21 tháng 12, 2010

Ðể kịp thời ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển

Từ giữa tháng 12 trở lại đây, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh và gió mùa đông bắc với cường độ mạnh, tàu thuyền hoạt động trên vùng biển nước ta đã xảy ra nhiều tai nạn, sự cố. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã kịp thời triển khai các hoạt động ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển.

Tai nạn liên tiếp
Tổng Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ, cho biết: Lúc 9 giờ 30 phút ngày 15-12, tàu cá QNg 7809 ở cách Quy Nhơn 330 hải lý, Nha Trang 305 hải lý, trên tàu có một thuyền viên bị bệnh nặng cần được trợ giúp y tế. Do vị trí tàu ở quá xa căn cứ, không có khả năng điều động phương tiện chuyên dụng để cứu nạn thuyền viên bị bệnh, Vietnam MRCC đã tổ chức tư vấn y tế từ xa và yêu cầu tàu tìm cách tiếp cận, đưa người bệnh lên đảo gần nhất để cấp cứu. Ðến 7 giờ 30 phút ngày 16-12, người bệnh đã được đưa lên đảo Song Tử Tây và được quân y trên đảo chữa trị. Chiều 16-12, nhận thông tin về việc hai tàu cá QNa 0164 và QNa 0855  có chín thuyền viên trên tàu, do sóng lớn bị gãy bánh lái, tàu buộc phải thả trôi trên  vùng  biển  Quảng  Ngãi trong điều kiện biển động mạnh, cần được cứu giúp, Vietnam MRCC điều tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 274 khẩn trương ra hiện trường tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Ðêm 16-12, cả hai tàu QNa 0855 và QNa 0164 đã được tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 274 lai kéo về bờ an toàn. Lúc 19 giờ ngày 16-12, trung tâm lại nhận được thông tin tàu cá QNg 22038, trên tàu có 10 thuyền viên bị hỏng máy, thả trôi cách Nha Trang khoảng 100 hải lý, trong điều kiện biển động mạnh. Trung tâm đã yêu cầu các tàu hoạt động gần đó tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tại chỗ và rạng sáng 17-12, tàu cá QNg 22038 đã được đưa về vị trí an toàn.
Ngày 17-12, hai tàu BTh 5525 và BTh 0601 bị hỏng máy thả trôi ở vùng biển Vũng Tàu, trên hai tàu có 15 thuyền viên. Tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 413 đã ra hiện trường đưa tám thuyền viên trên tàu BTh 5525 vào bờ an toàn. Còn tàu BTh 0601 cũng được tàu cá BV 5555 lai dắt về vị trí an toàn. Sáng sớm 17-12, tàu cá BV 4248 bị chìm cách Côn Ðảo 29 hải lý, chỉ có một thuyền viên được cứu, còn lại 21 thuyền viên mất tích. Do biển động mạnh, tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 272 không tham gia cứu nạn được. Tàu hải quân HQ 622 cùng các tàu KOTA RCSTV và HYPERION đã được huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn số thuyền viên bị mất tích. Chiều 18-12, tàu CENTRAN LUCKY quốc tịch Hồng Công (Trung Quốc) khi đang hành trình trên biển cách Vũng Tàu 170 hải lý có hai thuyền viên bị thương, cần đưa lên bờ cấp cứu. Do không có máy bay hoạt động cấp cứu, trung tâm đã hướng dẫn tàu chuyển hướng vào Vũng Tàu và điều động tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 413 ra đón và đưa hai thuyền viên đi cấp cứu tại bệnh viện. Còn tàu Phú Tân của Vinalines gặp nạn bị chìm, trung tâm đã huy động tàu Sông Châu 01 đang ở gần đó tham gia hoạt động cứu nạn, đồng thời thông báo cho tất cả các phương tiện hoạt động gần đấy tham gia tìm kiếm, đề nghị China MRCC cử phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Nhiều phương tiện chuyên dụng như tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411, SAR 273, HQ 629, VNL DYNAMIC cùng một số phương tiện chuyên dụng của China MRCC đã được huy động tìm kiếm thuyền viên tàu Phú Tân. Ðã có hai thuyền viên được cứu sống và một thuyền viên (đã chết) được tìm kiếm, 23 thuyền viên còn lại vẫn đang được triển khai tìm kiếm ở mức độ cao nhất, với sự tham gia của máy bay, tàu chuyên dụng, tàu Hải quân, Cảnh sát biển và một số tàu vận tải.

Phương tiện chưa đủ mạnh
Những thiệt hại về người, phương tiện và tài sản từ những tai nạn, sự cố nói trên được đánh giá là rất nghiêm trọng. Tuy đã được đầu tư trang bị một số tàu chuyên dụng, được các lực lượng, đơn vị liên quan triển khai cứu nạn ở mức độ cao nhất cả về lực lượng lẫn phương tiện, đã hỗ trợ, cứu được một số phương tiện và người về vị trí an toàn trong điều kiện thời tiết phức tạp nhưng nhìn chung, cả phương tiện và lực lượng vẫn gặp nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, để hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian tới có thể chủ động và đạt hiệu quả cao hơn, giảm các sự cố hỏng hóc đối với phương tiện tham gia hoạt động trên biển, nhất là trong tình huống thời tiết khắc nghiệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên biển để người dân tự giác chấp hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của chủ tàu, người điều khiển phương tiện khi đưa phương tiện ra biển, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Ðồng thời, tăng cường đầu tư thiết bị, phương tiện chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn phù hợp với tính chất và yêu cầu hoạt động này trên biển nước ta. Thời gian qua, do không có phương tiện đủ khả năng hoạt động trong điều kiện sóng to, gió lớn (cấp 7-8 trở lên) và hoạt động dài ngày trên biển, cho nên khi xảy ra các tình huống tai nạn sự cố của tàu Phú Tân, tàu QNg 7809, QNg 22038, BTh 5525, BV 4248,... trung tâm đành 'bó tay' vì tàu chuyên dụng cũng không có khả năng chịu được sóng to, gió lớn. Mặt khác, khoảng cách tai nạn, sự cố xa hơn 'tầm với' của tàu chuyên dụng, cho nên trung tâm cũng không thể điều động phương tiện chuyên dụng của mình tham gia kịp thời, mà phải chờ đến khi điều kiện thời tiết bớt nguy hiểm hay phương tiện bị nạn phải vào gần hơn thì mới điều động phương tiện ra cứu giúp. Ðiều này làm giảm tính kịp thời và hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Ðể nâng cao tính chủ động và khả năng tham gia hoạt động cứu nạn trên biển, các cơ quan chức năng nên xem xét, đầu tư trang bị cho Vietnam MRCC một số phương tiện, thiết bị chuyên dụng có khả năng chịu đựng sóng gió to hơn và thời gian hoạt động trên biển dài
ngày hơn (loại tàu tìm kiếm cứu nạn SAR dài 62 - 82 m, hoặc thiết bị dò tìm hồng ngoại...). Ðồng thời, thực hiện phương châm 'bốn tại chỗ' trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, bên cạnh yếu tố 'phương tiện tại chỗ' thì các yếu tố hậu cần, chỉ huy và lực lượng tại chỗ rất cần thiết. Ðiều này chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi do chính các trung tâm, trạm tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực xảy ra tai nạn, sự cố trên biển cung cấp và điều hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới các trung tâm, trạm điều hành, cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Vietnam MRCC nói riêng và hệ thống tìm kiếm, cứu nạn quốc gia còn quá xa về khoảng cách, gây nên sự chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ và điều hành hoạt động tại chỗ. Các cơ quan, các cấp có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, xem xét, thiết lập thêm hệ thống các trung tâm khu vực, trạm tìm kiếm, cứu nạn ven biển Việt Nam tại các khu vực nhạy cảm, để có thể thực hiện hiệu quả hơn hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Theo Nhân dân