Sáng 18/10/2011, buổi diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. 5000 người cùng hàng trăm phương tiện đã thực hành diễn tập công tác sơ tán, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian 110 phút.
Theo kịch bản, lúc 8h05’, hệ thống cảnh báo sóng thần tại thành phố Đà Nẵng nhận thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu. Và chỉ 5 giây sau đó, hệ thống phát đi cảnh báo đầu tiên. Thông tin được phát đi trên các loa công cộng công suất lớn đặt trên các đài trực canh, đài truyền thanh và được nhắn tin đến máy điện thoại di động của các lãnh đạo địa phương và nhân dân, du khách đang có mặt trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngay sau đó, hoạt động sơ tán và tìm kiếm cứu nạn được triển khai đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi rút kinh nghiệm sau diễn tập, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá hệ thống thông tin cảnh báo sóng thần do Viettel nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt vận hành đã đóng góp quan trọng trong việc chủ động ứng phó với các thảm họa thiên tai.
Đây là lần diễn tập ứng phó sóng thần quy mô lớn tiếp theo lần diễn tập quy mô nhỏ đã được Viettel phối hợp tổ chức với Bộ NN&PTNT và các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hồi tháng 5/2011.
Trước đó, tháng 11/2010, PTT Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Viettel thiết kế hệ thống cảnh báo sóng thần. Chỉ sau 2 tháng bắt tay vào nghiên cứu, đến tháng 01/2011, đội ngũ nghiên cứu kỹ thuật của Viettel đã hoàn thành bản demo của hệ thống. Đến tháng 5/2011, 10 trạm đầu tiên của hệ thống cảnh báo sóng thần đã được lắp đặt tại thành phố Đà Nẵng. Cuộc diễn tập quy mô nhỏ nhằm kiểm định khả năng vận hành, phương thức thông tin trong tình huống khẩn cấp của hệ thống đã diễn ra thành công với sự chứng kiến của PTT Hoàng Trung Hải. Hệ thống chứng minh đã đáp ứng được các yêu cầu về thời gian truyền tin nhanh (dưới 5 giây để truyền tới tất cả các điểm cảnh báo); thiết bị đặt tại các địa phương đơn giản trong việc triển khai và vận hành, khai thác; độ tin cậy và an toàn cao với quá trình truyền tin hai chiều, thiết bị có dự phòng đường truyền.
Hệ thống cho phép tự động gửi và phát thông báo qua hệ thống đài truyền thanh sẵn có. Ngoài ra hệ thống cho phép gửi cảnh báo bằng tin nhắn SMS. Việc trang bị thêm các cảnh báo bằng đèn, biển báo hiệu cũng rất hữu ích cho người khiếm thính.
So với các hệ thống tương tự trên thế giới, hệ thống của Việt Nam có điểm khác biệt là ngay từ khi thiết kế ban đầu đã dựa trên ý tưởng sử dụng lại hạ tầng mạng truyền thanh của địa phương để phát cảnh báo vì đây là phương tiện thông tin quen thuộc của người dân, hạ tầng rộng khắp và thường xuyên được sử dụng, bảo dưỡng. Điểm khác biệt nữa là hệ thống được các kỹ sư Viettel thiết kế và sản xuất trong nước, cả phần cứng và phần mềm, nên chủ động hoàn toàn về mặt tính năng kỹ thuật, đặc biệt là chi phí sẽ tiết kiệm hơn so với thiết bị mua của nước ngoài.
Từ kết quả này, PTT Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị ở Trung ương và địa phương tổ chức diễn tập quy mô lớn nhằm hoàn thiện kịch bản phối hợp trong công tác cảnh báo, sơ tán và tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có thảm họa xảy ra trên diện rộng; lấy đó là cơ sở thực tiễn để tiếp tục triển khai hệ thống thông tin cảnh báo sóng thần và thảm họa thiên tai trên diện rộng tại các địa phương có nguy cơ cao.
Theo hanoimoi