28 tháng 8, 2013

Movimar đồng hành cùng ngư dân

Những năm qua, giao thông hàng hải, kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, do đặc thù vùng biển nước ta thường xuyên phải gánh chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới mỗi năm nên tàu thuyền hoạt động trên biển thường gặp nhiều rủi ro về người và tài sản. Trong đó, ngư dân đi biển với phương tiện lạc hậu là đối tượng chịu nhiều rủi ro và thiệt hại nhất. Nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro đối với các phương tiện hoạt động trên biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện dự án Movimar để đồng hành, hỗ trợ ngư dân trên biển.

Movimar là Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh. Đây là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cộng hòa Pháp với đại diện là Công ty Collecte Localisation Satellites (viết tắt là CLS) là nhà thầu chính. Dự án được thực hiện trong vòng 3 năm, từ năm 2011 đến năm 2013.
Mục tiêu của dự án là hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản; quản lý các hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, bảo đảm trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Hệ thống Movimar là thiết bị liên lạc hiện đại hỗ trợ tàu cá trong trường hợp khẩn cấp; định hướng cho tàu đi vào vùng biển an toàn; trợ giúp hàng hải và các hoạt động khai thác hiệu quả... góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bảo đảm an toàn, an ninh lãnh hải và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.  
3.000 tàu cá của 28 địa phương ven biển, trong đó có Quảng Bình, được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án này. Các tàu cá được lựa chọn phải bảo đảm theo những tiêu chí được ban hành tại Quyết định số 453/QĐ-BNN-TCTS ngày 14-3-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tiêu chí bắt buộc: Tàu cá phải có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên, khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam được tổ chức thành tổ đội, mỗi tổ đội có một tàu được trang bị thiết bị kết nối vệ tinh. Tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản thuộc các nghề: nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác; hoạt động trên các vùng biển: vùng khơi, vùng đánh cá chung, vùng biển cả.
Ngoài những tiêu chí bắt buộc, có các tiêu chí ưu tiên là: Tàu cá là tổ trưởng, đội trưởng của tổ, đội khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên biển; tàu cá là đội trưởng đội tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển; tàu kiểm ngư thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý nghề cá các cấp.
Thiết bị vệ tinh được lắp đặt trên tàu cá đủ tiêu chuẩn là hệ thống quan sát tàu cá VMS. Khi được lắp đặt, VMS sẽ trợ giúp, cải thiện sự an toàn của ngư dân trên biển: cảnh báo về điều kiện thời tiết, các nguy cơ tiềm ẩn sẽ được gửi tới tàu, giúp ngư dân xử lý tốt hơn các tình huống nguy hiểm; các thông báo cứu nạn, yêu cầu hỗ trợ từ tàu gửi về sẽ giúp các cơ quan, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tăng cường năng lực trợ giúp cho tàu.
Hệ thống VMS được thiết lập cho phép các cơ quan quản lý nghề cá Việt Nam có những giải pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với các tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Hệ thống xác định được vùng biển đang xảy ra mối nguy hiểm, nơi có bão, cung cấp nhanh, chính xác các bản tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới hoặc các hiện tượng thời tiết bất thường khác cho các tàu cá hoạt động trên các vùng biển và điều đó sẽ giúp cho các tàu có thể kịp thời tránh, trú, giảm nhẹ thiệt hại. Hỗ trợ nâng cao năng suất khai thác hải sản cho tàu thuyền.
Hệ thống VMS là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác những sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời có thể giúp đưa ra những quyết định mang tính chiến lược như việc thành lập các khu bảo tồn biển, vùng cấm khai thác cho những khu vực nhất định trong một thời gian nhất định hoặc lâu dài.
Từ tháng 3 đến tháng 7-2013, Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Huế phối hợp với Chi cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình đã tiến hành lắp đặt VMS cho 90 tàu cá của ngư dân Quảng Bình. Đài TTDH Huế có trụ sở đóng tại Cảng cá Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những mắt xích quan trọng của Hệ thống Đài TTDH Việt Nam. Đây là hệ thống thông tin có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, bảo đảm thông tin liên lạc trên biển, tới các vùng sâu, vùng xa ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu, các mạng thông tin thông thường không sử dụng được, góp phần vào sự phát triển của kinh tế biển cũng như là cơ sở thực hiện chiến lược biển của quốc gia.
Ở tỉnh ta, việc lựa chọn tàu có đủ tiêu chí theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện công khai, khách quan từ xã lên đến tỉnh (xã lựa chọn tàu cá đủ tiêu chí gửi danh sách lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét chọn, sau đó gửi danh sách ra Bộ duyệt và quyết định. Mặc dù thời gian sử dụng chưa nhiều, nhưng theo đánh giá của nhiều ngư dân, VMS của dự án Movimar sẽ giúp họ an tâm hơn trong quá trình đánh bắt thủy sản trên biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ.
Có VMS, chắc chắn việc theo dõi các dự báo về thiên tai, bão lũ sẽ thuận lợi hơn và ngư dân cũng chủ động hơn trong việc thông tin với đất liền khi gặp sự cố trên biển.

Theo baoquangbinh.vn