14 tháng 9, 2012

Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam, người bạn đồng hành của ngư dân trên biển

Giữ một vị trí quan trọng trong giao thông hàng hải, kinh tế biển Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các hoạt động trên biển như vận tải biển, thăm dò và khai thác dầu khí, nuôi trồng và đánh bắt hải sản… đã và đang được đầu tư và phát triển mạnh. Tuy nhiên, do đặc thù vùng biển Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới mỗi năm, do vậy tàu thuyền hoạt động trên biển thường gặp nhiều rủi ro về người và tài sản. Trong đó, ngư dân đi biển với phương tiện lạc hậu là đối tượng chịu nhiều rủi ro và thiệt hại nhất.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro đối với các phương tiện hoạt động trên biển và hội nhập quốc tế, từ năm 1997, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam được nhà nước đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Đây là một hệ thống gồm 32 Đài Thông tin duyên hải, bố trí dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Kiên Giang được Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) tổ chức quản lý và vận hành khai thác. Với nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc trên biển, VISHIPEL đang tham gia vào hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực như: Đối với ngành Giao thông vận tải, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam đảm bảo thông tin liên lạc cho tàu thuyền hoạt động trên biển, bao gồm các thông tin cấp cứu, an toàn hàng hải theo GMDSS; thông tin tìm kiếm cứu nạn theo Cospas- Sarsat (đảm bảo thông tin cấp cứu cứu nạn trên biển và hàng không Việt Nam); thông tin LRIT để quản lý tàu thuyền trên biển và mạng công nghệ thông tin quản lý tàu thuyền cho ngành hàng hải Việt Nam…

Khai thác viên của Đài Thông tin duyên hải Huế đang vận hành máy móc, thiết bị
Với ngành Thủy sản,VISHIPEL đang quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng mạng và đảm bảo thông tin liên lạc cho các tàu thuyền đánh cá hoạt động trên vùng biển Việt Nam và vùng lân cận. Ngành Viễn thông và công nghệ thông tin, công ty đang quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng mạng và cung cấp các dịch vụ phục vụ thông tin, phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên biển và ven biển. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và ngoại giao, VISHIPEL là đơn vị duy trì mạng lưới thông tin chính thống trên biển, góp phần khẳng định chủ quyền vùng biển quốc gia; đảm bảo thông tin liên lạc cho các hoạt động quốc phòng, an ninh có tính bảo mật cao.
Trong lĩnh vực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, VISHIPEL là thành viên của Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão của Bộ Thông tin&Truyền thông, Cục Hàng hải Việt Nam. Hệ thống các Đài Thông tin duyên hải của VISHIPEL kết nối trực tiếp với BCH phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển theo đúng Quyết định 137 của Thủ tướng Chính phủ, với các cơ quan liên quan như Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Viện Vật lý địa cầu…
Là một thành viên của VISHIPEL, Đài Thông tin duyên hải Huế có trụ sở đóng tại Cảng cá Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế, là một trong những mắt xích quan trọng của hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam. Đây là hệ thống thông tin có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo thông tin liên lạc trên biển, tới các vùng sâu, vùng xa ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu, các mạng thông tin thông thường không sử dụng được góp phần vào sự phát triển của kinh tế biển của tỉnh nói riêng cũng như là cơ sở thực hiện chiến lược biển của quốc gia.
Với vị trí địa lý thuận lợi nằm gần cảng cá nên nhiều năm qua, Đài Thông tin duyên hải Huế đã trở thành một trong những địa chỉ đáng tin cậy, là người bạn đồng hành của bà con ngư dân đóng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Hàng năm, Đài Thông tin duyên hải Huế thường xuyên phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đào tạo, hướng dẫn, tuyên truyền cho ngư dân về việc trang bị và sử dụng thiết bị thông tin liên lạc phù hợp với tiêu chuẩn của thông tin an toàn hàng hải.
Riêng với đối tượng tàu đánh bắt xa bờ, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp &PTNN đã quy định chặt chẽ các trang thiết bị bắt buộc trên tàu tại Quyết định số 137/2007/QĐ-CP, Thông tư số 15/2011/TT-NN&PTNN và được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế triển khai bằng Quyết định 06/2010/ QĐ-UBND ngày 28/01/2010 để đảm bảo an toàn cho các tàu khi hoạt động trên biển, bao gồm: Thiết bị định vị vệ tinh (GPS) để ngư dân trên tàu xác định được vị trí hiện tại của tàu; máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai SSB để thu nhận các thông tin dự báo thời tiết, dự báo thiên tai được phát đi từ hệ thống Đài Thông tin duyên hảiViệt Nam; thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) để thông tin liên lạc và thông tin cấp cứu trong các trường hợp cấp cứu, khẩn cấp; thiết bị tự động phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB). Tuy nhiên trên thực tế, các tàu thuyền mới chỉ trang bị thiết bị định vị vệ tinh GPS và bước đầu trang bị máy thu phát HF.
Nhận thức được các vấn đề nêu trên, với chức năng nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, góp phần nâng cao an toàn hàng hải cho các đối tượng hoạt động trên biển, thời gian qua Đài Thông tin duyên hải Huế đã cố gắng thực hiện tốt việc cung cấp thông tin liên lạc cho các tàu đánh bắt xa bờ, cụ thể gồm:
Quy trình hóa hoạt động cung cấp thông tin liên lạc cho tàu cá xa bờ; nâng cao chất lượng phát các bản tin dự báo thời tiết biển, thiên tai, kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão bằng cách tăng tần suất phát, kết nối với các đài lớn trong hệ thống tăng công suất phát bằng máy phát công suất lớn.
Chủ động triển khai kết nối với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo Quyết định 137/2007/QĐ-CP của Chính phủ. Thường xuyên có liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong phối hợp cung cấp thông tin cho ngư dân; phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương như Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Bộ đội Biên phòng thị trấn Thuận An (Phú Vang), Lăng Cô (Phú Lộc) tổ chức đào tạo, tuyên truyền tới ngư dân về vai trò của thông tin liên lạc, các kỹ năng về khai thác sử dụng thông tin trong điều kiện bình thường cũng như khi gặp sự cố; triển khai chương trình phổ biến kiến thức trực tiếp tại tàu, giới thiệu tuyên truyền, phát tờ rơi, bảng tần số, tài liệu hướng dẫn thông tin liên lạc cho ngư dân.
Với những gì đã làm được trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng hệ thống Đài Thông tin duyên hảiViệt Nam nói chung và Đài Thông tin duyên hải Huế nói riêng đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với tất cả các hoạt động trên biển và là cầu nối chính giữa con người và các phương tiện hoạt động trên biển với đất liền. Hiện tại và trong tương lai, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam mãi mãi là người bạn thân thiết, là cầu nối thông tin liên lạc đáng tin cậy trong suốt hành trình ra khơi xa của bà con ngư dân. 

Theo Báo Quảng Trị