Hiện nước ta có khoảng 129.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản các loại, trong đó có 25.000 tàu đánh bắt xa bờ và tập trung chủ yếu ở miền Trung và Nam, với hơn 700.000 lao động. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho ngư dân đi biển, ngoài những yếu tố như cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở thì vấn đề thông tin liên lạc là rất cần thiết.
Bằng việc trực canh thu điện cấp cứu, phát các thông báo an toàn hàng hải, dự báo thời tiết, thông báo khí tượng, thông tin trợ giúp y tế 24/24 giờ trên tần số cấp cứu - khẩn cấp 7903 kHz, phương thức thoại HF, VHF, MF... gần 5 năm qua, hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam đã góp phần tìm kiếm cứu nạn 8.062 tàu thuyền các loại, cứu sống 1.964 ngư dân Việt Nam và nước ngoài...
An toàn cho những chuyến ra khơi
Nhằm tăng cường mức độ an toàn cho những người đi biển, từ năm 1997 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 597/TTg phê duyệt hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam và đầu mối quản lý, vận hành và khai thác là VISHIPEL. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải được thiết lập trải dọc theo bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên, với 32 đài, tầm phủ sóng trên 500 hải lý bao phủ các vùng biển trong nước và quốc tế. Hệ thống đài hoạt động trên tất cả các phương thức thông tin từ vô tuyến điện tới thông tin vệ tinh, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ cho các phương tiện hoạt động trên biển.
Các thông tin cấp cứu, cứu nạn cho tàu thuyền đánh bắt hải sản được trực canh trên tần số 7903 kHz và được thực hiện đồng thời tại 19 đài Thông tin duyên hải và gửi trực tiếp đến các cơ quan tìm kiếm cứu nạn như Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm An ninh hàng hải, Cảng vụ hàng hải, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ven biển, Bộ đội biên phòng, hải quân... để phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, qua phương thức thông tin DSC, thoại hoặc vệ tinh, các thông tin cấp cứu được phát ngay cho các tàu hoạt động lân cận khu vực tàu bị nạn. Ngoài ra hệ thống Đài Thông tin duyên hải còn là kênh thông tin phát dự báo thiên tai, thời tiết cho các phương tiện đang hoạt động trên biển trên tần số 7906 kHz và 8294 kHz. Đặc biệt khi có bão, hệ thống sẽ phát 15 phút/ phiên liên tục 24/ 24 giờ, đồng thời phát các thông tin về thăm dò dầu khí, tập trận, cướp biển...
Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thuộc Trung tâm vùng II được đánh giá cao trong việc thông tin đúng và kịp thời, góp phần tích cực trong việc cấp cứu khẩn cấp và tìm kiếm cứu nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản quí. Chỉ trong quý III năm 2010, Đài đã trợ giúp cho 8 tàu cá các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, cứu sống 41 ngư dân, giúp đỡ nhiều ngư dân gặp sự cố, tai nạn, đau ốm nặng. Từ năm 2008, Chương trình hỗ trợ từ Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ trang bị lần đầu máy thu phát HF cho tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ thông qua cước điện thoại tàu - bờ đã đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc của ngư dân với gia đình, tăng cường mối liên hệ giữa tàu thuyền đánh bắt hải sản với hệ thống đài Thông tin duyên hải. Nhờ đó bước đầu đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc 2 chiều của ngư dân nghèo, giúp họ thêm an toàn cho những chuyến ra khơi...
Cần có trang thiết bị đồng bộ
Thống kê của VISHIPEL, hiện nay, số tàu thường xuyên đánh bắt xa bờ có 50% đã được trang bị máy HF, số còn lại chỉ trang bị máy sóng ngắn 27MHz hoặc chưa được trang bị thiết bị thông tin nào. Các thiết bị liên lạc qua vệ tinh Inmarsat, thiết bị chỉ báo vị trí khẩn cấp tự động thì hầu như chưa được trang bị... Ngư dân Mai Văn Hòa, phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang cho biết, máy HF đã giúp ông có thể liên lạc được về nhà, nhưng khi có bão, sóng lớn, đường truyền bị nhiễu, gián đoạn. Nếu xảy ra sự cố sẽ không biết kêu ai. Vì thế ông đề nghị có cách nào đó trang bị phao cứ sinh tự động cho các ngư dân đi biển.
Ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị, từ nay đến năm 2015, hệ thống đài Thông tin duyên hải cần nâng cao tốc độ, chất lượng các đường truyền kết nối chính và dự phòng; đầu tư nâng cấp một số trung tâm thu, phát để tăng cường chất lượng; triển khai các bản tin bằng tiếng Việt qua hệ thống NAVTEX, thông tin dự báo thiên tai qua máy thu tự động trên tần số 7906 kHz cho ngư dân nghèo; tăng cường chương trình Thông tin duyên hải trên tần số 8294 kHz nhằm nâng cao đời sống tinh thần, phổ biến kiến thức cơ bản về thông tin liên lạc, pháp luật, chăm sóc y tế, thông tin ngư trường...
Theo Đại đoàn kết