Số vụ phao EPIRB trang bị trên tàu biển phát tín hiệu báo nạn giả chiếm tới 99%, gây ra những khó khăn và tốn kém không nhỏ cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam.
Bài học từ tàu Thanh Thành Đạt 27
Từ 22 giờ 25 phút ngày 11-9-2012 đến 0 giờ 40 ngày 12-9-2012, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Việt Nam (Vietnam MRCC) liên tiếp nhận thông tin từ đài LUT/HAIPHONG và US Coast Guard - khu vực Guam thông báo về tín hiệu báo nạn từ phao EPIRB có số nhận dạng MMSI 574012619 không rõ tính chất bị nạn. Phối hợp với Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng, Vietnam MRCC xác định được phương tiện phát tín hiệu báo nạn là tàu Thanh Thành Đạt 27 thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, trụ sở đóng tại TP. Vinh-Nghệ An. Tuy nhiên, việc cố gắng tìm cách liên lạc trực tiếp với tàu Thanh Thành Đạt 27 không thực hiện được, vì tàu không đăng ký thiết bị thông tin liên lạc.
Sau khi có xác minh thông tin, Vietnam MRCC điều tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 thuộc HaiPhong MRCC rời cầu cảng Hải Phòng đi tìm kiếm cứu nạn. Sau đó 3 giờ, tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 liên lạc được với tàu Pacific Pearn (chủ tàu Công ty GEMADEPT) và tàu này cung cấp thông tin xác nhận việc đã nhận được thông báo hàng hải từ đài Thông tin duyên hải Hải Phòng về việc tàu Thanh Thành Đạt 27 bị nạn. Tàu Pacific Pearn đã liên lạc qua VHF và được tàu Thanh Thành Đạt 27 xác nhận phao EPIRB của tàu bị lỗi. Sau khi thông tin về việc tàu Thanh Thành Đạt 27 an toàn, tàu SAR 411 đã được lệnh quay về.
Theo tường trình của thuyền trưởng tàu Thanh Thành Đạt 27, lúc 0 giờ 50 ngày 12-9, phát hiện ra phao EPIRB của tàu đang hoạt động phát tín hiệu báo nạn, thuyền trưởng đã xử lý bằng cách tháo pin ra không để cho phao tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, sau đó thuyền trưởng tàu Thanh Thành Đạt 27 không tìm mọi biện pháp để thông báo hủy tín hiệu báo nạn theo quy định bắt buộc, mặc dù trên tàu có các thiết bị thông tin liên lạc khác. Thậm chí, khi tàu Pacific Pearn liên lạc qua VHF để nắm tình hình thì tàu cũng xác nhận lỗi của phao EPIRB, tàu vẫn an toàn, tuy nhiên, thuyền trưởng tàu Thanh Thành Đạt 27 không nhờ tàu Pacific Pearn thông báo hủy tín hiệu báo nạn hộ. Điều này cho thấy nhận thức và trình độ của thuyền trưởng nói riêng và thuyền viên tàu Thanh Thành Đạt 27 rất hạn chế.
Đáng nói là, khi tàu Pacific Pearn đã phát hiện thấy tàu Thanh Thành Đạt 27 qua AIS (hệ thống nhận dạng tự động) vẫn an toàn, nhưng tàu này lại không thông báo ngay cho cơ quan chức năng, chỉ đến khi nhận được tín hiệu hỏi của tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 thì tàu Pacific Pearn mới cung cấp thông tin, mà lẽ ra tàu phải thông báo trước đó 3 giờ.
Chủ quan gây lãng phí lớn
Theo các cơ quan chức năng, việc tàu phát tín hiệu cấp cứu thì các tàu thuyền hoạt động trong khu vực và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực sẽ phải điều động phương tiện đến trợ giúp. Việc có phát tín hiệu trợ giúp trong tình trạng vẫn an toàn không chỉ gây thất thoát, lãng phí về nhiên liệu cho các lực lượng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý không tốt cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Điều này cần tuyệt đối tránh, vì báo tai nạn giả nhưng sau đó nếu lỡ có thật thì liệu các lực lượng trợ giúp còn tin(?).
Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống phao EPIRB hoạt động phát tín hiệu là sự kém hiểu biết về sử dụng của thuyền viên trên tàu. Đây là hệ thống vệ tinh được thiết kế để thu nhận các báo động cấp cứu dữ liệu về vị trí để trợ giúp các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Khi được kích hoạt, phao EPIRB sẽ phát tín hiệu lên vệ tinh để chuyển tiếp về Trạm mặt đất (LUT) xử lý và# từ đó sẽ xác định được vị trí của phao. Do vậy, khi phao được vô tình kích hoạt, nếu không báo hủy kịp thời sẽ ảnh hưởng cho các đơn vị tìm kiếm cứu nạn. Mặt khác, khi phao đang phát tín hiệu rồi đột ngột ngắt (như trường hợp tàu Thanh Thành Đạt 27 tháo pin) sẽ khiến lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải khẩn trương hơn.
Tàu Thanh Thành Đạt 27 bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính nghiêm khắc, song việc tàu Pacific Pearn không thông báo kịp thời những thông tin tiếp theo sau khi phát tín hiệu báo nạn giả, gây tốn kém về công sức, tiền của của xã hội. Các cơ quan có trách nhiệm cần phải có những biện pháp đào tạo, huấn luyện, giáo dục để nâng cao trình độ chuyên môn hàng hải, nhận thức về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển của đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.
Theo báo Hải Phòng