Với mục tiêu nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản; quản lý các hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã chính thức ký kết Hợp đồng với Công ty Collecte Localisation Satellites (viết tắt là CLS) của Pháp để triển khai Dự án MOVIMAR tại Việt Nam.
Dự án MOVIMAR được hiểu là Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh. Đây là dự án có quy mô lớn được hợp tác ký kết bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp.
Hệ thống định vị vệ tinh MOVIMAR gồm 2 thành phần chính là thiết bị vệ tinh lắp đặt trên tàu và hệ thống giám sát trên bờ. Thiết bị vệ tinh lắp đặt trên tàu có chức năng truyền dữ liệu tự động tọa độ và thời gian từ tàu về Trung tâm giám sát trên bờ (Trung tâm THEMIS) liên tục 2 giờ/1 lần. Trung tâm nhận tín hiệu, tách tín hiệu để chuyển vào máy tính và lưu trữ vào bản đồ số. Dữ liệu này giúp nắm bắt thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu cá trên biển thông qua ảnh chụp từ vệ tinh; hỗ trợ tàu trong trường hợp khẩn cấp; trợ giúp ngư dân hoạt động khai thác biển hiệu quả, kinh tế.
Hệ thống định vị vệ tinh còn xác định được vùng biển đang xảy ra mối nguy hiểm, nơi có bão… từ đó có thể định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc nơi tránh bão an toàn gần nhất. Bên cạnh đó, hệ thống cho phép cung cấp thông tin dự báo thời tiết, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ vùng lãnh thổ Việt Nam...
So do thong tin
Theo Quyết định số 453/QĐ-BNN-TCTS ngày 14/03/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 3.000 tàu cá được lựa chọn lắp đặt miễn phí thiết bị kết nối vệ tinh thuộc Dự án cần đảm bảo các tiêu chí sau: thứ nhất là tàu cá phải có tổng công suất máy chính từ 90 cv trở lên, hoạt động trên vùng biển Việt Nam phải được tổ chức thành tổ đội, mỗi tổ đội tàu có một tàu được trang bị thiết bị kết nối vệ tinh; tiêu chí thứ hai là tàu cá được cấp Giấy phép khai thác thủy sản thuộc các nghề: Nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác; hoạt động trên các vùng biển: vùng khơi, vùng đánh cá chung, vùng biển cả.
Ngoài 2 tiêu chí bắt buộc nêu trên, đối tượng được ưu tiên sẽ bao gồm tàu cá là tổ trưởng, đội trưởng của tổ, đội khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên biển hoặc tàu cá là đội trưởng đội tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển hoặc tàu kiểm ngư thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý nghề cá các cấp.
Khi dự án chính thức đưa vào hoạt động, việc quản lý hoạt động nghề cá đánh bắt xa bờ sẽ trở nên chặt chẽ, hạn chế được rủi ro trên biển của ngư dân, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam