Trước thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhằm giúp bà con hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão, ngập lụt, thủy triều gây ra cần có sự chung tay góp sức từ các cấp. Đặc biệt là sự ý thức của người dân cần được nâng cao.
Mấy tuần qua, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, mưa lớn kéo dài, kèm theo giông gió, làm cho mực nước dâng cao… ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất của nông dân, việc gieo cấy lúa, nuôi cá, trồng hoa màu bị thất thoát đáng kể. Ngày 12-10 vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1450/QĐ-UBND, về việc công bố thiên tai (ngập lụt) gây thiệt hại đối với cây trồng của các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP. Cà Mau. Theo đó, tính từ ngày 21-9 đến ngày 10-10-2012, thiệt hại trên các trà lúa qua tổng hợp sơ bộ, U Minh 3.533,8ha, Trần Văn Thời 807,9ha, Thới Bình 1.655,7ha, TP. Cà Mau 159,95ha. Mức độ thiệt hại trên 30%. Thiệt hại trên rau màu và cây trồng khác: 109,877ha rau màu của huyện Trần Văn Thời, thiệt hại 70%; 125ha dây thuốc cá của huyện U Minh, thiệt hại 40%.
Song song đó, việc đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân sống ven cửa biển cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù hằng năm, từng xã, thị trấn đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân biết, nhận thức được tầm quan trọng cũng như mức độ nguy hiểm, hiệt hại do tác động bởi thời tiết diễn biến bất thường gây nên. Bởi các hộ dân, ngư dân sống ven biển là người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thời tiết xấu xảy ra. Ông Huỳnh Hoàng Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh), cho biết: Ngoài trồng lúa, xã Khánh Hội còn phát triển mạnh về kinh tế biển với nghề đánh bắt thủy sản và chế biến cá khô. Khánh Hội có hơn 400 phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó có khoảng 150 phương tiện có công suất lớn. Mỗi năm, lãnh đạo địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở ngư dân thường xuyên kiểm tra trang thiết bị trên ghe, động cơ máy móc, phương tiện thông tin liên lạc, phao cứu sinh... Ngoài ra, ngư dân còn được nhắc nhở thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, liên lạc với đất liền để kịp thời nắm bắt thông tin, khi gặp mưa bão phải tìm nơi trú ẩn an toàn cho cả người lẫn ghe nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Lúc thời tiết mưa nhiều như đã qua, lãnh đạo xã Khánh Hội cũng đã thường xuyên kết hợp với Đồn Biên phòng kiểm tra tại cửa biển để nắm tình hình hoạt động ra vào cửa biển. Khi phát hiện ghe biển bị xuống cấp, trang thiết bị trên ghe không đảm bảo an toàn thì tuyệt đối không cho ra khơi đánh bắt. Nếu hộ nào cố tình vi phạm, làm sai quy định sẽ có những biện pháp xử lý thích đáng.
Không chỉ ở Khánh Hội, mà thị trấn Cái Đôi Vàm - nơi giao thương mua bán sầm uất của huyện Phú Tân, đồng thời là nơi có cửa biển lớn của tỉnh cũng nâng cao tinh thần chủ động phòng tránh thiệt hại do thiên tai. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân: Thời gian qua, nhờ làm tốt từ khâu tuyên truyền đến công tác quản lý việc đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân cho nên mặc dù mấy tuần qua thời tiết diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng đối với bà con. Do biết thời tiết xấu, mưa nhiều nên hầu như các ngư dân ở đây đều đánh bắt gần bờ và trang bị phương tiện cứu sinh đầy đủ. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh mưa bão, ngư dân phải luôn chủ động để ứng phó kịp thời.
Anh Nguyễn Hoàng Chiếu, ở Ấp 3, xã Khánh Hội, là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề đi biển chia sẻ: Từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, người đi biển gọi là mùa Nam, tuy lượng mưa nhiều nhưng khu vực phía Nam ít bị ảnh hưởng do nằm nghịch hướng gió. Những tháng này khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng hơn. Còn từ tháng 9 âm lịch cho đến cuối năm gọi là mùa Bắc. Mặc dù thời tiết lúc này tương đối ổn định, ít mưa giông, nắng kéo dài nhưng vùng biển phía Nam chịu ảnh hưởng rất lớn do gió chướng thổi mạnh, biển thường hay động nhưng lại trúng mùa cá tôm. Chính vì vậy để chuẩn tốt bị cho việc đánh bắt vào cuối năm, không chỉ riêng gia đình anh mà tất cả bà con ngư dân nơi đây phải chuẩn bị ghe thật kỹ từ khâu máy móc, dụng cụ đánh bắt, phương tiện nghe nhìn cho đến lương thực dự trữ trên ghe. Suốt thời gian đánh bắt ngoài khơi phải theo dõi thời tiết chặt chẽ. Những ngư dân có ghe đánh bắt xa bờ cần phải đăng ký với Tổng đài Duyên Hải (trực 24/24), để có thể liên lạc trực tiếp với đất liền nhằm đảm bảo tốt nhất cho người và phương tiện khi đánh bắt thủy sản trên biển.
Anh Nguyễn Hoàng Chiếu, ở Ấp 3, xã Khánh Hội, là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề đi biển chia sẻ: Từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, người đi biển gọi là mùa Nam, tuy lượng mưa nhiều nhưng khu vực phía Nam ít bị ảnh hưởng do nằm nghịch hướng gió. Những tháng này khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng hơn. Còn từ tháng 9 âm lịch cho đến cuối năm gọi là mùa Bắc. Mặc dù thời tiết lúc này tương đối ổn định, ít mưa giông, nắng kéo dài nhưng vùng biển phía Nam chịu ảnh hưởng rất lớn do gió chướng thổi mạnh, biển thường hay động nhưng lại trúng mùa cá tôm. Chính vì vậy để chuẩn tốt bị cho việc đánh bắt vào cuối năm, không chỉ riêng gia đình anh mà tất cả bà con ngư dân nơi đây phải chuẩn bị ghe thật kỹ từ khâu máy móc, dụng cụ đánh bắt, phương tiện nghe nhìn cho đến lương thực dự trữ trên ghe. Suốt thời gian đánh bắt ngoài khơi phải theo dõi thời tiết chặt chẽ. Những ngư dân có ghe đánh bắt xa bờ cần phải đăng ký với Tổng đài Duyên Hải (trực 24/24), để có thể liên lạc trực tiếp với đất liền nhằm đảm bảo tốt nhất cho người và phương tiện khi đánh bắt thủy sản trên biển.
Theo baoanhdatmui.vn