Hệ thống thông tin Duyên hải có vai trò quan trọng giúp ngư dân và những người đi biển nắm bắt thông tin về mọi hoạt động trên biển, đồng thời giúp lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp cận một cách sớm nhất khi có sự cố xảy ra trên biển.
Mọi đối tượng đều được cung cấp thông tin
Ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hệ thống thông tin Duyên hải Việt Nam nằm trong hệ thống thông tin an toàn và cấp cứu hàng hải toàn cầu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công ty thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành khai thác. Đây là một hệ thống thông tin chuyên dùng ngành Hàng hải, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của tàu thuyền (thông tin liên lạc, dẫn đường, tìm kiếm cứu nạn…) hoạt động trên tất cả các vùng biển trong nước và quốc tế.
Hệ thống gồm 32 đài trạm, từ đài vệ tinh mặt đất đến các trạm VHF phát tự động, được lắp đặt trải dài dọc theo bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Kiên Giang. Hệ thống được trang bị đầy đủ thiết bị đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các tàu cá và tàu viễn dương trong và ngoài nước, với đội ngũ khai thác viên có trình độ kiến thức về nghiệp vụ chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện thống nhất theo các quy trình, tiêu chuẩn nghiệp vụ được cập nhật theo tài liệu quốc tế của các tổ chức Hàng hải Quốc tế...; đáp ứng tốt nhiệm vụ về thông tin cấp cứu, khẩn cấp, an toàn, an ninh hàng hải, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, là cầu nối thông tin liên lạc giữa Tàu - Bờ, Bờ - Tàu quen thuộc với mọi hoạt động trên biển. “Theo Công ước SAR 79 mà Việt Nam tham gia thì mọi đối tượng trên biển đều được cung cấp thông tin cũng như được bảo đảm an toàn tính mạng khi hoạt động trên biển”, ông Tiến nhấn mạnh.
Hiện nay, tất cả các tàu có thể thu nhận các thông tin an toàn, phòng ngừa rủi ro (cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển, an toàn hàng hải…) từ Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam bằng: Phương thức Thoại trên tần số 7906 kHz, 8294 kHz; Phương thức Navtex trên các tần số 490 kHz, 518 kHz, 4209.5 kHz; Phương thức Inmarsat EGC/ SafetyNet. Khi các tàu gặp tình huống khẩn cấp có thể gọi về Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam bằng cách: Đối với tàu cá là tần số 7903 kHz, Kênh 16 VHF; đối với tàu vận tải bằng DSC trên các dải tần 2, 4, 6, 8, 12, 16 MF/HF,VHF kênh 70; bằng Inmarsat - C; bằng Cospas-Sarsat 406 MHz.
Tàu cá, đối tượng hay bị nạn nhất
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, qua tổng hợp về tình hình hoạt động của các trung tâm tìm kiếm cứu nạn cho thấy, công tác cứu hộ, cứu nạn các đối tượng liên quan đến ngư dân và tàu cá Việt Nam chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số vụ việc mà đã tiến hành (khoảng 70 - 75%).
Nguyên nhân tàu cá hay gặp nạn trên biển là do năng lực chạy tàu, vì đa số máy tàu đều có công suất kém, chất lượng máy cũ, thói quen cố hữu của ngư dân là không kiểm tra động cơ trước khi ra khơi, không chuẩn bị đủ nhiên liệu cho các chuyến đi dài ngày. Kiến thức về kỹ năng vận hành khai thác tàu không được đào tạo bài bản dẫn đến khi hành trình trên biển gặp các sự cố như hỏng máy thả trôi, cháy nổ… Bên cạnh đó, tàu không được trang bị đầy đủ hoặc không trang bị các thiết bị thông tin liên lạc phù hợp cần thiết để báo nạn và đưa ra yêu cầu trợ giúp. Các thủy thủ tàu cá không được đào tạo về phòng ngừa tai nạn, sự cố, phòng chống cháy nổ, sơ cấp cứu y tế khi gặp tai nạn lao động trên biển.
Do đó, khi tàu thuyền xảy ra sự cố trên biển, việc đầu tiên cần làm là phát tín hiệu cấp cứu tới hệ thống các đài thông tin duyên hải bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh theo các phương thức phát cấp cứu đã được quy định. Hệ thống các đài thông tin duyên hải sẽ ngay lập tức chuyển thông tin trên tới các cơ quan chức năng tìm kiếm cứu nạn, đồng thời phát quảng bá trên các vùng biển nhằm yêu cầu các tàu trong khu vực lân cận tăng cường cảnh giới và trợ giúp tàu bị nạn. Sau đó, cần phải thiết lập một kênh thông tin liên lạc giữa hệ thống các đài thông tin duyên hải, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các tàu lân cận và tàu bị nạn để phục vụ cho việc cứu nạn tàu bị nạn.
Đài thông tin Duyên hải đã cung cấp thông tin dịch vụ công ích cho 7.694 lượt tàu, trong đó có hơn 6.000 tàu cá với 9.167 thuyền viên là người Việt Nam và 845 thuyền viên, thủy thủ người nước ngoài. Qua phân tích thì có 537.095 lượt thông tin được đưa lên sóng gồm cảnh báo hành hải, cảnh báo khí tượng, dự báo thời tiết biển và có gần 60.000 lượt thông tin về tìm kiếm cứu nạn được đưa lên sóng, thông báo cho các phương tiện.
Trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia hồi tháng 3/2014, ngay trong ngày 9/3 (chiếc máy may được thông báo mất tích từ 8/3), toàn bộ hành trình của máy bay, dấu hiệu cuối cùng trên sóng rada của phương tiện đã được thông báo trên Đài thông tin Duyên hải để ngư dân, tàu viễn dương, tàu cá, tàu tuần tra của Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng hoạt động trong vùng biển phía Nam đảo Thổ Chu, cũng như phía Đông đảo Phú Quốc tìm kiếm dấu hiệu của chiếc máy bay mất tích. Đây là một cuộc tìm kiếm mà Việt Nam đã huy động lực lượng hùng hậu nhất gồm hơn 10 máy bay các loại, gần 20 tàu quân sự, tìm kiếm cứu nạn và hàng trăm tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân cũng tham gia tìm kiếm trong đợt này.
Theo Tạp chí Giao thông vận tải