Liên tiếp những vụ va chạm giữa các phương tiện tàu, thuyền trên khu vực biển, hải cảng thành phố trong thời gian qua gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến luồng lạch ra, vào cảng của các phương tiện tàu, thuyền.
Chìm 3 tàu cùng hàng nghìn tấn khoáng sản
Hồi 4 giờ 30 phút ngày 20-3-2014, khi đang hành trình trên khu vực biển Cát Bà, do tầm nhìn hạn chế, tàu Pacific Express chở container (quốc tịch Việt Nam) của Công ty cồ phần Gemadept, ở số 6 Lê Thánh Tông, Quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh) đâm vào tàu cá QN 90219 PS. Vụ va chạm làm tàu cá QN 90219 PS cùng 7 tấn cá và 3 tạ mực vừa đánh bắt chìm tại chỗ, 7 thuyền viên trôi dạt trên biển.
Trước đó, ngày 18-3, tàu NĐ 2748 bị tàu Sài Gòn Princess đâm chìm trên khu vực ngã ba sông Bạch Đằng. 4 thuyền viên của tàu được cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm tra, giám sát trên sông, vịnh tổ chức tìm kiếm, đưa vào bờ an toàn. Hơn 1 nghìn tấn Clanh-ke trên tàu bị chìm xuống sông. Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ngày 27-2, tàu Phú Sơn 26 chở gần 3 nghìn tấn bột sắt và tôn bị tàu Nghĩa Hải 2 đâm chìm ở khu vực phao số 0, luồng ra, vào cảng Hải Phòng. Tổ cứu hộ, cứu nạn Đồn biên phòng Cát Bà nhanh chóng triển khai lực lượng, cứu được toàn bộ 9 thuyền viên tàu Phú Sơn 26, sau hơn 1 giờ trôi dạt trên biển.
Thiếu tá Hoàng Thanh Hải, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Cát Bà, người trực tiếp chỉ huy tìm kiếm cứu nạn 9 thuyền viên tàu Phú Sơn 26 cho biết: “Những vụ va chạm trên biển gần đây không gây thiệt hại về người, nhưng đáng lo ngại là xác tàu và lượng khoáng sản bị chìm nếu không được trục vớt, có thể sẽ trở thành chướng ngại vật trên hệ thống luồng, lạch, cản trở phương tiện tàu, thuyền ra, vào cảng”. Thực tế, năng lực trục vớt của các đơn vị liên quan rất hạn chế. Như vụ chìm tàu Phú Sơn 26, tổng giá trị tàu và hàng thiệt hại ước tính hơn 40 tỷ đồng, chưa kể chi phí trục vớt. Sau khi làm việc với các bên liên quan, lãnh đạo Công ty TNHH vận tải Nghĩa Hải (chủ sở hữu tàu Nghĩa Hải 2) thừa nhận đây là khoản kinh phí quá sức đối với công ty, nếu tham gia trục vớt, công ty chỉ còn nước phá sản. Như vậy là xác tàu cùng hàng nghìn tấn khoáng sản vẫn nằm im dưới đáy biển, nguy cơ lớn đối với các phương tiện ra, vào cảng Hải Phòng.
Sẵn sàng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn
Thiếu tá Nguyễn Duy Chiến, Thuyền trưởng tàu BP 020402 (Trạm kiểm tra, giám sát trên sông, vịnh) cho biết: “Các vụ va chạm hàng hải thường xảy ra vào đêm tối. Nguyên nhân chính được xác định là điều kiện thời tiết khá phức tạp, trời nồm ẩm, sương mù nhiều khiến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện bị hạn chế. Thêm vào đó, điều kiện luồng lạch phức tạp, nhiều bãi bồi cũng ảnh hưởng đến khả năng hành trình của phương tiện”.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình sương mù còn kéo dài đến trung tuần tháng 4. Nếu không chủ động phòng ngừa, tình trạng va chạm hàng hải có thể tiếp tục xảy ra, nhất là ở khu vực có phương tiện chìm nhưng chưa được trục vớt. Đại tá Phan Văn Quang, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố cho biết: “Đơn vị đang phối hợp với Cảng vụ Hải Phòng và Đài thông tin duyên hải Hải Phòng phát bản tin cảnh báo an toàn trên sóng VHF và thông báo trực tiếp cho các phương tiện vị trí xảy ra các vụ va chạm để chủ động quan sát, tránh khi hành trình qua khu vực trên”. Các phương tiện cũng nên áp dụng triệt để những quy tắc tránh đâm va như mở tín hiệu còi sương mù, phát đèn vàng, kiểm soát hành trình trên sóng ra-đa. Bên cạnh đó, khi qua khu vực này, các tàu nên bố trí thuyền viên ra mũi tàu quan sát thực tế, phát hiện chướng ngại vật.
Ngoài ra, để chủ động trong công tác tìm kiếm cứu nạn, các đơn vị biên phòng đóng quân dọc theo tuyến cảng, biển của thành phố cũng duy trì thường trực lực lượng và phương tiện tàu, xuồng cao tốc, sẵn sàng xuất kích khi xảy ra tình huống xấu.
Năm 2013, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐPB) thành phố điều động 90 lượt phương tiện, 304 lượt cán bộ, chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn thành thông 33 vụ, 19 phương tiện, 133 người, trong đó có 7 vụ va chạm hàng hải.
Theo Báo Hải Phòng