Tổ chức ngư dân hoạt động theo tổ đội là đòi hỏi của thực tiễn nhằm tạo điều kiện trao đổi thông tin ngư trường, giảm chi phí nhiên liệu, tăng thời gian bám biển và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khi gặp tai nạn hoặc sự cố trên biển.
Bạc Liêu có 56 km chiều dài bờ biển với diện tích ngư trường gần 5.000 km2, vùng biển có nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, điều kiện thời tiết nói chung thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản đa nghề quanh năm. Với gần 1.200 tàu cá, sản lượng khai thác hằng năm của Bạc Liêu đạt gần 100.000 tấn.
Giống như các địa phương khác, nghề cá Bạc Liêu mang nặng tính tự phát, sản xuất chủ yếu là sản xuất đơn lẻ theo kiểu truyền thống, ở quy mô hộ gia đình. Đặc điểm đó gây nhiều bất lợi về kinh tế và an toàn của ngư dân trong quá trình sản xuất, đặc biệt là những lúc có thiên tai, sự cố, tai nạn, hay khi bị tàu thuyền nước ngoài uy hiếp. Hơn nữa, gần đây, chi phí sản xuất ngày càng cao do giá xăng dầu và vật tư nguyên liệu đầu vào tăng, cùng với sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở vùng gần bờ đã làm cho hiệu quả sản xuất thấp, nhiều thuyền nghề khó khăn, đời sống ngư dân bị ảnh hưởng lớn.
Để khắc phục những hạn chế trên, từ trước những năm 2000, một số tổ, đội khai thác đã được hình thành một cách tự phát, với những người là họ hàng hoặc bạn bè, tự thoả thuận theo điều kiện và thời điểm cụ thể, không có hợp đồng hợp tác và cũng không có chứng thực của chính quyền địa phương.
Sự hình thành các tổ, đội trên tuy không chính thức nhưng cũng đã mang lại hiệu quả nhất định, như giúp nhau chuẩn bị vật tư theo từng chuyến biển, cùng tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, rủi ro. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ, đội này không ổn định, không có quy chế nên dễ phát sinh mâu thuẫn quyền lợi dẫn đến dễ bị tan rã.
Năm 2009, Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 22/4/2009 về việc thành lập các tổ, đội khai thác hải sản trên biển. Vai trò chính của các tổ, đội này là kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin về thiên tai, tai nạn trên biển; phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất trên biển; giữ gìn an ninh trật tự trên biển; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND đã chứng minh đó là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân, vì vậy đã nhanh chóng đi vào thực tế cuộc sống. Nếu trong 2 năm 2009 - 2010 toàn tỉnh mới có 8 tổ với 38 tàu, thì đến năm 2011 đã có 27 tổ với 150 tàu. Đến 6 tháng đầu năm 2012 số tổ sản xuất trên biển đã nhanh chóng tăng lên đến con số 45, với sự tham gia của 250 tàu cá, chiếm 21,2% tổng số tàu khai thác của cả tỉnh và hơn 1.500 lao động. Nghề lưới kéo có 18 tổ, tàu công suất từ 90CV trở lên; nghề lưới rê có 27 tổ, trong đó 22 tổ tàu có công suất từ 90CV trở lên.
Việc thành lập các tổ đoàn kết có quy trình, thủ tục chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện của chủ thuyền. Tiêu chí cơ bản để hình thành tổ là tàu thuyền cùng nghề, hoạt động cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, có quan hệ dòng họ, thân thích với nhau. Tối thiểu mỗi tổ đoàn kết khai thác hải sản phải có 3 tàu tham gia.
Ông Lê Đồng Dương – Chi cục trưởng Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết, các tổ khai thác được chính quyền địa phương ưu tiên xét hỗ trợ trang thiết bị thông tin. Những tổ viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro khi khai thác trên biển, nếu khôi phục sản xuất lại sẽ được địa phương xét hỗ trợ trang bị máy thu trực canh phục vụ dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai trên biển. Mỗi tổ được dự án MOVIMAR hỗ trợ trang bị 1 máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh để theo dõi, giám sát hoạt động trên biển.
Mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, việc hình thành và quản lý hoạt động của các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo ông Dương, những khó khăn, vướng mắc chính liên quan đến cả những yếu tố khách quan như sự quản lý của chính quyền địa phương, hay sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan và cả những yếu tố chủ quan của các tổ, đội.
Việc thành lập các tổ đội sản xuất trên biển góp phần bảo đảm bảo an toàn cho ngư dân, nâng cao năng suất và hiệu quả khai thác thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Ảnh: Hải Thọ
Chính quyền địa phương cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý, chỉ đạo thành lập và phát triển các tổ, đội khai thác thủy sản, chưa đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức thấu đáo chủ trương chung của Nhà nước, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia các tổ, đội sản xuất, vì vậy tại một số địa phương ngư dân chưa thật sự quan tâm đến hình thức tổ chức mới.
Ngân hàng chưa có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp các tổ, đội khai thác thủy sản có điều kiện cải hoán tàu thuyền, đầu tư nghề mới, mua sắm trang thiết bị cũng như mạnh dạn ra khơi tìm kiếm ngư trường mới.
Một số tổ, đội được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng với quy ước, quy chế chung nên hiệu quả không cao. Ngư dân vẫn bảo thủ về tư tưởng trong việc giấu ngư trường khai thác, không khai báo toạ độ với cơ quan chức năng… gây trở ngại trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ảnh hưởng đến việc gọi tàu thuyền về bến khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
Địa phương chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác. Các tổ, đội chưa liên kết với nhau để ký kết hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp sản phẩm cho các nhà máy chế biến thuỷ sản để tránh bị chủ nậu, vựa ép giá.
Giữa các tổ, đội cũng chưa có sự phối hợp với nhau trong quản lý thuyền viên; chủ tàu và thuyền viên chưa có hợp đồng lao động theo quy định nên thường xuyên dẫn đến tình trạng thuyền viên bỏ tàu.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Dương, trước mắt Chi cục KT&BVNLTS tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội nhằm phát triển mạnh hình thức này, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển; phổ biến các kinh nghiệm về tổ chức triển khai mô hình tổ, đội; chọn lựa các mô hình hiệu quả để nhân rộng ra toàn tỉnh.
Đồng thời, sẽ tăng cường tập huấn cho thuyền trưởng các tổ, đội về luật pháp quốc tế và Việt Nam liên quan đến khai thác hải sản; kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển; kỹ thuật tự vệ khi có cướp biển, tàu nước ngoài tấn công. Bên cạnh đó cần có chính sách khen thưởng động viên kịp thời cho các cá nhân và tổ, đội đạt thành tích trong việc cứu nạn, hỗ trợ khai thác trên biển, các mô hình tổ, đội tiên tiến trong sản xuất trến biển; ưu tiên và khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền công suát lớn để đánh bắt hải sản xa bờ.
Về phía ngân hàng, cần có chính sách thiết thực hỗ trợ ngư dân vay tín dụng ưu đãi hoặc ký kết các chương trình cho vay theo cơ chế phù hợp để ngư dân nâng cấp tàu đủ tiêu chuẩn vươn ra khơi khai thác.
Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành quy định quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động theo mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên biển; Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản và các chính sách an sinh xã hội cho ngư dân, nhất là ngư dân nghề cá nhỏ, khai thác ven bờ.
Bộ NN&PTNT cũng cần xúc tiến đàm phán với các nước trong khu vực về việc đưa tàu tham gia khai thác ở các vùng biển nước ngoài nhằm giảm tải cường lực khai thác tại các ngư trường trong nước.
Theo vietfish.org