Không còn cái cảnh đơn thương độc mã giữa trùng khơi nữa, cộng đồng ngư dân giờ đây gần hơn đất liền hơn bao giờ hết. Trong những chuyến đi kéo dài hàng chục ngày, thậm chí cả tháng trời, họ luôn có những cộng sự đắc lực dõi theo.
“A lô, cho tui nói chuyện với ông Bê Xuân Hà…”, “tàu tui bị gãy trục láp, đang thả trôi, gió dữ lắm”, “thuyền viên của tui đau bụng ho ra máu, cần trợ giúp y tế”… Tất cả các cuộc gọi từ giữa biển khơi, cách đất liền hàng trăm hải lý đều được các khai thác viên của Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng (Da Nang Radio) xử lý một cách nhanh chóng. Giọng nói của đủ vùng miền phát ra đều đều từ hệ thống âm thanh khiến chúng tôi liên tưởng mình đang ở một âu thuyền hay một vùng đánh bắt nào đó mà tàu cá nằm san sát nhau.
Một ca trực bình thường có 4 khai thác viên, tiếp nhận và xử lý hàng trăm thông tin của ngư dân từ Quảng Bình vào đến Bình Định. Không chỉ nghe và nói đơn thuần, nhiều lúc họ còn trở thành người hướng đạo, bác sĩ tâm lý, là chỗ dựa đầu tiên trong cơn hoảng loạn khi ngư dân đối mặt với các tình huống sinh tử. Nếu tàu cần các thông tin thời tiết cập nhật, lập tức sẽ được cung cấp. Nếu là tàu bị hỏng máy, nhanh chóng tin báo của thuyền trưởng sẽ được truyền đến các tàu bạn và các đơn vị tìm kiếm cứu nạn trong khu vực. Nếu có thuyền viên bị đau, sẽ được nối máy để Trung tâm cấp cứu 115 trợ giúp y tế. Thậm chí muốn biết giá cá hiện tại trên thị trường, khai thác viên sẽ kết nối cho họ nói chuyện với người nhà.
Khai thác viên của Danang Radio theo sát hành trình của ngư dân trên biển.
Chị Trương Thị Quỳnh Thảo, khai thác viên có thâm niên 15 năm gắn bó với nghề “trực tổng đài” này tâm sự: “Hồi mới làm, thấy nó vừa nhàm lại vừa rối. Có khi đang nghe giọng của ngư dân Quảng Bình phải quay qua tiếp nhận cuộc gọi của ngư dân Bình Định, vừa nghe giọng Huế lại tiếp nhận thông tin của ngư dân Quảng Nam. Nhưng lâu dần thành quen, giờ có lúc vừa cầm máy đã biết người gọi tên gì, đang ở tàu nào rồi. Không biết mặt nhau, chưa từng gặp nhau nhưng chúng tôi luôn có cảm giác gần gũi, thân thương”.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng đã tiếp nhận và xử lý 44 vụ cấp cứu khẩn cấp, góp phần cứu hộ, cứu nạn cho 172 người gặp nạn trên biển. Phần lớn trong số này là ngư dân miền Trung.
Trong khi đó, với anh Lê Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ Khai thác, gần như anh có thể hình dung ra từng gương mặt, dáng người của ngư dân giữa các ngư trường rộng lớn. Nếu như những ngày bình thường, công việc của những con người nghe ngóng biển khơi từ trong phòng nhỏ có vẻ đều đều thì trước, trong và sau một cơn bão hay áp thấp nhiệt đới, ai cũng căng như dây đàn để liên tục nối máy, chuyển tần số tiếp nhận thông tin tấp nập từ giữa trùng khơi. Một kỹ năng rất quan trọng của khai thác viên là phải bao quát cùng lúc nhiều cuộc gọi để phân bổ đều về các máy, không bỏ sót bất cứ một thông tin nào. Tàu cá hỏng chân vịt chưa thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tàu hàng hỏng máy lênh đênh giữa biển, đâm va, nghiêng lật, mắc cạn, cháy nổ hay ngư dân đột ngột lên cơn đau…, tất cả được tiếp nhận, phân tích, đánh giá tình hình trước khi đồng thời phát quảng bá, kêu gọi trợ giúp.
Theo thứ tự ưu tiên, nếu tư vấn, hướng dẫn được thì đích thân các khai thác viên sẽ thực hiện những công việc ban đầu, nguy hiểm hơn thì ngay lập tức sẽ tiến hành nối máy cho Trung tâm cấp cứu 115 của Đà Nẵng và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC). Một thách thức không nhỏ đối với những người khai thác thông tin đó là chất lượng đường truyền sóng vô tuyến vào những lúc thời tiết khắc nghiệt. “Tàu cá nghe giọng chúng tôi rất rõ nhưng thông tin từ họ truyền về bị đứt quãng do thời tiết xấu. Chính vì vậy, những người làm nghề lâu năm phải tự tích lũy cho mình kỹ năng chắp nối, phán đoán và thậm chí là “hỏi thăm” các tàu cùng khu vực khi tàu bị nạn đang chập chờn”, chị Thảo kể.
Các thông tin về thời tiết, tình hình ngư dân được cập nhật 24/24.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng cho biết, tuy không phải là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ hỗ trợ bà con ngư dân tại hiện trường nhưng với các chức năng trực canh cấp cứu, phát các bản tin hàng hải, thông tin thời tiết và tìm kiếm cứu nạn, Da Nang Radio là nơi đầu tiên mà các chủ tàu cá miền Trung liên lạc mỗi khi gặp sự cố. Nếu vị trí gặp nạn của các tàu nằm gần đất liền của Việt Nam thì tùy mức độ nguy hiểm mà Trung tâm cấp cứu 115 và Danang MRCC sẽ vào cuộc.
Ngược lại, nếu tọa độ mà tàu gặp sự cố gần nước khác hơn thì Đài sẽ phát quảng bá Thông tin Cấp cứu – Khẩn cấp – An toàn bằng các phương thức nghiệp vụ trên sóng vô tuyến đến quốc gia đó đề nghị được giúp đỡ. Trong các trường hợp như thế này, khai thác viên vừa làm người hướng đạo, vừa làm phiên dịch cho cả tàu gặp nạn lẫn tàu cứu hộ của nước ngoài để cả hai tiếp cận nhau trong thời gian sớm nhất. Nhờ vậy mà trong những năm qua, nhiệm vụ phối hợp quốc tế trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển giữa ta với các nước láng giềng đã được thực hiện một cách hiệu quả.
Theo ông Dũng, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng cũng như Hệ thống các Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam trong thời gian qua đã thường xuyên phối hợp với BCH PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố, các đơn vị chức năng chuyên ngành như Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, BĐBP, Hải quân… để phục vụ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả thông tin cấp cứu, khẩn cấp. Công việc tiếp nhận và phát thông tin diễn ra nhanh chóng, chính xác, tiếp đó là phương án xử lý được thực hiện kịp thời nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi tai nạn xảy ra trên biển, nhất là bà con ngư dân miền Trung.
Theo Cadn.com.vn