14 tháng 9, 2011

Chính sách hỗ trợ máy thu trực canh cho ngư dân phát huy hiệu quả

Máy thu trực canh, một trong những loại thiết bị an toàn hàng hải thiết yếu lắp đặt trên tàu cá do Chính phủ hỗ trợ đang phát huy hiệu quả, giúp ngư dân hoạt động an toàn trên các vùng biển.

Ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác triển khai thực hiện Quyết định 459/QĐ-TTg ngày 28/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân.


Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Máy thu trực canh đã giúp ngư dân  tiếp nhận nhanh, chính xác thông tin dự báo thời tiết biển, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh (như dịp cuối năm 2010) trên cả 2 hệ thống truyền phát tin của đài phát thanh trung ương, địa phương, trên sóng AM/FM và các đài thuộc hệ thống thông tin Hàng hải Việt Nam, tần số 7906 kHz.
Những thông tin trên đã giúp cho ngư dân chủ động tổ chức sản xuất, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phần lớn trong số 6.536 máy sau hơn 1 năm trang bị cho ngư dân đều hoạt động tốt, đảm bảo thu tín hiệu trên cả 2 hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam và hệ thống các đài phát thanh trung ương và địa phương (2 băng tần AM và FM) trên các vùng biển Việt Nam.
Cho đến nay, tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, chưa thấy trường hợp nào thắc mắc về việc phân phối, cấp phát máy thu trực canh.
Tuy nhiên, Đại tá Bùi Hữu Thái, Trưởng phòng Biển Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, bên cạnh những hiệu quả, máy trực canh cũng cần cải tiến cho phù hợp với đời sống của ngư dân (điều chỉnh âm lượng, tìm nguồn năng lượng khác thay cho ắc quy để duy trì hoạt động của máy...).
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai Thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng đến nay mới có 7.000 chiếc máy trực canh được trang bị cho ngư dân (bằng 11% tổng số tàu cá thuộc diện cần trang bị). Điều này hạn chế việc khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí đủ vốn, song do một số nguyên nhân, trong đó có việc làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu của nhà thầu mất 4 tháng, thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến tháng 10/2010 mới kết thúc phân phối máy thu trực canh đợt 1 đã khiến chương trình bị chậm trễ. Điều này không những ảnh hưởng đến việc nhận máy của các chủ tàu cá vào trước mùa mưa bão năm 2010, đồng thời làm thay đổi, gây khó khăn cho việc lựa chọn các đối tượng được hỗ trợ trang bị máy thu trực canh.
Bên cạnh đó, việc xác định rõ đối tượng cấp máy theo Quyết định 459 cũng cần được xem xét thấu đáo thêm.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh thêm, ngư dân Việt Nam cần được quan tâm và có những chính sách đặc biệt không chỉ bởi họ đang là trụ cột của nhiều gia đình mà họ còn là lực lượng bám biển góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo. Do đó, cần nghiên cứu những cơ chế chính sách phù hợp với thực tế hiện nay để các phương án đề ra được triển khai hiệu quả, thiết thực.

Theo baodientu.chinhphu.vn