11 tháng 10, 2011

“Phao cứu sinh” cho người đi biển

Khó có thể đánh giá hết được những giá trị tinh thần to lớn mà Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC), với nghĩa vụ và sứ mệnh cao cả của mình, mang đến cho những người đi biển trong suốt 15 năm hoạt động (1996-2011).

Tổng giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hàng hải VN về những công việc lặng thầm của họ.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) được thành lập theo Quyết định số 2628/QĐ-TCCB-LĐ ngày 02/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển một hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam như một mắt xích của hệ thống phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải toàn cầu.
Từ một tổ chức ban đầu chỉ gồm 5–6 cán bộ làm nhiệm vụ thường trực thu nhận những thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải và chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý; các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực hoàn toàn dựa vào tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất kỹ thuật của các Cảng vụ hàng hải để hoạt động, sau 15 năm thành lập, đến nay, Vietnam MRCC đang từng bước được đầu tư toàn diện cả về phương tiện, trang thiết bị và nhân lực, trở thành một trong những trung tâm tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành mạnh trong hệ thống tìm kiếm cứu nạn quốc gia.
Có thể điểm lại những dấu mốc đáng nhớ của Trung tâm qua 15 năm hoạt động như sau:
Giai đoạn 1996–2001: Bộ máy tổ chức hết sức đơn giản, các chức danh chủ chốt đều là cán bộ kiêm nhiệm, biên chế được giao tại thời điểm cao nhất là 54 người; thiết bị thông tin liên lạc dựa vào các Cảng vụ hàng hải. Tại thời điểm này chỉ có 01 tàu cứu hộ thuê của Công ty Trục vớt cứu hộ làm nhiệm vụ thường trực tìm kiếm cứu nạn tại Đà Nẵng.
Giai đoạn 2002–2003: Khâu tổ chức từng bước được nâng cấp, kiện toàn; tổng biên chế được duyệt cho toàn Trung tâm là 97 người; được Nhà nước trang bị 01 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng loại 27m đóng bằng nguồn vốn trong nước và 03 ca-nô cao tốc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Giai đoạn 2004-2006: Đây là giai đoạn có sự chuyển biến mang tính tích cực trong mô hình tổ chức, tổng biên chế được duyệt của toàn Trung tâm tại thời điểm cao nhất trong giai đoạn này là 299 người. Phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng được trang bị gồm 04 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng loại 27m, 03 tàu chuyên dụng loại 41m, 11 ca-nô cao tốc, cùng với sự hỗ trợ thông tin liên lạc của hệ thống đài thông tin duyên hải gồm 32 các đài loại I, II, III, các trạm VHF tự động và đài thu tín hiệu vệ tinh mặt đất Inmarsat và Cospas-Sarsat dọc theo bờ biển Việt Nam.
Giai đoạn 2007 đến nay: Dự án cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn tại các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực được hoàn thành và đưa vào khai thác, bao gồm: nhà điều hành, sân bãi luyện tập, cầu tàu, nhà kho cung cấp hậu cần cho hoạt động của tàu tìm kiếm cứu nạn.
Sự đầu tư đúng hướng này đã phát huy được hiệu quả, tạo ra thế chủ động trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, tạo sự yên tâm tin tưởng cho người đi biển, khẳng định chủ quyền cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia có biển.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng phương tiện được cứu và hỗ trợ là 27 lượt chiếc; số người được cứu và hỗ trợ là 125 người, trong đó có 24 người nước ngoài - Đó là một minh chứng cụ thể nhất.
Tuy nhiên, với đường bờ biển dài 3.260km, gần một triệu km­­2 mặt biển, đội tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng hiện tại chưa đủ khả năng bao quát toàn bộ vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Mặc dù đã được sự phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng khác như Hải quân, Biên phòng, Thủy sản..., nhưng đối với các khu vực biển xa hoặc đối với các vụ tai nạn lớn trong điều kiện thời tiết phức tạp, tính chủ động trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Để khắc phục điểm yếu đó, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đang tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền đầu tư cho hệ thống phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động nhân đạo này.
Tìm kiếm cứu nạn VN đã và đang từng bước tăng cường năng lực nhằm hội nhập sâu rộng với tìm kiếm cứu nạn khu vực và quốc tế. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Việt Nam đã tham gia đầy đủ và là một nhân tố quan trọng trong Ủy ban ASEAN về phòng chống thiên tai (ACDM). Tại cuộc họp ACDM lần thứ XV tại Singapore ngày 11 và 12/3/2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về hợp tác trong cứu trợ tàu thuyền gặp nạn trên biển, và sáng kiến này đã được ký kết bằng Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ XVII tại Hà Nội.
Hoạt động tìm kiếm cứu nạn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó trước mọi tình huống tai nạn, sự cố có thể xảy ra. Một trong những yêu cầu có tính chất kiên quyết là phải nắm được các thông tin về tai nạn, sự cố và các diễn biến kéo theo để có những biện pháp phối hợp thích đáng, trên diện rộng giữa các quốc gia có thỏa thuận với nhau về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong khu vực hoặc ở phạm vi hẹp trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn bằng các phương tiện, lực lượng sẵn có của mình.

Để tăng cường năng lực nhằm hội nhập sâu rộng với tìm kiếm cứu nạn khu vực và quốc tế, được sự tạo điều kiện của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN và các bộ, ngành liên quan trong những năm qua, vị thế và vai trò của tìm kiếm cứu nạn hàng hải ngày càng tăng cường, góp phần giảm thiểu những thiệt hại mà thiên tai gây ra.

Về cơ sở vật chất: Hiện Vietnam MRCC có 3 trung tâm tìm kiếm cứu nạn tại 3 khu vực và một trạm tìm kiếm cứu nạn Trường Sa. Số lượng tàu tìm kiếm cứu nạn có 07 chiếc, 03 ca-nô và  131 cán bộ thuyền viên luôn túc trực 24/24 giờ để ứng phó với bất kỳ tình huống xấu nào xảy ra trên biển. Hàng năm, Trung tâm được trang bị bổ sung các thiết bị cần thiết để đảm bảo hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Duy trì hoạt động huấn luyện thường xuyên: Những năm qua, Cục Hàng hải VN đã chủ trì chỉ đạo Trung tâm phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn để huấn luyện các nội dung về cứu hộ, cứu nạn. Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ, lụt, các thảm họa… là hết sức khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, nhất là lực lượng cứu hộ của các tàu tìm kiếm cứu nạn , ca-nô, địa hình phức tạp, nhiều chướng ngại vật... Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đã đưa các nội dung cứu hộ, cứu nạn sát thực tế, huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn về người, phương tiện; tăng cường luyện tập, diễn tập, huấn luyện bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, thuyền viên; hạn chế thấp nhất yếu tố mất an toàn do chủ quan, thiếu hiểu biết gây ra. Qua đó rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, nâng cao trình độ của thuyền viên và các kỹ năng trong việc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng quân đội.
Đào tạo cán bộ, thuyền viên: Hàng năm, Trung tâm cử cán bộ tham gia các khóa học, lớp tập huấn quốc tế như Singapore, Hongkong…, xây dựng nguồn lực đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để sẵn sàng hợp tác, phối hợp hành động khi có tình huống xảy ra trước các thiên tai trên biển. Từng bước xây dựng nguồn lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng tham gia ứng phó.
Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiệm vụ cũng gặp không ít những khó khăn như:
- Địa bàn hoạt động rộng, thiên tai xảy ra thường xuyên. Lực lượng tàu tìm kiếm cứu nạn còn  quá thiếu, quá mỏng, công suất nhỏ, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại chưa đáp ứng đủ khả năng xử lý những tình huống thiên tai phức tạp.
- Các công trình xây dựng phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn chưa được đầu tư đúng mức. Việc hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhất là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của thiết bị và tần số liên lạc giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các lực lượng chuyên nghiệp tìm kiếm cứu nạn trên biển và giữa các phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn trên biển với nhau và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Xác định tìm kiếm cứu nạn trên biển là hoạt động mang tính toàn cầu, ngành Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, các tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên thế giới với các hình thức và nội dung hợp tác toàn diện: hợp tác, trao đổi thông tin báo nạn và phối hợp xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn; phối hợp trong hoạt động huấn luyện, đào tạo; tổ chức hoạt động tham quan, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển…
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN về ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, từng bước thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định AADMER. Chúng ta cũng cần mở rộng hợp tác song phương với các quốc gia có điều kiện trong tìm kiếm cứu nạn, coi trọng hợp tác tìm kiếm cứu nạn đường biển. Chúng ta cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các nước và các tổ chức quốc tế về tài chính, kinh nghiệm cho những chương trình, dự án đầu tư phương tiện, trang thiết bị, nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Đào tạo đội ngũ phản ứng nhanh với các thông tin về thảm họa; trang bị đầy đủ các phương tiện tìm kiếm cứu nạn, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm về tìm kiếm cứu nạn. Phát triển hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.
Thưa Ông, Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 nhằm hướng tới mục tiêu gì?
Trong những năm qua, hoạt động hàng hải trong khu vực phát triển với tốc độ nhanh, thêm vào đó diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro cho hoạt động hàng hải tại khu vực, trong khi phương tiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn xa bờ của Trung tâm mới chỉ có 07 tàu và một số thiết bị cứu nạn.

Vượt qua những khó khăn, thách thức đó và với quyết tâm của một đơn vị thực hiện trách nhiệm nhân đạo đối với mọi tổ chức, cá nhân trên vùng biển trách nhiệm được giao, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng con người, phương tiện hoạt động trên biển để phát triển giao thông hàng hải, kinh tế biển trong khu vực, Vietnam MRCC luôn sẵn sàng có mặt ở những nơi xảy ra tai nạn, sẵn sàng đến những nơi thiếu an toàn để giúp đỡ người gặp nạn. Nhân lực và phương tiện của Trung tâm luôn trong trạng thái sẵn sàng nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả cho công tác ứng cứu tai nạn trên biển.

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam có nhiều cố gắng trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ tài sản, phương tiện và con người. Năm 2011 và những năm tiếp theo, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn nước ta diễn biến phức tạp, khó lường; tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai, sự cố… Năm 2011 cũng là năm bản lề thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng tới những mục tiêu:
- Bảo đảm sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng đơn vị để đáp ứng kịp thời yêu cầu tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
- Dự kiến một số tình huống cơ bản, trên cơ sở đó xác định cơ quan chỉ huy, lực lượng tham gia tìm kiếm và nhu cầu về chủng loại trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
- Định hướng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ; mua sắm trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, Trung tâm đã và đang triển khai các nội dung chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức cho các cán bộ, thuyền viên về nhiệm vụ. Theo đó, lãnh đạo các đơn vị cần tập trung cho cán bộ, thuyền viên nhận thức sâu sắc tìm kiếm cứu nạn hàng hải là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của hệ thống chính trị, trong đó Vietnam MRCC là lực lư­ợng nòng cốt. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao phó, Trung tâm đã và đang chú trọng nghiên cứu, xây dựng tổ chức biên chế hệ thống cơ quan, đơn vị tìm kiếm cứu nạn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần dũng cảm, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có trình độ, kiến thức chuyên môn vững vàng, sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiệm vụ phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn đang đặt ra những yêu cầu mới nặng nề hơn, tiềm ẩn nhiều bất trắc, hiểm nguy, nên trong thực hiện phải chú ý quán triệt phương châm: "Tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, khắc phục hiệu quả", lấy các biện pháp phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Trung tâm, nhất là vai trò của lực l­ượng tại chỗ, ph­ương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ... Cùng với đó, chú trọng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, văn bản pháp quy của Nhà nư­­ớc; các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho Trung tâm cùng các chỉ thị, h­ướng dẫn của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng. Chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Hai là, thường xuyên làm tốt mọi mặt công tác chuẩn bị, nhất là hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án sát đúng với tình hình thực tiễn; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập phòng chống các sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định đến kết quả việc thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống các kế hoạch phải đảm bảo tính hệ thống và tính chuyên ngành, phê duyệt theo phân cấp, sát với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, thực tế, địa hình, nhất là trên các hướng, các khu vực, vùng trọng điểm về thiên tai, sự cố. Trong đó, cần nghiên cứu dự kiến đúng các tình huống để có các phương án bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng xử trí hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức khảo sát, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhất là sau thiên tai, sự cố để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án.
Trong huấn luyện, các đơn vị cần quán triệt sâu sắc phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc", chú trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chủ yếu; kết hợp huấn luyện cá nhân với các nhóm; gắn huấn luyện kỹ thuật với giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện thể lực, tâm lý, ý thức tổ chức kỷ luật; tăng cường huấn luyện diễn tập, hội thi, hội thao ứng phó với thiên tai, các sự cố, tìm kiếm cứu nạn sát thực tế, yêu cầu nhiệm vụ. Trong huấn luyện diễn tập, tập trung nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, phương pháp, biện pháp xử lý thảm họa, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ người, tài sản phương tiện, đảm bảo an toàn, an ninh,... Đối với lực lượng chuyên trách, chú ý đảm bảo thời gian, nội dung chương trình, kế hoạch, vật chất huấn luyện; tích cực cải tiến phương pháp huấn luyện, nhất là làm chủ các trang thiết bị hiện đại, nâng cao khả năng thực hiện các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất được cấp trên giao phó; tổ chức tốt công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố tai nạn trên biển.  
Ba là, tập trung hoàn thiện các công trình phòng chống thiên tai, sự cố; tăng cường đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng. Trước mắt, tập trung đầu tư cho các công trình, dự án chuyển tiếp đã được phê duyệt. Cùng với đó, triển khai thực hiện các dự án mới: đóng tàu tìm kiếm cứu nạn; mua sắm trang bị đã được phê duyệt, thông tin liên lạc, radar hồng ngoại. Tiếp tục trình các cơ quan có thẩm quyền phương án điều chỉnh định hướng đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ.
Bốn là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về phòng chống, ứng phó sự cố và tai nạn trên biển. Ngoài ra, Trung tâm đã và đang tích cực mở rộng hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có trình độ khoa học tiên tiến trong huấn luyện, đào tạo, chế tạo, sản xuất trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phòng ngừa, giảm nhẹ sự cố, tai nạn trên biển.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, xứng đáng với sự tin cậy và vinh dự mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Xin cảm ơn Ông! 

Theo tạp chí Hàng hải