Trong mùa mưa bão, máy định vị vệ tinh giúp cơ quan chức năng quản lý, thông tin tới ngư dân kịp thời, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Tỉnh Bình Định có gần 7.600 tàu cá, trong đó hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, bà con ngư dân được hỗ trợ chi phí xăng dầu, bảo hiểm thân tàu, máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh, duy trì liên lạc hàng ngày giữa khơi xa với đất liền. Trong mùa mưa bão, máy định vị vệ tinh giúp cơ quan chức năng quản lý, thông tin tới ngư dân kịp thời, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Vừa từ ngư trường Trường Sa về bờ tránh bão, ngư dân Trần Văn Nghĩa thuyền trưởng, chủ tàu cá BĐ- 91036, công suất 520 CV tranh thủ đi nhận tiền hỗ trợ xăng dầu và bảo dưỡng lại máy thông tin liên lạc tầm xa định vị vệ tinh. Ngư dân Trần Văn Nghĩa cho biết: Đánh bắt xa bờ ngày càng khó khăn, nhưng những lúc khó khăn nhất, nản chí nhất thì được Nhà nước tiếp sức bằng tiền xăng dầu nên anh em thêm tinh thần và niềm tin bám biển.
Trung bình mỗi năm tàu cá của anh Nghĩa được nhà nước hỗ trợ 240 triệu đồng chi phí xăng dầu. Mới đây, tàu cá của anh được trang bị thêm máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh, trị giá gần 30 triệu đồng. Thiết bị này giúp gia đình và trạm bờ trong đất liền biết được tọa độ tàu đang hoạt động. Ngư dân Trần Văn Nghĩa khẳng định: Nhờ thiết bị định vị vệ tinh, các tàu cá xung quanh dễ dàng thông tin với nhau, biết được mọi diễn biến về thời tiết, cứu nạn.
Ngư dân Trần Văn Nghĩa phấn khởi: “Sử dụng máy VHF tôi cảm thấy rất tốt, hàng ngày chúng tôi liên hệ được với các tàu xung quanh, nhận thông tin qua lại, nói chuyện với nhau thông suốt. Và thứ 2 là nghe được thông tin của các đài Duyên hải, báo bão báo gió và Đài tiếng nói Việt Nam. Nhắn tin, tín hiệu của trạm bờ tốt và khi có bão tố là trạm bờ điện ra. Nói chung nhờ có máy chúng tôi rất an tâm”.
Tại tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đầu tư 300 triệu đồng lắp đặt 1 trạm bờ đặt tại Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: Trung bình mỗi ngày trạm bờ tại Chi cục tiếp nhận gần 2.000 tin nhắn và các cuộc đàm thoại của tàu thuyền ngoài biển. Nhờ những thông tin trao đổi hàng ngày, cơ quan chức năng nắm bắt được tình hình khai thác và mọi diễn biến của ngư dân trên biển, nhất là những lúc bà con ngư dân gặp sự cố hoặc kêu gọi tránh bão.
Bà Mai Kim Thi cho biết: “Mùa mưa bão cũng như khi xảy ra tình hình tai nạn trên biển thì bà con ngư dân cũng đã thông tin hoặc khi được thông tin của các Đài thông tin duyên hải tình hình về tàu cá bị nạn thì chúng tôi thông qua trạm bờ nhìn có thể biết được những tàu cá xung quanh tàu bị nạn và đề nghị tàu ngư dân giúp đỡ trước khi tàu của cơ quan chức năng đến giúp. Vì vậy khi bà con ngư dân trang bị được máy thông tin liên lạc trên tàu có rất nhiều thuận lợi trong việc quản lý tàu cá”.
Bình Định là 1 trong những địa phương có số lượng tàu thuyền, tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất trong cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh cho 1.200 tàu cá, đạt một nửa số tàu đánh bắt xa bờ. Trung bình mỗi năm, tỉnh Bình Định giải ngân hơn 200 tỷ đồng hỗ trợ chi phí xăng dầu cho tàu đánh bắt xa bờ. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đưa ngành khai thác thủy hải sản trở thành 1 trong những thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Lê Hữu Lộc cho biết: “Quyết định 48 của Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản là 1 quyết định rất đúng đắn. Với ý nghĩa đó thì thời gian qua chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc việc hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đúng theo chính sách của Chính phủ quy định. Đồng thời kiểm tra rất chặt chẽ không để xảy ra tiêu cực và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho ngư dân kịp thời để ngư dân có điều kiện vươn xa đánh bắt thủy hải sản”.
Theo VOV