Hệ thống vệ tinh Quỹ đạo Tầm trung Cospas-Sarsat – MEOSAR là hệ thống vệ tinh tiếp theo của 2 hệ thống vệ tinh tầm thấp LEOSAR và tầm cao (địa tĩnh) GEOSAR đã và đang được sử dụng trong hệ thống vệ tinh trợ giúp tìm kiếm cứu nạn Cospas-Sarsat . Đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của hệ thống Cospas-Sarsat nhằm xác định vị trí bị nạn nhanh, chính xác, và tin cậy hơn trong công tác Tìm kiếm (xác định vị trí) và công tác Cứu nạn trên biển, trên đất liền và hàng không.
Như chúng ta đã biết, năm 1982 hệ thống vệ tinh trợ giúp tìm kiếm cứu nạn Cospas-Sarsat đã được đưa vào hoạt động chính thức, ban đầu dựa trên chùm vệ tinh Quỹ đạo tầm thấp (LEOSAR) xử lý các tần số 121.5, 243, 406 MHz. Đến những năm 1990, Hệ thống được trang bị bổ sung thêm chùm vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh (GEOSAR).
Hiện tại hệ thống Cospas-Sarsat đã và đang được vận hành khá tốt nhưng cũng còn những hạn chế nhất định như thời gian bị trễ của LEO do phải cần ít nhất 2 lần quét qua của vệ tinh khác nhau mới loại được vị trí ảo để xác định được vị trí thật, đưa ra vị trí chính xác cuối cùng; và Giới hạn về vùng bao phủ của hệ thống GEOSAR không bao phủ được Vùng cực.
Tất cả những hạn chế trên sẽ được khắc phục bằng hệ thống MEOSAR, Hệ thống kết hợp các vệ tinh quỹ đạo tầm trung, sử dụng chùm vệ tinh tầm trung GPS của Mỹ, và GALILEO của Châu Âu, GLOLASS của Nga. Các vệ tinh này sẽ truyền tiếp các tín hiệu từ thiết bị 406 MHz tới các hệ thống Trạm thu vệ tinh mới gọi là MEOLUT. MEOLUT sẽ nhanh chóng tính toán vị trí bị nạn được phát đi từ thiết bị chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB cho Hàng hải, ELT cho Hàng không, PLB cho cá nhân), và gửi tới các Trung tâm xử lý báo động MCC để gửi tới các Đơn vị Tìm kiếm cứu nạn (RCC/SPOC).
MEOSAR là hệ thống vệ tinh quỹ đạo tầm trung bay quanh và cách Trái đất khoảng 20.000 km (Tầm thấp 850 – 1.000 km, Địa tĩnh 36.000 km) dùng cho mục đích Tìm kiếm và Cứu nạn với ứng dụng hiệu quả hiệu ứng dịch tần Doppler để nhanh chóng xác định vị trí. Phát hiện và và xác định vị trí gần như ngay lập tức do số lượng vệ tinh rất lớn từ 20 đến 30 quả vệ tinh (hơn rất nhiều so với 6 quả hiện tại của LEOSAR). Sự phát triển bổ sung của hệ thống MEOSAR này được ví như sự phát triển từ Truy cập Internet quay số (Dial-up) tốc độ chậm lên Truy cập Internet tốc độ cao (ADSL, Leased Line), liên tục duy trì kết nối.
Theo thông tin từ EMS- Nhà sản xuất và lắp đặt thiết bị LUT/ MCC, một trong các nhà sản xuất lớn nhất thì hiện nay, mặc dù Cospas-Sarsat cho biết quá trình vận hành hệ thống đẩy đủ sẽ dự tính vào năm 2018 nhưng nhằm tận dụng lợi thế của hệ thống MEOSAR hiện có 5 nước trên thế giới đã lắp đặt, trang bị và khai thác hệ thống MEOLUT gồm: Mỹ, Cannada, Pháp, Thổ Nhĩ , Brazil để kết hợp thông tin từ hệ thống hiện tại LEOSAR và GEOSAR nhằm đẩy nhanh giai đoạn xác định chính xác vị trí tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, Tổ chức Cospas-Sarsat cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu đưa ra chuẩn cho các thiết bị vô tuyến chỉ báo vị trí (Beacon) mới, với đặc điểm nổi trội là có thể nhận bức điện từ trên bờ thay vì không có phản hồi như hiện nay. Theo đó, người bị nạn có thể yên tâm rằng Báo động cấp cứu đã được tiếp nhận và xử lý bởi các cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn trên bờ và báo động cấp cứu đã được mã hóa tín hiệu bức điện theo công nghệ mới với độ chính xác cao hơn hệ thống cũ.
Sơ đồ Hệ thống Tìm kiếm Cứu nạn trợ giúp bởi Vệ tinh Cospas-Sarsat