Chương trình ra đời từ nhu cầu thực tế, vì khi đánh bắt ngoài biển xa, hầu như bà con ngư dân không còn liên lạc với báo chí, truyền thông. Đáng chú ý, thực hiện chương trình Thông tin Duyên hải là những đoàn viên thanh niên thuộc khối Phóng viên- Biên tập viên của Đài TNND TP cùng với đội ngũ khai thác viên từ Đài Thông tin Duyên hải TPHCM.
Chương trình đang trong giai đoạn thử nghiệm và được phát sóng vào tối thứ 3 hằng tuần, từ lúc 20g30 – 21g00, trên tần số 8294 Mhz, chế độ phát SSB. Ngư dân nghe được chương trình bằng máy I-COM, một thiết bị liên lạc được trang bị trên tất cả các tàu đánh bắt cá. Chương trình Thông tin Duyên hải đã phát sóng số đầu tiên vào ngày 3/9/2013 và đến nay đã phát được 36 số. Về những nỗ lực của Đoàn thanh niên trong việc thực hiện chương trình này, anh Nguyễn Hồng Phong, Bí thư Đoàn thanh niên Đài TNND TP (VOH) cho biết:
Đài Thông tin Duyên hải hiện có một tổ khai thác khoảng 20 người trực canh tần số 24/24 phục vụ nhu cầu thông tin của ngư dân. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc đài cho biết: Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện lãnh đạo hai Đài cùng nhóm thực hiện đã chia sẻ và trao đổi nhiều thông tin, cùng những giải pháp thực hiện, với quyết tâm xây dựng chương trình này ngày càng phong phú, lôi cuốn về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của các thính giả ngư dân trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Trong thời điểm này, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn tiếp tục hướng dẫn để ngư dân nắm chắc cách sử dụng thiết bị thông tin liên lạc sao cho hiệu quả. Một thực tế là trong quá trình tham gia sản xuất trên biển, ngư dân luôn phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn có thể gây thiệt hại về tính mạng, tài sản do bão lụt, gió lốc, tai nạn, sự cố mất an toàn. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân là rất nặng nề. Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải thành phố đã sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân ứng phó với mọi tình huống trên biển.
Với mong muốn ấy, Đài Thông tin Duyên hải TPHCM có nhiệm vụ trực canh, tiếp nhận và phối hợp xử lý các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, an toàn, an ninh trên biển cho tàu thuyền. Đồng thời thông báo cho ngư dân các bản tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo thời tiết nguy hiểm như bão gió, động đất, sóng thần, khu vực hạn chế hoạt động trên biển, hướng dẫn phòng tránh, trú bão an toàn.
Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải TPHCM là hệ thống thông tin chính thức, phổ biến thông tin liên lạc cho mọi hoạt động của con người trên biển. Gần đây, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp nên việc bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa tàu thuyền của ngư dân với đất liền là một một việc làm hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải TP mong muốn:
Bạn Trần Thị Ngọc Hiếu – một biên tập viên thời sự, một trong 4 nhóm trưởng tham gia chương trình đã bộc bạch: “Trường Sa - vốn đã rất đỗi thân thương và quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam, giờ lại càng gắn bó, thân thương hơn với tôi. Tôi luôn mơ ước và khát khao cháy bỏng được đặt chân lên những hòn đảo xinh đẹp, thiêng liêng của Tổ quốc để được mang những tình cảm chân thành và sâu sắc nhất tới những người đang ngày đêm canh giữ biển trời. May mắn đã đến là tôi đã đến với Trường Sa trong hành trình “Về với biển đảo quê hương” vào năm 2010. Cảm giác vui sướng xen lẫn háo hức vẫn còn đang mãnh liệt trong tôi cho tới bây giờ. Thế là ước mơ bấy lâu của tôi nay đã trở thành hiện thực. Và hôm nay thật là xúc động khi cùng các bạn đoàn viên thanh niên của đài thực hiện chương trình này, Ngọc Hiếu bày tỏ:
Cũng như Ngọc Hiếu, những người làm báo ở Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đều bày tỏ sự bức xúc về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Mọi người đều mong muốn đóng góp bằng chính khả năng của mình để có thể giúp đỡ thiết thực nhất những anh em nơi đảo xa đang chiến đấu từng ngày bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Trần Văn Thuận – Giám đốc, Tổng biên tập Đài TNND TP chia sẻ những người làm báo ở đài sẽ ra sức cống hiến trí tuệ, sức lực, tạo ra những sản phẩm phát thanh để phục vụ cho đồng bào, chiến sĩ. Mỗi nhà báo hãy cùng đồng hành với biển đảo quê hương thật nhiệt thành bằng những bài viết, hình ảnh sinh động về độc lập, chủ quyền lãnh thổ, ước nguyện hòa bình; lên án những kẻ có hành vi đe dọa, xâm phạm thềm lục địa và biển trời của Tổ quốc. Ông Trần Văn Thuận nói:
Biển đảo - một phần lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Nơi có những ánh mắt thân thương của ngư dân và chiến sĩ đang hướng về đất liền, canh giữ cho vùng trời Tổ quốc được bình yên. Dù biển đảo có xa muôn dặm, nhưng tình cảm thân thương của những người làm chương trỉnh vẫn luôn hướng về. Bởi việc bảo vệ và giữ gìn biển đảo quê hương là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc ý nghiã của chương trình, những người thực hiện chương trình Thông tin Duyên hải sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối với ngư dân và chiến sĩ, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng “Vì biển, đảo quê hương”.
Theo voh.com.vn