song song tồn tại, bổ sung cho nhau nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam
Mạng Thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm một Trung tâm xử lý thông tin hàng hải tại Hà Nội và 29 Đài thông tin duyên hải nằm trải dọc theo bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên, sử dụng những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực viễn thông hàng hải hiện nay, với tầm phủ sóng rộng, bao phủ các vùng biển trong nước và quốc tế.
Từ lâu, mạng Thông tin duyên hải đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết với bao thế hệ người đi biển, góp phần mang lại những chuyến hành trình an toàn, hiệu quả. Việt Nam là một trong những nước thành viên chính thức của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, vì vậy hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ thông tin duyên hải, thu nhận và xử lý các thông tin liên quan đến báo động cấp cứu từ tất cả các phương tiện gặp nạn hoặc có sự cố trên biển liên tục 24/24 giờ, 7 ngày/tuần kể cả ngày lễ, tết từ các thiết bị thu phát VHF/MF/HF, thiết bị phát tín hiệu cấp cứu qua các hệ thống vệ tinh Inmarsat, Cospas-Sarsat.
Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam còn phát quảng bá các loại tin an toàn hàng hải phục vụ cho việc hàng hải của các tàu thuyền trên biển được an toàn, gồm các loại tin như cảnh báo hàng hải, cảnh báo khí tượng biển và các thông tin liên quan đến tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các thông tin an toàn hàng hải được phát sóng qua các phương thức: thoại trên kênh 16, máy thu Navtex trên hai tần số 4209.5kHz, 518 kHz và SafetyNET qua hệ thống vệ tinh Inmarsat…
Đặc biệt, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam còn cung cấp dịch vụ thông tin duyên hải cho tàu cá, dịch vụ viễn thông công ích theo chính sách của Nhà nước dành cho ngư dân. Dịch vụ thông tin cấp cứu cứu nạn của hệ thống sẽ tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi cấp cứu khẩn cấp từ tàu thuyền đánh bắt hải sản trên tần số 7903 kHz liên tục 24/24 giờ. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam cũng phát hằng ngày các bản tin dự báo thời tiết biển (buổi sáng từ 5 giờ 20 đến 9 giờ 20, buổi chiều từ 17 giờ 20 đến 21 giờ 20) trên tần số 7906 kHz và 8294kHz.
Ngoài ra, các bản tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa sẽ được phát liên tục trong ngày với khoảng cách 15 phút một phiên để hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Các đài còn có các chương trình Dự báo ngư trường, Sổ tay pháp luật, Chính sách hỗ trợ ngư dân, Hướng dẫn y tế...
Nhằm góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho bà con ngư dân và người đi biển, Bản tin duyên hải phát hằng ngày trên tần số 8294 kHz với các thông tin văn hóa, xã hội, giải trí cũng như phục vụ sản xuất. Một trong những dịch vụ được bà con ngư dân sử dụng nhiều nhất là dịch vụ điện thoại tàu bờ.Dịch vụ điện thoại tàu bờ gồm các dịch vụ liên lạc thoại từ tàu về điện thoại cố định,di động trên đất liền, đáp ứng nhu cầu liên lạc của thuyền viên làm việc trên tàu với gia đình, người thân trên đất liền.
Ngư dân sẽ được cứu hộ như thế nào?
Theo quy định, các tàu thuyền khi đi biển phải có thiết bị thông tin liên lạc và biết các tần số trực canh cấp cứu. Cụ thể tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ lắp máy có công suất 90 sức ngựa trở lên, phải lắp máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc hai chiều với đất liền.
Hiện nay các thiết bị phát sóng vô tuyến liên lạc tầm xa sử dụng băng tần HF phổ biến là các loại máy ICOM. Ngoài ra các tàu cá cũng trang bị các thiết bị phát sóng vô tuyến điện liên lạc tầm gần đặt trên phương tiện nghề cá hoạt động ở băng tần C (từ 26,96 MHz đến 27,41 MHz ).
Được biết, tần số trực canh cấp cứu dành riêng cho tàu đánh cá của ngư dân là 7903KHz. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải trực canh và trả lời trên tần số 7903 kHz liên tục 24/24 giờ bằng phương thức thoại để tiếp nhận và xử lý các tin liên quan đến tình hình cấp cứu, khẩn cấp từ tàu thuyền đánh bắt hải sản. Việc trực canh trên tần số 7903 kHz được thực hiện đồng thời tại các Đài Thông tin duyên hải nằm trải dọc theo bờ biển đất nước từ Móng Cái tới Hà Tiên.
Trong trường hợp khẩn cấp, có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng và phương tiện trên biển, ngoài việc sử dụng kênh dành riêng phục vụ thông tin an toàn cứu nạn, tổ chức, cá nhân khi gửi thông tin hoặc tín hiệu cấp cứu còn có thể phát sóng để thu hút sự chú ý trên bất cứ kênh nào trong Bảng phân kênh tần số.
Khi nhận được thông tin, tín hiệu cấp cứu, các đài vô tuyến điện phải lập tức ngừng phát sóng trên tần số có khả năng gây nhiễu cho thông tin cấp cứu và phải liên tục lắng nghe trên tần số phát gọi cấp cứu; trả lời và thực hiện ngay mọi hỗ trợ cần thiết, đồng thời thông báo cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn.
Các thông tin cấp cứu nhận được đều được gửi trực tiếp đến các cơ quan tìm kiếm cứu nạn như Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải; Trung tâm an ninh hàng hải; Cảng vụ hàng hải; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ven biển; Bộ đội Biên phòng, Hải quân… để phối hợp tìm cứu, đồng thời hệ thống đài Thông tin duyên hải cũng gửi ngay các thông tin cấp cứu này cho các tàu đang hoạt động ở lân cận khu vực bị nạn qua phương thức tín hiệu số, thoại hoặc vệ tinh để các tàu thuyền này tham gia vào việc cứu nạn.
Ngoài ra, tất cả các tàu cá đều được thông báo các tần số cấp cứu hàng hải quốc tế gồm các tần số 2182; 4125; 6215; 8291; 12290; 16420 (kHz). Các tần số này chỉ sử dụng để phát tín hiệu cấp cứu cho các Đài Thông tin duyên hải quốc tế trong khu vực và các tàu hàng hải khi gặp tai nạn trên biển quốc tế.

Theo báo Văn hoá