1 tháng 1, 2013

Thảm nạn tàu cá ở Cồn Sẻ

Ngày 31.12, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi, ngư dân thôn Cồn Sẻ đã tìm được 1 thi thể bạn tàu.

Thời tiết xấu khiến việc tìm kiếm 14 (không phải 15 như thông tin ban đầu) ngư dân mất tích trên tàu cá mang số hiệu QB 93714 TS do anh Nguyễn Phong (ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, H.Quảng Trạch) làm thuyền trưởng bị chìm gặp nhiều khó khăn.
Tại cửa sông Gianh thuộc xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, trời rất rét, gió mạnh, sóng biển dữ dội. Thiếu tá Ngô Văn Bình - Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh - cho biết lực lượng biên phòng đã phối hợp với ngư dân địa phương tổ chức đi bộ tuần tra, tìm kiếm dọc 15 km bờ biển. Tất cả 14 ngư dân trên tàu bị nạn đều ở thôn Cồn Sẻ. Ngay sau khi có thông tin tàu gặp nạn, tổ đoàn kết thôn đã huy động gần như tất cả tàu thuyền đi tìm kiếm.
Thời điểm tàu gặp nạn khoảng 3 giờ sáng 30.12, như vậy đã trải qua hơn 1 ngày đêm trên biển trong thời tiết rất lạnh nên khả năng sống sót của 14 ngư dân là rất thấp. Tuy vậy, ngư dân Cồn Sẻ quyết tâm tìm kiếm với suy nghĩ không cứu được người thì cũng phải tìm được thi thể.
Đến 17 giờ chiều 31.12, các thuyền của thôn Cồn Sẻ đã tìm thấy và đưa được thi thể nạn nhân Mai Khương Duy vào bờ tại cảng Hòn La.

Nỗi đau mất người thân
Chúng tôi về Cồn Sẻ trong cái lạnh như cứa vào da thịt. Vừa đến sân nhà của anh Nguyễn Phong, đã nghe tiếng than khóc não nề. Mọi người đang động viên chị Cao Thị Trang (vợ anh Nguyễn Phong) và 3 đứa con. Ngoài chồng, em bên chồng thì một người em trai của chị Trang cũng đi trên tàu là anh Cao Lộc. Cháu Tha - đứa con thứ 2 của anh chị - nghẹn ngào kể: “Khoảng 9 giờ tối (ngày 29.12), ba có gọi điện thoại về nói mấy chị em cầu nguyện cho ba với, sóng dữ lắm, rồi ba tắt máy”.
Phần lớn trong số 14 ngư dân là anh em một nhà. Đó là 6 người con của vợ chồng ông bà Nguyễn Tính và Phạm Thị Hòa gồm: 4 người con trai Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Quang Hùng và 2 người con rể Mai Thanh Bình và Nguyễn Kiểu. Trong đó, chỉ có Hùng (18 tuổi) là chưa có gia đình, còn lại nhà đông như anh Lưu có 5 người con, ít thì 1 người và đều nhỏ dại. Đứa con của anh Kiểu mới được 10 tháng.

Cứu nạn khó khăn
Mặc dù vị trí chìm tàu chỉ cách cửa Gianh khoảng 6-7 hải lý và được báo tin kịp thời, ở đó có 2 đơn vị biên phòng là Hải đội 2 và Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh, cùng với Cảng vụ Quảng Bình đồn đóng nhưng khi có sự cố thì lực bất tòng tâm. Do điều kiện sóng to gió lớn, 2 tàu biên phòng không ra được nên tàu SAR 411 được điều động từ Nghệ An vào. Tuy nhiên, khi tàu SAR 411 vào được đến nơi (chiều 30.12) thì đã quá trễ. Trời tối, tàu về neo đậu trước cửa sông Gianh, theo kế hoạch tàu sẽ tiếp tục ra tìm kiếm vào ngày hôm sau nhưng do vị trí neo đậu quá gần bờ, lại nằm trong khu vực bị bồi lấp, mực nước thấp nên đến sáng 31.12 tàu không thể nhổ neo chạy. Nếu chạy thì có nguy cơ gãy chân vịt. Thế nên tàu này nằm đó suốt ngày 31.12.
Hai tàu biên phòng không ra được vì kết cấu đáy tàu nhỏ đứng, dễ chiềng trong điều kiện sóng dữ trong khi tàu của Cảng vụ Quảng Bình dễ chạy hơn lại không được điều động. Mãi đến hơn 15 giờ ngày 31.12, tàu của Cảng vụ mới được nhắc đến và điều chạy. Nhưng sự điều hành chỉ đạo không đồng bộ khiến tàu này phải quay lại vào cầu cảng để đón lực lượng quân y khi đã ra ngoài biển. Hiện đội tàu 12 chiếc của thôn Cồn Sẻ vẫn tiếp tục tìm những ngư dân còn lại.

Theo Thanh niên