18 tháng 7, 2013

Quản lý tàu thuyền bằng thiết bị SeaGateway

Chủ trương nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống thông tin hiện đại để tăng cường quản lý tàu thuyền đánh cá trên biển không chỉ nhằm bảo vệ an toàn người và phương tiện cho ngư dân, phát triển nghề cá hiện đại mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng 3 hệ thống thông tin chính trên vùng biển, đó là: Hệ thống thông tin di động GSM thông thường cung cấp thông tin gần bờ - dưới 15km; hệ thống thông tin vệ vinh (Inmarsat, Vinasat) có khả năng vùng thông tin rộng lớn nhưng chi phí cao, không phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn ngư dân; hệ thống thông tin duyên hải dùng sóng Radio HF,VHF, vốn được dùng phổ biến của ngư dân thì khả năng kết nối và quản lý hạn chế không đáp ứng được quy mô của các tàu cá hiện nay.
Tổng cục Thủy sản đang hợp tác với các tổ chức về công nghệ, viễn thông để tìm ra giải pháp khả thi để đáp ứng các yêu cầu quản lý tàu thuyền đánh cá trên biển. Trong đó, giải pháp hệ thống thông tin quản lý tàu thuyền đánh cá trên biển của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang được các chuyên gia của Tổng cục Thủy sản xem xét đánh giá.
Theo Cty Cổ phần HTSV, đơn vị xây dựng giải pháp, mục tiêu của hệ thống thông tin đã xây dựng hướng tới là cung cấp hệ thông thông tin cho ngư dân với chi phí hợp lý, xây dựng hệ thống quản lý trong bờ cho 28 tỉnh ven biển và kết nối hệ thống quản lý với các hệ thống hỗ trợ nghề cá khác.
Giải pháp tổng thể được đưa ra sẽ phủ sóng thông tin di động GSM toàn bộ vùng ven biển đến 100km bằng bộ khuếch đại công suất Booster MCPA mà VNPT đã thực hiện phủ sóng toàn bộ vùng lộng). Đồng thời, trang bị thiết bị SeaGateway do VNPT sản xuất trên tàu là thiết bị đa kết nối có thể sử dụng linh hoạt kết nối với mạng GSM/GPRS cự ly tới 100km, hệ thống định vị GPS và sóng Radio (HF/VHF) dùng cho vùng ngoài mạng GSM. Ngoài ra, giải pháp còn xây dựng hệ thống quản lý tàu thuyền tại Hà Nội và các máy trạm đặt tại 28 tỉnh duyên hải. Hệ thống sẽ được kết nối với trung tâm điều khiển tích hợp thông tin hàng hải.
Đáng chú ý, tính năng của thiết bị đầu cuối SeaGateway bao gồm GPS định vị toàn cầu xác định vị trí tàu thuyền, gửi thông tin ngoài khơi về hệ thống quản lý trong đất liền. Đồng thời, sử dụng GSM trong khi tàu thuyền nằm trong vùng phủ của các trạm BTS tới 100km. Thiết bị này cũng sẽ kết nối với hệ thống viễn thông duyên hải bằng cách giao tiếp với các thiết bị liên lạc vô tuyến như VERTEX, ICOM qua sóng Radio để giữ liên lạc với các tổng đài thông tin duyên hải ven bờ và kết nối với hệ thống quản lý tập trung trên bờ thông qua GSM/GPRS.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả thử nghiệm trên các tuyến trên biển đã cho thấy, thiết bị SeaGateway đáp ứng được các nhu cầu sử dụng trên biển của ngư dân như gọi điện, nhắn tin SMS, truyền dữ liệu GPRS. Đồng thời, giải pháp truyền dữ liệu GPS qua GPRS và Server, cùng hệ thống phần mềm phân tích và xử lý dữ liện của VNPT đáp ứng được yêu cầu của một công cụ quản lý phương tiện trên biển. Trong suốt toàn bộ các hành trình, hệ thống quản lý trên bờ đã nhận được các dữ liệu tọa độ GPS của tàu thuyền về qua kết nối GPRS và sử dụng các dữ liệu đó vẽ được hành trình của tàu trên bản đồ số. Như vậy, đây là một giải pháp quản lý hệ thống thông tin tàu thuyền đánh cá trên biển khả thi.
Theo đề xuất của ông Nguyễn Đình Tuấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Tổng cục Thủy sản và VNPT cần ký thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng dự án hệ thống thông tin và quản lý tài nguyên biển. Chi phí xây dựng hệ thống quản lý tàu và mở rộng vùng phủ sóng từ ngân sách và một phần vốn đầu tư của doanh nghiệp. Tổng cục Thủy sản và 28 tỉnh duyên hải thực hiện quản lý chủ quản và vận hành hệ thống quản lý tàu trên đất liền. Đồng thời, các chủ tàu được hỗ trợ một phần kinh phí để trang bị SeaGateway. Còn, VNPT sẽ phục vụ dịch vụ thông tin cho ngư dân với các gói cước phù hợp.

Theo http://www.thanhtra.com.vn