Đài Thông tin duyên hải hay còn gọi là Vũng Tàu Radio có nhiệm vụ trực cấp cứu và phát các bản tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn tới những tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi. Cơ quan này còn được ví như chiếc “phao” không thể thiếu cho bà con ngư dân khi đánh bắt ngoài biển.
Với các phương thức thông tin liên lạc trên biển như: điện thoại, fax, sóng vô tuyến điện, sóng vệ tinh… Đài Thông tin duyên hải Vũng Tàu đang đáp ứng tất cả dịch vụ cấp cứu, tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi cấp cứu, khẩn cấp từ tàu thuyền hoặc phương tiện bị nạn trên biển, trong đó, tàu cá đánh bắt xa bờ là đối tượng được quan tâm nhất. Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền vận động để ngư dân trang bị các thiết bị đi biển đồng bộ với tín hiệu thu phát của đài, Vũng Tàu Radio còn tổ chức tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn các chủ ghe biết rõ các tần số trực canh cấp cứu và biết cách liên lạc với hệ thống các đài thông tin duyên hải của Việt Nam. Đối với mỗi ngư dân, từ nhiều năm nay, Vũng Tàu Radio trở thành người bạn đồng hành, thân thiết.
Ông Phạm Văn Huệ, Giám đốc Đài Thông tin duyên hải Vũng Tàu cho biết: “Trước khi vào mùa mưa bão, chúng tôi thường phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất từ nhân sự cho đến vật tư thiết bị cho công tác phòng, chống bão cũng như trực canh cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tần số 7903KHz là tần số mà 19 Đài Thông tin duyên hải trong cả nước đều phải trực canh. Ngoài ra, chúng tôi còn có tần số 7906KHz, là tần số phát các bản tin về áp thấp nhiệt đới, bão, các thông tin nói chung về thời tiết, cảnh báo hàng hải.”
Để đảm bảo thông tin liên tục với các tàu cá, hầu hết các nhân viên kỹ thuật của Đài đều trực 24/24h mỗi ngày. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh-Movimar” cũng đã được triển khai lắp đặt nên đã hỗ trợ cho các tàu trong trường hợp khẩn cấp; trợ giúp ngư dân hoạt động khai thác biển hiệu quả. Không chỉ vậy, thiết bị này còn giúp xác định được ngư trường có nhiều thủy hải sản hay vùng biển đang xảy ra mối nguy hiểm, nơi có bão… từ đó có thể định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc nơi tránh bão an toàn gần nhất.
Nói về vệ tinh Movimar, ông Phạm Trung Kiên, nhân viên kỹ thuật Vũng Tàu Radio cho biết: “Hiện tại, toàn tỉnh được lắp đặt 270 thiết bị. Tính đến tháng 6/2014, đã lắp đặt thành công 200 thiết bị cho bà con ngư dân. Thiết bị này hoạt động tương đối tốt, có khả năng báo mức độ sóng, gió, hướng di chuyển của cơn bão, cũng như khoảng cách cơn bão đến tàu. Bà con ngư dân quan sát qua thiết bị để biết đường đi của cơn bão và tìm cách trú ẩn an toàn.”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nhân viên Đài thông tin duyên hải chia sẻ về công việc: “Trong mùa mưa bão, ngoài các bản tin về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, khai thác viên sẽ phải phát thêm các bản tin về khí tượng. Khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, mỗi Đài Thông tin duyên hải phải phát 4 tiếng/lần. Ngoài ra, chúng tôi phải xử lý các thông tin tìm kiếm cứu nạn liên tục.”
Không chỉ thông tin tại vùng biển Việt Nam, Đài Thông tin duyên hải Vũng Tàu còn mở rộng tầm phủ sóng tận Campuchia và Lào. Chính vì thế, mỗi khi tàu cá gặp nạn có thể nhận được sự giúp đỡ từ phía nước bạn.
Tuy nhiên theo thống kê ngành chức năng, toàn tỉnh chỉ có khoảng trên 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ là trang bị máy Icom để thông tin với Đài duyên hải, con số này chỉ chiếm chưa đầy 1/3 so với số lượng tàu thuyền của tỉnh. Vì vậy, để ngư dân nhận thức được tầm quan trọng của việc thông tin liên lạc trên biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của chính mình, các cơ quan chức năng cũng cần sớm đưa ra quy định tàu thuyền đánh bắt hải sản phải có thiết bị thu nhận thông tin từ hệ thống thông tin duyên hải như một điều kiện bắt buộc về an toàn.
Theo brt.vn