Trong khi các đơn vị có trách nhiệm đang tranh cãi về định nghĩa cứu nạn - cứu hộ thì 11 ngư dân của tàu cá QNg 95004 vẫn đang thay nhau tát nước cật lực ra khỏi tàu.
Sáng 26.5, sau một ngày ra khơi hành nghề lặn, tàu cá QNg 95004 bị hỏng máy tại 13,54 độ vĩ bắc, 111,01 độ kinh đông, cách Quy Nhơn 100 hải lý về hướng đông. Chiều cùng ngày vẫn không sửa được máy nên thuyền trưởng Trần Năm cầu cứu, nhờ Đài thông tin duyên hải (TTDH) Đà Nẵng thông báo đến các đơn vị cứu nạn khu vực và địa phương cùng các tàu trong khu vực. Đến chiều 27.5, tàu QNg 95004 trôi dạt thêm 20 hải lý, dù lương thực, nước ngọt còn đủ 5 ngày nhưng 11 ngư dân đều hoang mang vì nước tràn vào, mọi người phải thay nhau tát nước cùng với tàu trôi dạt tự do nên bị sóng, gió cấp 5 - 6 đánh mệt nhoài.
Lúc này, đã qua ngày thứ 2 nhưng tàu cá vẫn chưa được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ nên gia đình thuyền trưởng Năm phải thuê tàu cá QNg 95831 của ông Võ Sơn lên đường ứng cứu từ cảng Sa Kỳ, cách tàu bị nạn hơn 200 hải lý.
Bà Võ Thị Phượng, chủ tàu QNg 95004 cho biết khi bà đề nghị các đơn vị ứng cứu thì được trả lời tàu không thuộc trường hợp cứu hộ nên bà phải có đơn, làm thủ tục thuê tàu và trả tiền cứu kéo.
Tranh cãi cứu nạn - cứu hộ
Ông Trần Văn Long - Giám đốc Đà Nẵng MRCC giải thích, trường hợp cứu nạn (Đà Nẵng MRCC tự chi trả kinh phí) áp dụng đối với tàu cá bị nạn dài ngày, cạn kiệt nhiên liệu, lương thực, nước ngọt... trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão. Còn tàu gặp nạn khi thời tiết bình thường thì áp dụng trường hợp cứu hộ hàng hải, có nghĩa là ngư dân hoặc đơn vị bán bảo hiểm cho tàu cá phải chi trả kinh phí cho đơn vị ứng cứu theo điều 187 luật Hàng hải. Theo ông Long, tàu cá QNg 95004 bị nạn trong điều kiện thời tiết bình thường, ranh giới phân định cứu nạn - cứu hộ mong manh nên đơn vị đã báo cáo Ủy ban Quốc gia TKCN, Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC). Đà Nẵng MRCC xác định tàu cá cần được cứu nạn và đề xuất đưa tàu SAR lên đường ứng cứu nhưng Ủy ban Quốc gia TKCN lại nhận định đây là trường hợp yêu cầu cứu hộ nên chỉ hướng dẫn ngư dân tự thuê tàu đi cứu.
“Trong trường hợp ngư dân đã trôi dạt nhiều ngày như tàu QNg 95004 liên quan đến sinh mạng 11 thuyền viên thì lẽ ra Ủy ban Quốc gia TKCN nên cho phép xuất tàu đi ứng cứu” - ông Long nói.
Theo Thanh niên