Vụ tàu chở container Sima Sapphire (quốc tịch Singapore) đâm chìm tàu cá TG 92819TS trên vùng biển Vũng Tàu hôm 16-9, làm 8 người chết và mất tích là hồi chuông báo động về nguy cơ đâm va giữa tàu chở hàng và tàu cá, nhất là vào thời điểm ban đêm.
Nguy cơ rình rập
Chỉ hai ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng nêu trên, tối ngày 18-9, trong khi đang hoạt động tại tọa độ 10o23’N-108o01’E, cách Vũng Tàu khoảng 60 hải lý về phía đông, tàu cá BV 9702TS (do ông Lê Văn Khánh, ngụ tại đường Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu, làm chủ) bị một tàu chở container (chưa rõ tên, số hiệu, quốc tịch) đâm thẳng vào mạn phải. Cú đâm va khá mạnh đã khiến tàu cá BV 9702TS bị hư hỏng nặng ở mạn phải và cabin, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Rất may, toàn bộ 6 ngư dân trên tàu cá đều an toàn.
Trước đó không lâu, trong khi đang hành nghề câu mực tại tọa độ 10o11’N-107o4’E, cách Vũng Tàu khoảng 11 hải lý, tàu BĐ 30279TS (do ông Nguyễn Trưa, sinh năm 1939, trú tại TP.Vũng Tàu, làm chủ) cũng bị tàu Chen Lu 19 (quốc tịch Panama, chuyên chở hàng rời) tông chìm. Vụ tai nạn đã làm thuyền viên Dương Huỳnh Nhật (sinh năm 1984, làm việc trên tàu cá BĐ 30279TS) tử vong.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra hàng chục vụ đâm va giữa tàu chở hàng và tàu cá, khiến nhiều chết và mất tích, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn hàng hải này là do lỗi chủ quan của cả phía tàu cá lẫn tàu chở hàng. Trong đó, tàu cá thường mắc các lỗi: chấp hành không nghiêm các quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển; lưu thông, hành nghề trên luồng của tàu hàng; không cắt cử người cảnh giới khi tàu neo đậu, nhất là về ban đêm; thiếu hệ thống đèn, còi báo hiệu…
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cho biết: Là cửa ngõ giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất khu vực phía Nam và Đông Nam Á, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tuyến, luồng hàng hải quốc tế quan trọng đi qua như: TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Singapore - Malaysia - Indonesia; Singapore - Hongkong - Trung Quốc - Nhật Bản… Do vậy, mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu hàng qua lại trên vùng biển của tỉnh. Với lưu lượng tàu qua lại nhiều như vậy, nguy cơ tàu cá đâm va với tàu hàng là rất lớn. Và khi tai nạn xảy ra, tàu cá luôn là đối tượng bị thiệt hại nặng về cả vật chất lẫn con người.
Để có những chuyến tàu ra khơi an toàn
“Để có những chuyến tàu ra khơi được thuận buồm xuôi gió, bà con ngư dân cần đặt công tác đảm an toàn hàng hải lên hàng đầu”- Đại tá Trương Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT lưu ý. Theo Đại tá Trương Văn Tài, ngoài việc phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm theo đúng các quy định hiện hành, trước khi ra khơi, bà con ngư dân cần kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của tàu, nhất là hệ thống đèn, còi báo hiệu; trang bị đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc; thuyền viên phải được trang bị kiến thức về hàng hải. Đặc biệt, trong quá trình hành nghề hay neo đậu tàu để nghỉ ngơi, thuyền trưởng phải cắt cử người tổ chức cảnh giới nghiêm túc, nhất là vào thời điểm đêm tối để tránh đâm va với tàu hàng.
Theo ông Lê Văn Chiến, kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần tàu cá tổ chức cảnh giới tốt thì sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ bị tàu hàng đâm va. Trong quá trình trực cảnh giới, người của tàu cá cần ngồi ở vị trí thuận lợi, có thể quan sát và nghe được âm thanh từ bốn phía. Bên cạnh đó, người trực cảnh giới cũng cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về hệ thống đèn, còi báo hiệu của tàu hàng để nhận biết tàu hàng đang đi về hướng nào. Khi đêm xuống, tàu cá cần trưng đèn theo đúng quy định trong lĩnh vực hàng hải để tàu hàng nhận biết.
Khi không may gặp tai nạn trên biển, bà con ngư dân hãy gọi cấp cứu trên tần số HF 7903 kHz cho các Đài thông tin duyên hải (trực canh 24/24h) để nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và các cơ quan chức năng khác hoặc điện thoại đến số 064.3850950 (trực 24/24h).
Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu