14 tháng 12, 2013

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ ngư dân

Trong những năm gần đây ngư dân đã tiếp cận được với nhiều chính sách hỗ trợ, và chính sự hỗ trợ này đã tạo động lực thúc đẩy khai thác hải sản xa bờ phát triển, góp phần từng bước nâng cao đời sống và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Để hỗ trợ, cung cấp các cảnh báo về thời tiết cho ngư dân cũng như phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn khi sự cố xảy ra, dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar” đã được triển khai bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp.
Theo đó 60 phương tiện đánh bắt được lắp đặt, bắt đầu từ tháng 11/2012 và kéo dài 2 năm do Trung tâm Đài Duyên hải miền Trung đảm nhận với 2 hạng mục chính, gồm: Lắp đặt thiết bị trên tàu và xây dựng trung tâm giám sát, điều hành trên bờ. Đến thời điểm này một số tính năng của thiết bị đã đi vào hoạt động, như bản tin dự báo thời tiết biển được cung cấp hàng ngày tới ngư dân; bản tin báo bão, áp thấp nhiệt đới được cung cấp từ ngày 19/8/2013. Theo đánh giá của một số ngư dân, bước đầu hệ thống Movimar đã giúp cập nhật thông tin thời tiết một cách nhanh nhất và chính xác, ngư dân yên tâm ra khơi khai thác.
Không chỉ dừng lại ở đó, để khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển, tìm ra được những ngư trường tiền năng, khai thác đúng luồng cá, với mô hình “Ứng dụng máy dò ngang Sonar trên tàu khai thác hải sản xa bờ” được thực hiện trong 3 năm từ 2011 - 2013 với mức hỗ trợ là 500 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ, đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Phương tiện của ngư dân Nguyễn Hữu Năm (phường Quảng Tiến, T.X Sầm Sơn) được lắp đặt máy dò ngang từ năm 2011, qua quá trình khai thác với ứng dụng máy dò ngang, anh Năm cho biết kết quả sau 6 phiên biển, tổng doanh thu đạt 1.477 triệu đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận thu về được 667 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với khi chưa lắp máy. Qua 3 năm thực hiện, hiệu quả mô hình ứng dụng máy dò ngang mang lại niềm vui lớn cho ngư dân, khi liên tiếp được mùa biển.
Bên cạnh đó chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền cho ngư dân cũng được các địa phương chú trọng đầu tư.
Huyện Tĩnh Gia đã ban hành Đề án phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó đặc biệt khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ. Với mức hỗ trợ một lần cho một tàu đóng mới có công suất từ 90CV đến dưới 200CV là 70 triệu đồng. Đối với tàu đóng mới công suất từ 200CV đến 400CV hỗ trợ 100 triệu đồng. Đến nay toàn huyện đã hỗ trợ đóng mới được 22 tàu với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, và dự kiến đến năm 2015 sẽ hỗ trợ đóng mới trên 100 tàu cá công suất trên 90CV với tổng số vốn 8 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bảo quản chất lượng sản phẩm cũng được quan tâm hỗ trợ. Hiện nay với sản lượng khai thác bình quân hơn 120.000 tấn/năm, tỷ lệ tổn thất được tính ở mức 20%, thiệt hại khoảng 25.000 tấn, tương đương 300 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu bảo quản sản phẩm của các tàu, thuyền chưa đảm bảo do áp dụng phương pháp bảo quản truyền thống như đá xay hoặc ướp muối.
Với chính sách cải tạo hầm bảo quản theo hướng sử dụng công nghệ mới bằng vật liệu PU ra đời, là một chính sách khả thi và hiệu quả. Phần lớn các đội tàu dịch vụ thu mua hải sản ở các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia, T.X Sầm Sơn đều có trang bị hệ thống hầm cấp đông bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới này. Tuy nhiên do giá thành thiết bị của hầm cao, phần lớn là nhập ngoại, nên nhiều ngư dân còn chưa lắp đặt được hệ thống công nghệ mới vật liệu PU.

Theo vanhoadoisong.vn