10 tháng 9, 2016

Tàu xa bờ thiếu thiết bị liên lạc

Thực trạng yếu và thiếu các thiết bị, máy móc thông tin liên lạc trên tàu cá sản xuất xa bờ khiến cho công tác cứu hộ cứu nạn và hoạt động trên biển của ngư dân thêm khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão.

Thực trạng yếu và thiếu các thiết bị, máy móc thông tin liên lạc trên tàu cá sản xuất xa bờ khiến cho công tác cứu hộ cứu nạn và hoạt động trên biển của ngư dân thêm khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão.
Ngư dân kiểm tra thiết bị liên lạc trước khi ra khơi.Ảnh: QUANG VIỆT

Yếu và thiếu
Theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT ngày 29.3.2011 của Bộ NN&PTNT, các tàu cá sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc phải trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, gồm thiết bị định vị vệ tinh (GPS), máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB), thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF), phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin Cospas-Sarsat (EPIRB). Tuy nhiên, không ít tàu cá hoạt động xa bờ của tỉnh lại chưa đảm bảo được điều này. Do không nhận được các thông tin phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam cũng như từ các tàu cá khác cùng ngư trường nên một số tàu cá đã không được trợ giúp kịp thời khi không may gặp nạn. Thực tế đã cho thấy trang bị và sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc là rất cần thiết. Một số chủ tàu cá kể lại rằng, do không kịp thời kết nối tần số nên đã không thể liên lạc được với các tàu đi ngang qua để nhận được sự trợ giúp khi bị nạn. Ngoài ra, các thiết bị liên lạc cũng giúp ngư dân tránh nguy cơ bị đâm va khi đang hoạt động trên biển.

Ngư dân cần kết nối với các đài duyên hải khi ra khơi
Theo Sở NN&PTNT, một số tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS, giúp ngư dân sớm phát hiện các phương tiện khác ở khoảng cách xa, góp phần tránh va chạm, tai nạn trên biển. Điều đó rất cần thiết khi tàu Trung Quốc quá hung hăng, sẵn sàng tấn công ngư dân Quảng Nam vào thời điểm này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số ngư dân lại mua thiết bị AIS trôi nổi trên thị trường được cài đặt mã nhận dạng lưu động hàng hải (mã MMSI) sẵn do các công ty, cơ sở cung cấp thiết bị cài đặt. Hầu hết thiết bị này chưa được đăng ký mà ngư dân chưa sử dụng thành thục nên gây nhiều khó khăn trong hoạt động kết nối. Đáng nói hơn, cá biệt một số tàu còn sử dụng mã nhận dạng của nước ngoài mà lại là của Trung Quốc nên gây hiệu ứng… ngược trong tìm kiếm cứu nạn trên biển. Là đơn vị trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn khi tàu cá của ngư dân Quảng Nam không may gặp sự cố đáng tiếc, Đại tá Đào Hồng Nghiệp – Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho rằng các ngành chức năng của tỉnh cần trợ giúp ngư dân lắp đặt, sử dụng thông thạo các thiết bị liên lạc. Chứ có khi điều tàu từ đất liền đến Hoàng Sa cứu giúp thì lại nghe tiếng nước ngoài, tiếng Trung Quốc phát ra từ hệ thống liên lạc trên tàu cá của ngư dân Quảng Nam, rất khó xử lý kịp thời, chính xác tình huống.

Kiện toàn liên lạc
Thời gian qua, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng đã trực tiếp cung cấp thông tin cấp cứu, cứu nạn hàng hải cũng như thông tin an toàn hàng hải đến ngư dân Quảng Nam và các tỉnh, thành trong khu vực duyên hải miền Trung, giúp ngư dân tai qua nạn khỏi ở nhiều sự cố. Ông Đoàn Ngọc Hiên – Phó Giám đốc Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng cho rằng, thực trạng tàu cá không trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc có nhiều nguyên nhân. Trước hết là ngư dân thiếu vốn khi đã đầu tư được con tàu lớn hoạt động trên vùng biển xa. Mặt khác, nhiều khi có trang bị nhưng ngư dân không bật thiết bị vì tiết kiệm điện. Trong khi đó các ngành chức năng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định hàng hải. Ông Hiên đề xuất: “Đối với các thiết bị AIS thì ngành thủy sản cần giúp ngư dân đăng ký, ấn định mã MMSI để khỏi vướng. Cùng với đó thì công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về biển đảo cần phải được thực hiện chu toàn hơn”.
Mùa mưa bão đang đến gần nên công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá sản xuất trên các vùng biển xa diễn ra hết sức cấp thiết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã làm việc với Chi cục Thủy sản Quảng Nam, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và đề nghị các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo trực canh, sẵn sàng phương tiện để có thể điều nhân lực và tàu lớn khẩn cấp cứu ngư dân khi không may gặp nạn. Lực lượng chức năng cần khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả để ngư dân liên lạc, kết nối với nhau thông qua mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển mỗi khi vươn khơi sản xuất. Cùng với đó là chủ động tránh các tình huống đâm va trên biển, thiết bị, phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp phải được trang bị đầy đủ. “Các tình huống khẩn cấp trên biển có thể sẽ xảy đến trong thời gian tới. Vì thế các ngành, đơn vị, tùy theo chức trách của mình giúp ngư dân kiện toàn các thiết bị liên lạc trên tàu cá càng nhanh càng tốt. Các thiết bị thông tin liên lạc cự ly ngắn, thiết bị hỗ trợ xác định vị trí cần được chú ý đặc biệt. Sự sát cánh với ngư dân ở thời điểm này thể hiện ở chỗ giúp họ kiểm tra kỹ càng các thiết bị thông tin liên lạc, máy móc, nhu yếu phẩm, thuốc, dụng cụ y tế trước khi nhổ neo xuất bến bám biển” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

* Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam gồm 33 đài duyên hải, bố trí dọc theo bờ biển Việt Nam, sử dụng công nghệ đồng bộ, hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực. Các đài duyên hải hoạt động theo chế độ 24/7, đảm bảo thông tin cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, công tác an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển, được xem là “bà đỡ” của ngư dân. Các đài thông tin duyên hải được kết nối với nhau, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, phục vụ các phương tiện hành trình trên biển, đặc biệt khi thời tiết nguy hiểm.

Theo Báo Quảng Nam