5 tháng 10, 2016

Điểm tựa niềm tin của người đi biển

Tròn 20 năm hoạt động, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải VN đã trở thành một tổ chức tìm kiếm, cứu nạn mạnh trong hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển quốc gia, chỗ dựa vững chắc cho các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Tổ quốc.

Nơi đặt niềm tin
Ngày đầu tiên của tháng 12/2011, kíp trực ban của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải VN (Vietnam MRCC) nhận được thông tin tàu cá BĐ 91069 Ts bị hỏng máy thả trôi cùng 11 ngư dân tại vị trí 12-40N; 110-07E (cách bờ Văn Phong - Nha Trang 40 hải lý). Lập tức, Vietnam MRCC điều động SAR 412 rời cầu khẩn cấp đi cứu nạn. Quanh khu vực tàu bị nạn không có bất cứ tàu thuyền nào hỗ trợ nên các thuyền viên rất lo lắng. Đến khoảng 8h20 sáng hôm sau, tàu cứu nạn SAR 412 đến hiện trường và đưa toàn bộ thuyền viên cùng tài sản về Nha Trang an toàn.
20h28 ngày 7/1/2013, tàu cá KH 98568 Ts cùng 8 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt tại vị trí 14-58 N;112-15 E (cách Đà Nẵng 245 hải lý về phía Đông Nam). Lập tức Vietnam MRCC điều động tàu SAR 412 ra hiện trường TKCN tàu cá bị nạn. Trên đường hỗ trợ kéo tàu cá KH 98568 Ts vào Quy Nhơn, nhận được thông tin có tàu cá QNg 92101 Ts cũng bị gãy trục láp, thả trôi cùng 7 ngư dân cách vị trí của tàu KH 98568 không xa. Tàu SAR 412 đã cập mạn cả hai tàu và hỗ trợ về nơi an toàn.
Tàu RBD Borea/Cyprus, lúc 14h, ngày 17/8/2013, tại vị trí 20-39N; 106-54E (cách 4,5 hải lý phía Nam, phao số “0” Hải Phòng 5 hải lý) bị cháy hàng hóa, phát báo DSC kênh 70, tàu yêu cầu cứu nạn. Vietnam MRCC điều động SAR 411 ra hiện trường lúc 15h24 ngày 17/8 cùng với tàu Cảnh sát PCCC, cano cảng vụ. Đám cháy đã được dập tắt, tàu SAR 411 cập cầu lúc 8h30 ngày 18/8.
Trên đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn vụ cứu nạn mà Vietnam MRCC đã cứu nạn thành công, giúp những ngư dân, thuyền viên vững tin hơn mỗi chuyến ra khơi. Đặc biệt, trong năm 2014 - 2015, Vietnam MRCC đã thực hiện thành công 14 vụ cứu nạn tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa và khu vực lân cận, cứu và hỗ trợ hàng trăm ngư dân Việt Nam bị nạn tại khu vực biển Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó, một số vụ có sự cọ sát mạnh giữa tàu tìm kiếm cứu nạn với lực lượng của Trung Quốc. Vụ tìm kiếm cứu nạn xa nhất thực hiện tại khu vực phía Đông đảo Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa, cách bờ trên 350 hải lý. Qua đó, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đã dần khẳng định được vị trí, vai trò, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Theo thống kê, chỉ riêng giai đoạn 2011 - 2015, Vietnam MRCC đã tiếp nhận 1.925 vụ báo nạn; cứu và hỗ trợ 3.422 người, trong đó có 170 người nước ngoài; cứu và hỗ trợ 280 tàu thuyền các loại.

Khẳng định chủ quyền
Vietnam MRCC được thành lập theo Quyết định số 2628 ngày 2/10/1996 và được quy định lại về tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 2727 ngày 30/7/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT, là đơn vị sự nghiệp hoạt động nhân đạo trực thuộc Cục Hàng hải VN, thực hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
Những ngày đầu thành lập, Vietnam MRCC chỉ có 4-5 cán bộ làm nhiệm vụ thường trực thu nhận các thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải và chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý, các Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực hoàn toàn dựa vào cơ sở vật chất kỹ thuật, cán bộ kiêm nhiệm của Cảng vụ Hàng hải tại địa phương để hoạt động. Đến nay, tròn 20 năm hoạt động, Vietnam MRCC đã trở thành một tổ chức tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành mạnh nhất trong hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Vietnam MRCC cho biết, Vietnam MRCC duy trì nghiêm ngặt chế độ trực ban tìm kiếm, cứu nạn 24/24h tại Phòng Phối hợp cứu nạn và 4 phòng điều hành phối hợp tại các đơn vị trực thuộc. Các phòng điều hành đã được trang bị máy móc, trang thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin báo nạn, liên lạc với các phương tiện tham gia cứu nạn và phương tiện bị nạn để phối hợp xử lý vụ việc. Bộ phận trực thông tin tại phòng phối hợp cứu nạn và các đơn vị trực thuộc phối hợp với Hệ thống Đài thông tin duyên hải thực hiện chức năng phối hợp thông tin tìm kiếm, cứu nạn, có thể tham gia hoạt động thông tin liên lạc trong vùng A1, A2, A3 theo yêu cầu của hệ thống thông tin Cứu nạn và An toàn Hàng hải toàn cầu (GMDSS).
Vietnam MRCC cũng trực tiếp chỉ huy, điều hành hoạt động của lực lượng, phương tiện ngành Hàng hải và của các bộ, ngành khác được huy động tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Trong trường hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển có sự tham gia của lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài, Vietnam MRCC thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối thông tin liên lạc giữa cơ quan chỉ huy, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài.
Ông Vũ cho biết thêm, vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam rất rộng lớn với 3.260km chiều dài và hơn 1 triệu km2 thềm lục địa, có nhiều đảo, quần đảo ở cách xa bờ, trong khi đó số lượng phương tiện ít, mới chỉ có 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng tầm hoạt động hạn chế trong phạm vi 250 hải lý đối với tàu 41m và 150 hải lý đối với tàu 27m nên rất khó khăn trong việc điều động tàu đến những nơi xảy ra tai nạn cách xa bờ. Do vậy, rất cần được trang bị các phương tiện TKCN lớn có tầm hoạt động rộng, nhiều ngày trên biển.
Để khắc phục khó khăn này, Vietnam MRCC đã nghiên cứu nâng cao tầm hoạt động của loại tàu 41m, đồng thời tham khảo ý kiến nhà thiết kế, đóng loại tàu này là hãng DAMEN. Sau khi nghiên cứu, cải tạo và nâng cấp tàu đã cho kết quả khả quan. Chỉ riêng trong năm 2014 và 10 tháng năm 2015, đã có 105 lượt người được trực tiếp cứu sống tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ có các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật này, gần như toàn bộ các vụ việc cứu nạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đều được các tàu tìm kiếm cứu nạn của Vietnam MRCC cứu, hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho bà con ngư dân; giúp bà con yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo baogiaothong.vn