31 tháng 10, 2016

Ngành Hàng hải: Khoa học Công nghệ làm đòn bẩy để hội nhập thế giới

Thời gian qua, ngành Hàng hải đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong định hướng phát triển của Ngành, tạo điều kiện ưu tiên cho một số lĩnh vực có khả năng, tiềm lực đưa một số lĩnh vực đạt trình độ ngang tầm quốc tế. Từ những định hướng trọng tâm đó, KHCN đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy ngành Hàng hải Việt Nam (HHVN) phát triển, đưa nước ta mạnh từ biển, giàu lên từ biển.



Khoa học là then chốt cho sự bứt phá
Xác định tầm quan trọng có tính quyết định của KHCN trong lĩnh vực Hàng hải, những năm qua, Cục HHVN đã có được những thành tựu trong công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KHCN đáng kể. Giai đoạn 2011 – 2015, Cục HHVN đã tập trung triển khai nghiên cứu 15 đề tài cấp Bộ. Nhiều đề tài nghiên cứu được hội đồng nghiệm thu đánh giá rất xuất sắc, mang lại hiệu quả ứng dụng cao, có giá trị thực tiễn, phục vụ kịp thời công tác quản lý và thực tế sản xuất cho các đơn vị trực thuộc trong ngành Hàng hải như:
Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển báo hiệu hàng hải từ xa thông qua mạng điện thoại di động GSM phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải: Giúp cho việc theo dõi quản lý các báo hiệu hàng hải chặt chẽ hơn, giảm được thời gian đi kiểm tra thường xuyên bằng các phương tiện thủy, giảm các chi phí có liên quan, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và kịp thời giải quyết những sự cố liên quan đến các báo hiệu như: Đâm va, mất cắp, phao tiêu trôi khỏi vị trí an toàn…
Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm đèn báo hiệu hàng hải có chớp đồng bộ sử dụng vệ tinh GPS: Tạo chớp đồng bộ cho các báo hiệu hàng hải trên toàn tuyến luồng, nâng cao khả năng nhận biết các báo hiệu hàng hải, giúp người hành hải hành trình an toàn; giá thành chế tạo thấp (khoảng 60 – 70% giá thành sản phẩm tương đương trên thị trường thế giới); tự chủ về công nghệ, có thể sản xuất hàng loạt để cung cấp cho lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải.
Nghiên cứu giải pháp bảo đảm an toàn hàng hải trên tuyến luồng Sài Gòn – Vũng Tàu: Nghiên cứu khả năng đưa các tàu trọng tải lớn (nghiên cứu cho tàu >40.000DWT) vào các cảng biển khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Trên cơ sở thông số và chuẩn tắc luồng Sài Gòn – Vũng Tàu hiện hữu đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hàng hải trên tuyến luồng.
Bên cạnh đó, công tác biên soạn, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tập trung đẩy mạnh. Cục HHVN xác định tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý của Ngành.
Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý điều hành, Cục HHVN đã hoàn thành xây dựng 01 QCVN, 14 TCVN, 8 TCCS. Từ những tiêu chuẩn, quy chuẩn này là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xãhộiphảituânthủđểbảođảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Đưa hàng hải Việt Nam sánh tầm với thế giới
Thế kỷ 21 được thế giới xác định là “Thế kỷ của đại dương”, các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng đến việc xây dựng chiến lược biển. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW Ngày 9/02/2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đất nước, tạo tiền đề cho việc đổi mới và hiện đại hóa công nghệ của ngành Hàng hải, Cục HHVN xác định phát triển KHCN là khâu then chốt thúc đẩy Ngành phát triển đạt trình độ KHCN khu vực và thế giới, từ đó tập trung ưu tiên một số lĩnh vực trọng tâm:
Kết cấu hạ tầng hàng hải: Nghiên cứu, làm chủ công nghệ khảo sát thiết kế các công trình giao thông đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cao, an toàn, bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế – kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn các vùng miền của Việt Nam; làm chủ các công nghệ, phần mềm khảo sát thiết kế mạnh để khảo sát, thiết kế xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc cảng biển; hoàn thiện công nghệ thiết kế, phân tích kết cấu công trình giao thông phức tạp chịu tải trọng gió, động đất, thiết kế hệ thống quan trắc, hệ thống giao thông thông minh…
Hoàn thiện công nghệ chống sụt trượt và kiên cố hóa công trình giao thông; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; làm chủ công nghệ xây dựng công trình giao thông như cảng nước sâu, các công trình sử dụng vật liệu và công nghệ mới…; tập trung đầu tư công nghệ xây dựng cảng biển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng sau cảng.
Nghiên cứu ứng dụng KHCN đồng bộ từ khâu tổ chức, đào tạo, làm chủ các công nghệ, thiết bị thí nghiệm, phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công trình, kiểm định công trình; nghiên cứu ứng dụng KHCN tiên tiến vào quản lý, khai thác và bảo trì khai thác cảng biển, đặc biệt là các cảng biển nước sâu, cảng biển quốc tế.
Vận tải biển: Ứng dụng KHCN tiên tiến phục vụ vận hành và khai thác cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế theo mô hình cảng xanh, giảm thiểu ô nhiễm đối với khu vực và thân thiện với môi trường; ứng dụng KHCN trong việc quản lý và cấp phép tàu thuyền ra, vào cảng; hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động hàng hải: Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng hải lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), tiêu ra đa (RACON) trên hệ thống các đèn biển, lắp đặt phản xạ ra đa chủ động (RTE)…; hiện đại hóa hệ thống các đài thông tin duyên hải, ứng dụng công nghệ thông tin vệ tinh, thiết lập hệ thống nhận dạng và truy tàu theo tầm xa (LRIT) và Đài Thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat thế hệ mới MEOSAR; ứng dụng hệ thống AIS vào quản lý và theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển, kết nối với các hệ thống thông tin khác như LRIT, VTS phục vụ khai thác, điều hành, kiểm soát và quản lý các phương tiện hoạt động trên biển đồng bộ tại các cảng biển quan trọng; thiết lập bình đồ luồng hàng hải điện tử, ứng dụng hải đồ điện tử và hệ thống giám sát báo hiệu hàng hải từ xa; xây dựng mới các hệ thống quản lý giao thông hàng hải (VTS) trên các luồng có mật độ vận tải lớn; phát triển hệ thống AIS đài bờ, AIS vệ tinh; thiết lập các phao thu thập thông tin thời tiết để kịp thời cảnh báo đối với hiện tượng sóng thần và nước biển dâng tại khu vực cảng biển.
Công nghiệp hàng hải: Xác định công nghiệp đóng tàu là một trong những mũi nhọn, từ đó tập trung ứng dụng và làm chủ công nghệ và thiết bị tiên tiến trong nghiên cứu thử nghiệm, thiết kế, chế tạo các sản phẩm có chất lượng cao như tàu dầu, tàu cao tốc, tàu container, dàn khoan và các công trình trên biển…; tập trung chế tạo thiết bị báo hiệu hàng hải, chế tạo đèn biển, thiết bị báo hiệu vô tuyến điện RACON, AIS.

Theo Tạp chí Giao thông