13 tháng 10, 2011

Inmarsat

Inmarsat là một hiệp hội các quốc gia cùng hợp tác để cung cấp các dịch vụ thông tin di động toàn cầu trên nền thoại, truyền dữ liệu tốc độ cao qua các vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh cách trái đất 35.786km. Tổ chức Inmarsat có trụ sở chính đặt tại London – Vương quốc Anh. Năm 1997, Việt Nam chính thức tham gia Công ước, Hiệp ước quốc tế về Inmarsat và trở thành thành viên thứ 82 của Tổ chức này.

Ngày 14 tháng 01 năm 1998, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam VISHIPEL được chỉ định là cơ quan ký kết và thực hiện Công ước, Hiệp ước khai thác Inmarsat tại Việt Nam. Hiện Inmarsat đang khai thác 12 vệ tinh, từ thế hệ thứ hai đến thế hệ thứ tư.
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến bà con và quý vị về sự ra đời, phát triển và các dịch vụ mà hệ thống Inmarsat mang lại để bà con và quý vị cùng nghe.
Năm 1982, Inmarsat A – thiết bị vệ tinh dùng cho hàng hải đầu tiên được ra đời. Nó sử dụng công nghệ số và cung cấp các dịch vụ truyền số liệu. Hiện tại, hệ thống Inmarsat A đã ngừng cung cấp dịch vụ, và thay thế cho nó là các thế hệ Inmarsat tiếp sau.
Năm 1993, hệ thống Inmarsat C chính thức ra đời. Inmarsat C cung cấp các dịch vụ truyền số liệu và telex hai chiều với tốc độ 600 bits/giây. Inmarsat C đơn giản, giá thành rẻ với các anten vô hướng nhỏ, gọn. Những tàu vận tải, tàu khách, tàu dầu, tàu container, các công trình biển như giàn khoan khai thác, giàn khoan thăm dò, các ụ chứa dầu hoạt động trong vùng biển A3 bắt buộc phải trang bị lắp đặt hệ thống Inmarsat C theo Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển SOLAS 74/88. Thiết bị Inmarsat C cung cấp các dịch vụ, như: gửi và nhận các bức điện có độ dài lên đến 32 kbytes với các dịch vụ email, fax (text to fax), SMS. Thiết bị Inmarsat C trang bị trên tàu giúp nhà quản lý dễ dàng trong việc quản lý đội tàu phương tiện thông qua các dịch vụ Polling & Data report, điều khiển giám sát và thu nhận dữ liệu từ xa SCADA.
Để dần thay thế cho hệ thống Inmarsat A, năm 1994 hệ thống Inmarsat B đã ra đời. Đây là thiết bị thông tin di động vệ tinh hiện đại sử dụng công nghệ số, kế tục sự phát triển của Inmarsat A. Inmarsat B là hệ thống sử dụng kỹ thuật điều chế, mã hóa số, hoàn toàn tương thích với các yêu cầu của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO về hoạt động cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu trong hệ thống GMDSS. Inmarsat B cung cấp các dịch vụ thoại hai chiều duplex, fax hai chiều, truyền dữ liệu với tốc độ 9.6 kbp/giây, truy cập Internet và email. Đặc biệt, Inmarsat B cung cấp gọi cấp cứu distress theo hệ thống cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu GMDSS. Tuy nhiên, theo thông báo của Tổ chức Inmarsat, hệ thống Inmarsat B sẽ ngừng cung cấp dịch vụ vào ngày 31 tháng 12 năm 2014, bao gồm cả việc sẽ loại bỏ Inmarsat B ra khỏi danh mục các thiết bị thuộc hệ thống cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu GMDSS.
Các hệ thống thiết bị Inmarsat thế hệ sau như Inmarsat M, mini M phát triển tiếp sau hệ thống thiết bị Inmarsat B nhưng có kích thước nhỏ gọn và giá thành rẻ hơn. Các dịch vụ của thiết bị Inmarsat M, mini M cung cấp tương tự như những dịch vụ mà hệ thống Inmarsat B cung cấp. Nhưng hệ thống mini M cũng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ vào ngày 31 tháng 12 năm 2014.
Năm 2003, thiết bị vệ tinh Inmarsat Fleet ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và hành hải an toàn cho các tàu vận tải từ cỡ nhỏ đến cỡ lớn với chi phí hiệu quả.
Inmarsat Fleet 33 với các ứng dụng thoại 4.8 kbps, data chuyển mạch 9.6 kbps, gói dữ liệu MPDS 28.8 kbps, fax 9.6 kbps.
Inmarsat Fleet 55 với các ứng dụng thoại 4.8 kbps, thoại 3.1 kHz thoại số, data chuyển mạch 64 kbps, gói dữ liệu MPDS 64 kbps, fax 9.6 kbps và 64 kbps G4.
Inmarsat Fleet 77 với các ứng dụng thoại với 3 chọn lựa: 4.8 kbps, 64 kbps ISDN hoặc 3.1 kHz audio; truyền dữ liệu lên đến 128 kbps; gói dữ liệu MPDS. Tùy từng nhu cầu sử dụng mà bà con có thể sử dụng fax 2.4, 9.6 hoặc 64 kbps G4. Đặc biệt là Inmarsat Fleet 77 có hỗ trợ gọi cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu theo GMDSS.
Tất cả các loại thiết bị Inmarsat Fleet đều có tính linh hoạt cao, thiết bị đầu cuối mạnh, cho phép chủ tàu quản lý và giám sát đội tàu từ xa.
Fleet Broadband là dịch vụ thông tin vệ tinh băng thông rộng cho ngành Hàng hải, là loại dịch vụ mới nhất của Inmarsat. Ra đời năm 2007, Inmarsat FleetBroadband cung cấp đồng thời gọi thoại và truyền dữ liệu tốc độ cao với chi phí hiệu quả trên cùng một thiết bị đầu cuối. Kết nối băng thông rộng tốc độ cao, thực hiện đồng thời gọi thoại và truyền dữ liệu, thiết bị đầu cuối mạnh, linh hoạt với nhiều giải pháp thông tin cho khách hàng, chi phí hiệu quả, dễ dàng khai thác và sử dụng, nhiều ứng dụng hữu ích cho thuyền viên và chủ tàu là những tiện ích mà thiết bị này mang lại.
Tốc độ truyền dữ liệu của thiết bị Inmarsat FleetBroadband nhanh gấp 180 lần so với thiết bị mM và gấp 7 lần so với thiết bị Inmarsat Fleet 77. Với dịch vụ truyền dữ liệu thì có hai lựa chọn, đó là Standard IP và Streaming IP. Standard IP mang đến một tốc độ truy cập tối đa đến 432 kbps trên kênh chia sẻ, đặc biệt phù hợp cho các ứng dụng email, truy cập Internet, intranet và bảo dưỡng từ xa. Cước sử dụng được tính theo dung lượng sử dụng. Streaming IP đảm bảo tốc độ truy cập theo yêu cầu với các chọn lựa 32, 64, 128 và 256 kbps, thích hợp với các ứng dụng live video/audio, hội nghị truyền hình. Cước sử dụng sẽ tính theo thời gian truy cập.
Thiết bị Inmarsat FleetBroadband cung cấp dịch vụ thoại chất lượng cao, gửi và nhận tin nhắn văn bản lên đến 160 ký tự.
Hiện nay, một số công ty vận tải biển của nước ta đã lắp đặt hệ thống Inmarsat FleetBroadband trên đội tàu của mình như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam Vitranschart, các giàn khoan của liên doanh dầu khí Việt-Xô Vietsovpetro, Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco, Công ty cổ phần Vận tải biển III Vinaship…
Hệ thống thông tin liên lạc nói chung và các thiết bị Inmarsat nói riêng đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an toàn giao thông trên biển, là hệ thống không thể thiếu và luôn song hành cùng người đi biển trong mỗi chuyến hải trình.