Nhiều ngư dân cho biết nếu như trước đây lênh đênh trên biển may rủi trông chờ vào ông trời, thì nay nhờ có quân dân tại quần đảo Trường Sa họ có thể bám biển nhiều ngày hơn.
Chưa hết sợ hãi, ông Trần Quang Nguyên, chủ tàu PY 90205 (Phú Yên), kể lại cách đây chưa đầy hai tuần, đang đánh cá tại khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa thì tàu cạn nhiên liệu. Gặp lúc sóng to gió lớn, tàu bị trôi dạt tự do trên biển nhiều ngày, đối diện nguy cơ bị những đợt sóng nhấn chìm. Đang lúc tuyện vọng, tàu của anh Nguyên được một tàu cứu hộ thuộc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây kịp thời giải cứu và lai dắt về đảo. Tại đây anh Nguyên được kiểm tra y tế giúp phục hồi sức khỏe và tiếp nhiên liệu để tàu có thể an toàn vào bờ. Về đến đất liền, anh Nguyên không quên gọi điện cám ơn anh em trên đảo vì đã cứu sống tính mạng của mình và giữ được tài sản là con tàu đánh cá.
Hiện tại, hầu hết các đảo trên quần đảo Trường Sa đều trở thành điểm trú chân an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Tại một số đảo như Đá Tây, Song Tử Tây… có những âu tàu lớn hay trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá có sẵn các loại tàu thuyền hỗ trợ cứu nạn tàu cá ngư dân trong trường hợp xảy ra sự cố. Ngư dân cũng không còn tỏ ra e dè khi ghé các đảo xin nước ngọt, thuốc men, khám chữa bệnh…, hay phát tín hiệu nhờ cứu hộ khi gặp rủi ro. Anh Phụng, ngư dân Phú Yên thuộc tàu câu cá ngừ PY91076 đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, cho biết trung bình mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi mất ít nhất 150 triệu.
Có những lúc gặp biển động, tàu của anh phải tìm cách trú ẩn cả chục ngày trời. Xăng dầu, thực phẩm, nước ngọt… mang theo có hạn, nếu không có các dịch vụ hậu cần hỗ trợ có nguy cơ tàu của anh phải quay vào bờ, đồng nghĩa với việc chuyến đi chịu thua lỗ nặng. Nhờ sự hỗ trợ của quân, dân trên các đảo, hiện nay những trở ngại của ngư dân bám biển gần như không còn.
Theo Đất Việt