Phòng tránh tai nạn và các mối nguy hiểm từ các hoạt động trên biển được Tổ chức Hàng hải quốc tế và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam chú trọng và ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng lãnh hải của Việt Nam.
An toàn hàng hải bị đe dọa
Thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải và Công ước bảo đảm an toàn sinh mạng trên biển, hàng loạt biện pháp phòng chống đâm va trên biển, nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn sinh mạng con người, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn hàng hải gây ra đã được Việt Nam triển khai. Theo lãnh đạo Cục Hàng hải VN, tai nạn đâm va là tai nạn xảy ra do đâm va giữa tàu biển với nhau, tàu biển với phương tiện thủy nội địa, tàu biển với thủy phi cơ hoặc giữa các phương tiện khác trên biển, trong vùng nước cảng biển.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng trong những năm gần đây, các vụ tai nạn hàng hải có xu hướng gia tăng. Có đến 90% các vụ tai nạn xảy ra là do nguyên nhân như: Mật độ cao, thời điểm xảy ra đâm va thường vào lúc trời tối, thời tiết xấu, sương mù dày hoặc do chủ quan không cảnh giới, không tuân thủ các quy định về an toàn, thiếu phương tiện cảnh báo như: Đèn, còi… và quan trọng là do ngư dân chưa nắm rõ kiến thức về hệ thống tín hiệu trong an toàn hàng hải.
Tại Việt Nam, các luồng hàng hải có nguy cơ xảy ra tai nạn cao như: Sông Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, vịnh Gành Rái - Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Lạch Huyện - Hải Phòng và vùng biển miền Trung. Các tuyến này có luồng hàng hải trùng với các tuyến vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển nơi có nhiều loại phương tiện cùng lưu thông.
Hiện nay, trong bối cảnh biển Đông đang “nóng” lên do Trung Quốc tăng cường tàu quân sự, hải giám, kiểm ngư, tàu cá bằng thép… để bảo vệ giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đặt trái phép vào vùng biển nước ta. Với chủ trương kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh pháp lý, Việt Nam tiếp tục duy trì các hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Thời gian qua, có nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tấn công và đe dọa khi đang hoạt động trên biển.
Mới đây nhất, khoảng 20h ngày 25/5/2014, tàu QNg 96180 TS đã liên lạc với Đài Thông tin Duyên hải Hải Phòng về việc 16h30 cùng ngày, tàu QNg 96180 TS cùng 7 ngư dân đang neo đậu đánh bắt thủy hải sản tại vị trí có tọa độ 20-28N 108-05E trong khu vực vùng biển Vịnh Bắc Bộ, bất ngờ bị 3 tàu không rõ danh tính đâm phải. Sau sự cố đâm va, tàu QNg 96180 TS bị chìm, 5 ngư dân đã được cứu an toàn, một ngư dân bị chết và một ngư dân bị mất tích trên biển. Thông tin này đã được Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam nhanh chóng thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương.
Đồng thời, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam đã thực hiện phát Thông tin Cấp cứu - Khẩn cấp - An toàn bằng các phương thức nghiệp vụ trên sóng vô tuyến yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát và hỗ trợ tìm kiếm ngư dân mất tích của tàu QNg 96180 TS. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam tiếp tục thông tin trợ giúp tìm kiếm ngư dân tàu QNg 96180 TS.
Phòng chống đâm va trên biển
Theo ông Nguyễn Hoàng Huyến - Trưởng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (Bộ GTVT), để giảm thiểu các vụ tai nạn do đâm va, bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển, các tàu và người đi biển cần phải tuân thủ nghiêm ngặt Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển, lưu ý thực hiện tốt quy định an toàn hàng hải về luồng, đèn - còi báo hiệu, chạy đúng tốc độ, đặc biệt là trong điều kiện sương mù, tầm nhìn hạn chế và khi trời tối. Đồng thời, các tàu phải luôn bố trí người trực canh, cảnh giới để phòng ngừa tai nạn.
Ngoài các giải pháp về chỉ dẫn hàng hải, hoa tiêu… thiết bị VHF DSC là lựa chọn linh hoạt tối ưu cho việc phòng tránh đâm va trên biển. Một số quốc gia xem đây là giải pháp quan trọng và đã đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn cho thuyền viên của họ sử dụng chức năng gọi chọn số DSC của thiết bị VHF DSC trên tàu để yêu cầu bắt liên lạc với tàu phía trước. Thiết bị VHF DSC trực canh liên tục trên kênh 70 (156.525 MHz) và được coi là hệ thống chính cho tàu thuyền hoạt động tại các vùng gần bờ (từ 30-50 hải lý). Thông tin gặp nạn của tàu sẽ được truyền về Trung tâm tìm kiếm cứu nạn để xử lý. Khi đang trên hành trình, các thông tin nhận được qua liên lạc VHF sẽ giúp các tàu nhận biết được sự có mặt của nhau, nhận biết được tình hình giao thông tại khu vực, nhất là sự di chuyển của những tàu lớn. Các tàu có thể nhận được những thông tin này từ trạm VHF trên bờ. Các tàu dùng VHF phải sử dụng “những thành ngữ hàng hải tiêu chuẩn của IMO” để liên lạc giữa các tàu và chỉ được chấp nhận khi các tàu nhận biết được ra nhau một cách chắc chắn và hành động thỏa thuận qua liên lạc bằng VHF.
Bên cạnh đó, trong quá trình hành trình trên biển, các tàu thuyền phải trang bị rất nhiều biện pháp để phòng ngừa đâm va. Một trong số đó là các loại đèn trên tàu để phòng ngừa đâm va như: Đèn cột, đèn mạn, đèn lái, đèn lai dắt, đèn chiếu sáng, đèn chớp.
Đây là 5 loại đèn mà tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa và thủy phi cơ Việt Nam hoạt động trong vùng cảng biển, luồng hàng hải, trên các vùng biển Việt Nam cũng như tàu biển nước ngoài hoạt động trong vùng cảng biển, luồng hàng hải, trên các vùng biển Việt Nam bắt buộc phải trang bị. Vì mục đích phòng ngừa đâm va, các loại đèn này phải được thắp sáng từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc và trong suốt khoảng thời gian này không được trưng các loại đèn khác có thể gây nhầm lẫn với các đèn này hoặc làm giảm tầm nhìn xa, gây ảnh hưởng đến đặc tính riêng biệt hoặc gây trở ngại cho việc cảnh giới. Các loại đèn này phải được áp dụng trong mọi điều kiện thời tiết.
Theo atgt.vn