25 tháng 7, 2013

Người bạn đường trên biển

Thời gian qua, Đài Thông tin duyên hải Nha Trang (Nha Trang Radio) đã cùng với các đơn vị cứu hộ, cứu nạn khác hoạt động có hiệu quả tại vùng biển Nam Trung bộ và Trường Sa, góp phần can thiệp kịp thời các vụ tai nạn, giảm thiểu mức độ thiệt hại cả về con người và phương tiện đang hoạt động trên biển.

Lặng thầm cứu hộ, cứu nạn

23 giờ khuya một ngày giữa tháng 7, tại “tổng hành dinh” của Nha Trang Radio (số 40/1 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), ánh đèn điện vẫn sáng tại nhiều phòng làm việc. Tại tầng 3 của đơn vị, 4 khai thác viên với những thiết bị viễn thông như: Máy vi tính, bộ đàm, bộ thu phát tín hiệu từ vệ tinh… vẫn đang hoạt động. Mọi người chăm chú lắng nghe tín hiệu được thu từ vùng biển Nam Trung bộ và Trường Sa. Khai thác viên Nguyễn Thị Hương Xuân cho biết: “Âm thanh vù vù, lạo xạo như đài bị nhiễu tín hiệu chính là “nhịp thở” của tàu thuyền đang qua lại tấp nập trên vùng biển Nam Trung bộ và Trường Sa đấy. Những âm thanh ấy đã trở lên thân thiết với chúng tôi từ ngày bắt tay vào công việc thầm lặng này”.


Các khai thác viên của Nha Trang Radio trong một ca trực đêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy chỉ với 15 khai thác viên nhưng mọi thông tin tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo thiên tai, hàng hải, cập nhật liên tục thông tin về thời tiết trên biển, thông báo cho các loại tàu thuyền trong nước và quốc tế đang hoạt động trên vùng biển… luôn được Nha Trang Radio phủ sóng đảm bảo 24/24 giờ mỗi ngày. Nha Trang Radio đã thực sự trở thành người bạn đường tin cậy không chỉ của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên biển mà còn đối với thuyền viên nước ngoài. Chị Xuân cho biết, rạng sáng 15-7 vừa qua, khi đang đánh bắt trên vùng biển ngoài khơi Khánh Hòa, cách đất liền gần 30 hải lý về hướng Đông Bắc, tàu cá của tỉnh Bình Định mang số hiệu BĐ-94003TS đã đột nhiên phát cháy dữ dội. Tàu đã liên lạc với Nha Trang Radio để báo tin. Tại thời điểm bị nạn, trên tàu có 16 ngư dân… Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chị Xuân đã kịp thời thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực, địa phương và các tàu thuyền ở gần đó. Sau khi tiếp nhận thông tin từ Nha Trang Radio, 6 tàu câu mực đang hoạt động gần tàu BĐ-94003TS đã nhanh chóng tiếp cận, cứu được toàn bộ 16 ngư dân đưa vào bờ an toàn… Chị Xuân nói: “Chúng tôi là những người liên lạc với tàu bị nạn đầu tiên. Trong âm thanh hỗn độn giữa biển khơi, chúng tôi vẫn cảm nhận được những tiếng la hét, hoảng loạn của các ngư dân khi tàu cá bị nạn. Vì vậy, việc thông tin cứu nạn tới các đơn vị liên quan, tàu đánh cá đang ở gần đó cũng như việc trấn an ngư dân là vô cùng quan trọng”. Ông Võ Quang Khá - Giám đốc Nha Trang Radio cho biết, Nha Trang Radio là đầu mối thông tin trên vùng biển Nam Trung bộ và Trường Sa. Hoạt động thầm lặng bất kể ngày đêm, những khai thác viên của Nha Trang Radio như những “chiến binh” thực thụ. Bởi lẽ, chỉ cần mất tập trung trong giây lát, những tai họa khôn lường có thể ập đến với các ngư dân, thuyền viên, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Tàu hàng Hamburg, quốc tịch Đức đang di chuyển qua vùng biển Trường Sa.
Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, Nha Trang Radio đã tiếp nhận và xử lý hơn 40 trường hợp tàu bị nạn trên biển, trong đó bao gồm các tàu thuyền trong và ngoài nước. Các vụ việc như: Tàu bị hỏng máy thả trôi, thuyền viên trên tàu bị đau ốm, bị thương...  thường xuyên xảy ra ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa. Gần đây nhất, khoảng 17 giờ 35 phút ngày 5-5, tàu chở dầu Union Harvert (quốc tịch Panama) trên hải trình từ Trung Quốc đi Singapore, khi cách bờ biển Nha Trang 196 hải lý về phía Đông Đông Bắc, trong lúc vận hành máy, anh Haung Gyilian Kyaw - thủy thủ của tàu bất ngờ bị một thanh sắt xuyên thấu ngực làm anh mất nhiều máu, tinh thần hoảng loạn. Sau khi nhận tín hiệu cấp cứu từ tàu Union Harvert, Nha Trang Radio đã thông tin tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV để điều phương tiện tiếp cận tàu bị nạn. Nhờ đó, thủy thủ bị nạn đã được đưa vào Nha Trang cấp cứu kịp thời.

Vẫn còn trăn trở

Thuyền viên tàu Union Harvert được kịp thời đưa lên bờ chữa trị.
Theo ông Võ Quang Khá, thông tin về các vụ tai nạn trên vùng biển Nam Trung bộ và Trường Sa nhanh chóng được thông báo đến các cơ quan, đơn vị hay tàu thuyền hoạt động gần nơi tàu bị nạn để ứng cứu, thế nhưng, cán bộ, nhân viên Nha Trang Radio vẫn còn nhiều trăn trở. Ông Khá cho rằng, việc ngư dân tự cứu nhau trong hoạn nạn chưa chắc đã là giải pháp căn cơ, nhất là khi hầu hết tàu thuyền của ngư dân đều có công suất và nhiên liệu chỉ đủ để tàu vận hành, khi kéo tàu bị nạn có thể dẫn đến nguy hiểm cho cả hai. Trong khi đó, hiện nay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp trên biển vẫn chưa đủ mạnh. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV chỉ mới được trang bị 1 tàu cứu nạn duy nhất SAR 27-01 vào đầu năm 2012, còn trước đó chỉ phối hợp tìm kiếm cứu nạn bằng thông tin điện đàm. Còn ông Trần Xuân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV cho biết, tàu SAR 27-01 chỉ có chức năng cứu nạn chứ không có chức năng cứu hộ. Trong điều kiện thời tiết bình thường, vận tốc tối đa của tàu chỉ 16 hải lý/giờ và tầm hoạt động chưa đến 200 hải lý. Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn trên biển Nam Trung bộ phải nhờ đến các tàu lớn của lực lượng khác ứng cứu, nhưng chi phí mà các tàu bị nạn phải bỏ ra rất lớn. Do vậy, họ thường tìm cách để tự khắc phục sự cố. Điều này khiến thời gian gặp nạn kéo dài thêm, đồng nghĩa với mức độ nguy hiểm của tàu bị nạn tăng lên.
“Biến đổi khí hậu, nước biển dâng kéo theo thiên tai ngày càng khó lường. Do vậy, để tàu thuyền hoạt động trên biển an toàn, nhất là đối với ngư dân, Nhà nước cần sớm đầu tư, trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn đủ sức chịu đựng sóng to gió lớn, tầm hoạt động xa bờ. Có như thế, công tác cứu hộ, cứu nạn mới đồng bộ và đạt hiệu quả cao hơn” - ông Khá phân tích.

Theo baokhanhhoa.com.vn