17 tháng 8, 2012

Máy ICOM: Bạn đồng hành của ngư dân Quảng Ngãi

Tàu cá của ngư dân chính là đối tượng gặp nạn thường xuyên nhất trên biển. Bao đời nay, ngư dân thường dựa vào những kinh nghiệm dân gian đã được đúc kết để dự đoán và tránh bão. Do đó nguy cơ gặp tai nạn trên biển do thời tiết bất thường rất dễ xảy ra...

Từ thực tế đó, những năm gần đây, các cấp ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trang bị hệ thống máy thu phát tín hiệu tầm xa ICOM. Qua đó giúp bà con ngư dân an tâm hơn khi ra biển đánh bắt hải sản và góp công bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.

Giúp dân tránh bão
Theo đánh giá của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, hầu hết các tàu thuyền đánh cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh đều có sử dụng hệ thống thông tin liên lạc tầm xa (ICOM). Có tàu được trang bị từ 1 -2 cái, các máy chủ yếu có công suất nhỏ từ 100W trở lên. Máy ICOM dùng để liên lạc cầm tay giữa người nhà với ngư dân đang hoạt động trên biển để thông tin về tình hình thời tiết, dùng khi thời thiết không thuận lợi, không liên lạc được qua các phương tiện khác.
Thời gian gần đây, ngư dân Quảng Ngãi đã trang bị những máy ICOM có công suất lớn trên 1.000W. Đặc biệt, từ chương trình hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân được hỗ trợ mua máy ICOM với hơn 217 chiếc. Trong đó có trên 150 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất trên 90CV) được lắp đặt máy thông tin liên lạc HF tầm xa tích hợp định vị. Mỗi máy thông tin liên lạc trị giá 28 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho ngư dân). Dự kiến sắp đến toàn tỉnh sẽ có khoảng 600 tàu được hỗ trợ lắp thiết bị này. Ngoài ra, tỉnh ta tiếp nhận 305 bộ thiết bị vệ tinh gắn trên các tàu cá xa bờ (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp) để quản lý các tàu khi đánh bắt trên biển. Việc lắp đặt thiết bị này không chỉ giúp cho cơ quan chức năng quản lý và hỗ trợ ngư dân tốt hơn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân, nhất là trong việc cứu hộ, cứu nạn trên biển và thông tin khi “trúng” luồng cá trong qúa trình đánh bắt hải sản trên biển. Khi trang bị ICOM, ngư dân sẽ có thể an toàn hơn trong bão nhờ có thể kết nối nhanh với hệ thống các đài thông tin duyên hải qua đó nhận được trợ giúp của Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải, của các lực lượng trong bờ.
Điển hình như trong đợt tháng 5/2011, qua máy Icom, tàu cá số hiệu QNg-92308 TS (có 10 thuyền viên) của ông Lê Minh Hùng, ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) làm chủ tàu đã dùng máy ICOM liên lạc cầu cứu với các tàu cá khác về việc tàu bị hỏng máy đang trôi tự do tại vùng biển Hoàng Sa. Trước tình hình trên, lực lượng Biên phòng đã kêu gọi một số tàu đánh bắt trong khu vực khẩn trương đến cứu hộ tàu bị nạn để lai dắt về đất liền. Có thể kể đến nữa là vào cuối tháng 3/2012, hai tàu cá cùng 23 ngư dân Quảng Ngãi bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển đông bắc Hoàng Sa liên lạc về đất liền qua hệ thống Icom kêu cứu. Những người đi trên tàu cá phải dùng dây thừng cột cả hai chiếc tàu lại với nhau và trôi dạt tự do với tốc độ khoảng 2 hải lý/giờ.Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã giữ liên lạc với hai tàu cá bị nạn này 24/24 giờ và cử tàu ra cứu hộ về đất liền.

Góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội
Bên cạnh giúp dân tránh bão, đánh bắt hải sản trên biển, hệ thống máy ICOM còn góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội ở các địa phương; giúp chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với ngư dân khi đang hành nghề trên biển. Điển hình là đợt tuyên truyền hướng dẫn về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (tháng 5/2011) cho ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển.
Dạo ấy, chính quyền xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã chọn phương thức triển khai Luật bầu cử và công tác chuẩn bị bầu cử qua máy Icom. Do những ngư dân đang đánh bắt trên biển không thể tham dự trực tiếp các buổi triển khai công tác bầu cử nên buộc lòng xã phải triển khai qua máy Icom của Đồn Biên phòng 304 (Sa Huỳnh) và 3 máy Icom cộng đồng đặt tại nhà các trưởng thôn. Anh Võ Ngọc Duyên - Trưởng thôn Thạnh Đức 2 (xã Phổ Thạnh), thường xuyên bật máy Icom (đặt tại nhà) để chuyển tải những nội dung về bầu cử đến các ngư dân đang tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Từng điều khoản trong Luật Bầu cử được anh Lê Minh Phụng - cán bộ tư pháp xã, đọc từng câu rõ ràng và giải đáp những thắc mắc mà cử tri quan tâm. Nhờ đó, tất cả ngư dân của xã Phổ Thạnh đang đánh bắt ngoài khơi đã nắm bắt khá đầy đủ thông tin về cuộc bầu cử từ đất liền, khi đến ngày bầu cử nhiều ngư dân cho tàu cá vào đất liền để trực tiếp đi bỏ phiếu… Cùng với việc tuyên truyền Luật Bầu cử, xã Phổ Thạnh còn sẽ tuyên truyền những nội dung quy định về biên giới biển đảo để ngư dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình mỗi khi vươn khơi đánh bắt hải sản.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT toàn tỉnh hiện có gần 5.800 tàu đánh cá, trong đó có trên 2.000 chiếc thường xuyên hoạt động ở khắp các vùng biển từ Vịnh Bắc bộ đến Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nam bộ và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực. Vì vậy, khi bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển Đông đều ảnh hưởng đến tàu thuyền và ngư dân khi hành nghề trên biển. Do đó, cùng với nỗ lực của ngành chức năng các thuyền trưởng, chủ tàu cần cung cấp chính xác các thuyền viên đang hoạt động trên tàu, khu vực hoạt động của các phương tiên tham gia khai thác trên biển và tần số thông tin liên lạc; thường xuyên mở máy ICOM và radio để nhận các thông tin thời tiết và các thông tin chỉ đạo cũng như hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng về việc tránh trú thời tiết nguy hiểm. Có vậy mới hạn chế được thiệt hại khi xảy ra thiên tai trên biển.

Theo quangngai.gov.vn