(Dân trí) - Hơn 70 tàu biển lớn nhỏ bị bắt và tạm
giữ ở nước ngoài từ đầu năm đến nay là vấn đề khiến giới chức ngành vận
tải Việt Nam phải đau đầu. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho
biết sẽ thanh tra toàn diện để tìm hướng giải quyết.
Năm 2010, lần đầu tiên đội tàu Việt
Nam “thoát” khỏi danh sách đen của tổ chức Tokyo MOU khi tỷ lệ tàu bị
bắt giảm. Tuy nhiên, sang năm 2011 tình hình có vẻ xấu đi khi số lượng
tàu Việt Nam bị bắt giữ thực sự đáng báo động.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xác nhận trong 9
tháng đầu năm 2011, số lượng tàu biển của Việt Nam bị kiểm tra ở nước
ngoài là 693 lượt thì có đến 71 tàu bị lưu giữ lại, con số này vượt năm
2010 là 13 tàu. Trong đó Tokyo MOU kiểm tra 655 tàu, giữ 62 tàu, 8 lượt
tàu ở Indian MOU và 1 tàu ở Paris MOU.
Số lượng tàu biển Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài ngày càng nhiều
(ảnh chỉ có mính minh họa)
Lý giải
về nguyên nhân của thực trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: do
tình trạng kỹ thuật của đội tàu kém, chủ tàu chưa quan tâm thích đáng
đến điều kiện kỹ thuật của tàu; Trình độ, kinh nghiệm, khả năng chuyên
môn và ngoại ngữ của thuyền viên Việt Nam kém; Việc thực hiện các quy
định của Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế của chúng ta còn mang tính hình
thức và đối phó; Việc giám sát, kiểm tra đăng kiểm tàu biển và cấp các
giấy chứng nhận liên quan của Bộ luật quản lý an toàn quốc tế của Đăng
kiểm Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Về phía Cục Hàng hải Việt Nam, ông Trịnh Thế Cường - Trưởng ban Vận
tải và Dịch vụ Hàng hải cho hay: “Do khó khăn về tài chính và thị
trường, nhiều chủ tàu không có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo
dưỡng, sửa chữa, trang bị lại thường xuyên cho tàu cũng như không đào
tạo nâng cao trình độ đội ngũ sỹ quan thuyền viên.
Cũng từ đây, tình trạng kỹ thuật đội tàu còn nhiều vấn đề; đội ngũ sỹ
quan thuyền viên không tha thiết với nghề đi biển. Đây là nguyên nhân
khiến tàu biển của ta không qua được các kỳ kiểm tra khắt khe của thanh
tra nhà nước cảng biển. Đó là chưa kể đến việc số vụ tàu biển Việt Nam
bị bắt giữ ở nước ngoài liên quan đến nguyên nhân nợ nần tài chính ngày
càng nhiều”.
“Việc tàu bị lưu giữ không chỉ gây thiệt hại về tài chính và uy tín
của từng chủ tàu mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín đội tàu Việt
Nam, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hải quốc tế” - ông Cường
nhìn nhận.
Còn ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết:
Lý do tàu Việt Nam bị bắt giữ là do đội tàu “già” so với các nước trong
khu vực. Đồng thời, đội ngũ sĩ quan, thuyền viên chưa đủ trình độ. Vì
thế, Cục sẽ tập trung siết chặt quy trình Đăng kiểm, đồng thời kết hợp
với ngành hàng hải trong việc đào tạo nâng cao cán bộ chuyên ngành.
Để giải quyết những vấn đề trên, Hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư từng
kiến nghị đến Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan xem
xét lại việc các thuyền trưởng, máy trưởng đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng
còn đủ sức khỏe thì nên được gia hạn thêm vài năm vì đây là những người
có nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, các cục
quản lý chuyên ngành cũng cần thường xuyên cập nhật các thông tin về
công ước Hàng hải quốc tế và chính sách mới của các chính quyền cảng
trên thế giới. Nhà nước cũng nên có chính sách ngoại giao quan tâm hơn
nữa về ngành vận tải quốc tế, giảm các áp lực chính trị...
Trước tình trạng tàu biển Việt Nam bị giữ ở nước ngoài, mới đây Bộ
trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã khẳng định sẽ tiến hành
thanh tra toàn diện để tìm ra nguyên nhân và giải pháp giải quyết vấn đề
này. Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Bộ này là ông Nguyễn Hồng Trường trực tiếp tìm hiểm và làm rõ sự việc.
Theo Dân trí