Thời điểm này, nhiều ngư dân Đà Nẵng vẫn tự tin vươn khơi khi bên cạnh họ là một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt nối biển với đất liền, đó là hệ thống Đài Duyên hải.
Anh Đặng Văn Cùng, thuyền trưởng tàu ĐN 77091-TS, Đà Nẵng vừa có một chuyến biển ra tận Hoàng Sa trở về. Dù không phải là tàu lớn, tàu của anh đã gặp tàu hải giám của Trung Quốc. Anh Cùng cho biết, ngoài động lực phải bám biển, anh còn khá yên tâm khi đi xa, đó là có thiết bị thu phát HF (bộ đàm).
Phần lớn ngư dân được hỗ trợ khi lắp đặt thiết bị này. Những tần số như cấp cứu hay nghe thời tiết, cảnh báo nguy hiểm đều được những ngư dân như anh Cùng coi như người thân. 10 năm qua nhờ có thiết bị này mà anh Cùng và các thuyền viên đã đi khắp các ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Anh Đặng Văn Cùng cho biết: Ở nhà thông báo là có tàu Trung Quốc, đừng ra nhưng tôi vẫn quyết định đi”.
Đến giờ, anh Lê Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu ĐN 90159-TS, Đà Nẵng vẫn nhớ như in chuyện tàu anh sau 1 tuần đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì xảy ra sự cố có thuyền viên bị đau ruột thừa. Chưa từng gặp trường hợp này, không có thuốc men và hiểu biết về bệnh nhưng thông qua thiết bị liên lạc trên tàu, anh đã gặp được trực tiếp bác sỹ. Chỉ sau 10 tiếng, bệnh nhân đã được đưa vào bờ và xử lý kịp thời.
Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng hiện có một tổ khai thác khoảng 20 người trực canh tần số 24/24 phục vụ nhu cầu thông tin của ngư dân. Anh Tuấn cho biết, nhẹ nhất là nối máy để ngư dân gặp người thân, còn ngoài ra thì có không ít bất trắc ngoài biển được chuyển về Đài nhờ giải quyết. Hiện Đài đã phối hợp rất chặt chẽ với Y tế, Biên phòng và Ủy ban Phòng chống lụt bão để hỗ trợ ngư dân.
Thời điểm này, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng vẫn tiếp tục hướng dẫn để ngư dân nắm chắc cách sử dụng thiết bị thông tin liên lạc sao cho hiệu quả. Với hơn 10 triệu đồng cho một bộ thiết bị thu phát HF, hiện phần lớn tàu cá đều đã được trang bị. Mỗi đội tàu còn có một máy định vị, những tàu bị hư hại hay gặp tai nạn ngoài biển sẽ được hỗ trợ 100% phí thiết bị thông tin.
Theo vtv.vn